22/12/2009 12:17 GMT+7 | Truyền hình thực tế
Việc xuất hiện hàng loạt kênh truyền hình, gameshow, chương trình (CT) truyền hình thực tế, hội nghị, hội thảo, khai trương... đã khiến nghề dẫn chương trình (MC) trở thành một trong những nghề "hot" nhất hiện nay.
Độ "hot" này thể hiện qua mức cát-sê vô cùng hấp dẫn, đến nỗi có người còn cho rằng, thu nhập của nghề MC chỉ xếp sau ca sĩ. Từ thực tế này, trong giới MC đã bắt đầu có chuyện "hét giá”, bất chấp CT nhằm phục vụ mục đích nào.
MC - một nghề đang được giới trẻ yêu thích và chọn lựa |
Cũng như các lực lượng khác, trên thị trường biểu diễn, nghề MC cũng có "khung" giá riêng, tùy theo tiếng tăm và kinh nghiệm của từng người. Tuy nhiên, khung giá này chỉ là để... tham khảo vì tùy theo quan hệ với bầu sô, tùy tính chất CT, các MC sẽ đưa ra mức giá khác nhau.
Biên tập viên một CT truyền hình xã hội hóa của HTV cho biết, CT của cô hiện có 9 MC, luân phiên xuất hiện. Mức cát-sê cho một CT như vậy chỉ từ 300 - 500 ngàn đồng/show. Với 10 lần "lên sóng" trong vòng một tháng, trung bình mỗi MC nhận được khoảng ba - năm triệu đồng. Riêng với MC có hợp đồng, biên chế với đài thì thù lao thấp hơn nhiều, vì đó là công việc bắt buộc.
Tuy nhiên, đối với các MC này, vấn đề thù lao không quan trọng bằng việc được lên sóng đài. Tần suất xuất hiện càng nhiều càng tạo cơ hội lớn để công chúng biết đến và cơ hội làm show cũng nhiều hơn. Dạng có thu nhập khá hơn là các MC trong các CT truyền hình thực tế, gameshow... nhưng để được "chấm" vào những CT này, MC phải là người của công chúng. Mức thù lao bình quân cho người dẫn chương trình khoảng ba - năm triệu đồng/chương trình tùy theo sự nổi tiếng của MC.
Sự ra đời của nhiều kênh truyền hình cũng khiến một số MC là biên tập viên và phát thanh viên của các đài truyền hình được lăng xê chóng vánh và nhiều người đã đòi cát-sê chóng mặt khi chạy các show bên ngoài để theo kịp đàn anh, đàn chị. Một số MC còn mắc bệnh "sao", dù khả năng dẫn CT còn ở mức "thường thường bậc trung".
Trong một lần tổ chức chương trình phát học bổng cho nữ sinh nghèo hiếu học, BTC một tờ báo "hoảng hồn" khi nữ MC của một chương trình truyền hình thực tế trên HTV (hỗ trợ nhà cho người nghèo) đòi giá 10 triệu đồng cho hai giờ làm việc. Khác với vẻ thân thiện khi làm việc của đài với người nghèo, MC này nhất định không giảm giá, dù CT mang tính từ thiện, không có tài trợ.
Để trở thành MC chuyên nghiệp không dễ (ảnh chỉ mang tính chất minh họa) |
Đại diện một đơn vị truyền thông tại Hà Nội cũng từng dở khóc dở cười vì lâm cảnh tương tự: chỉ là một CT giao lưu sinh viên, nhưng BTC "té ngửa" khi được một MC vốn là biên tập viên của VTV đòi giá sáu triệu đồng, dù CT không bán vé...
Với các CT hội nghị khách hàng, ca nhạc thời trang, khai trương, lễ kỷ niệm... mức cát-sê tùy thuộc vào mối quan hệ giữa MC với đối tượng mời. Nếu là chỗ "thâm tình", giá chỉ "hữu nghị”, thậm chí MC miễn phí để "tính chuyện đường dài". Ngược lại, sẽ có hiện tượng bị "hét giá” nếu CT có tài trợ. Với những MC có thương hiệu, dẫn CT ở các sự kiện lớn có giá không dưới 10 triệu đồng, có khi lên đến 1.000 - 2.000 USD. Các MC ít tên tuổi nhưng xuất hiện nhiều ở các CT truyền hình thì mức giá khoảng năm, bảy triệu/CT.
Để giải quyết nhu cầu "khát" người dẫn chương trình, nhiều công ty đã đã tìm đến những MC ít tên tuổi, hay tìm ca sĩ, nghệ sĩ để "thế vai". Nhiều sự thế vai rất thành công, nâng tầm CT lên như:Vượt lên chính mình (Quyền Linh), Chung sức (Tạ Minh Tâm)... nhưng cũng có CT gây phản cảm vì MC dẫn kém duyên, thiếu chuyên nghiệp. Cụ thể như dẫn một chương trình kêu gọi chia sẻ lòng nhân ái cho người nghèo mà giọng của MC cứ đều đều, khuôn mặt thì cứng đơ không chút xúc cảm.
Do có thu nhập, lại dễ nổi tiếng nên nghề MC đang thu hút nhiều bạn trẻ. Chỉ riêng khâu đào tạo của NVH Thanh Niên đã mở được trên 30 khóa, với khoảng 150 - 200 học viên/khóa. Lượng nhiều nhưng số MC có nghề và có tính chuyên nghiệp chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất