23/10/2015 06:14 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Tuần này, các gia đình bị ly tán suốt 6 thập kỷ sau chiến tranh Triều Tiên đã có cơ hội đoàn tụ đầy cảm động với thân nhân. Nhưng sau những giọt nước mắt, những cái ôm thật chặt, họ cũng chẳng thể chia sẻ nhiều điều với nhau vì đủ loại quy định ràng buộc.
"Tôi chỉ có thể nhìn vào gương mặt người thân rồi hỏi những câu như gia đình còn lại bao người vẫn sống ở Triều Tiên” – ông Jang Choon, 83 tuổi, người từng tham gia một chuyến đoàn tụ và đã gặp em trai, em gái, chia sẻ với hãng tin AP - “Lẽ ra chúng tôi nên được cho thêm thời gian”. Ông Jang nói rồi rớt nước mắt khi nghĩ về những người em ông đã gặp trong tháng 2 năm ngoái và có thể sẽ không bao giờ thấy họ trở lại nữa.
Những quy định chặt chẽ
Trong những cuộc đoàn tụ như thế, người Hàn Quốc thường muốn hỏi thân nhân ở Triều Tiên xem họ có được no đủ hay không, sau khi xuất hiện tin tức thiếu thực phẩm ở nơi đây. Tuy nhiên điều đó không thể xảy ra. Trước mọi cuộc đoàn tụ, Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc luôn phát sách hướng dẫn tới cho các gia đình tham gia đoàn tụ. Sách yêu cầu không bàn tới vấn đề an ninh lương thực hay kinh tế vì có thể khiến Triều Tiên bực dọc, làm xấu đi quan hệ.
"Cần phải tránh nói ra những điều mà Triều Tiên có thể hiểu lầm” - cuốn sách viết. Chính quyền Seoul cho hay những người tham gia cuộc đoàn tụ diễn ra từ ngày 20 - 22/10 năm nay cũng được cảnh báo điều tương tự.
Sách hướng dẫn còn nói rằng những người Hàn Quốc không thể đưa ra các bình luận liên quan tới nền chính trị Triều Tiên. Sách khuyến khích người Hàn Quốc đổi chủ đề một cách tự nhiên, nếu thân nhân ở Triều Tiên đưa ra các bình luận về chính trị.
Phía Triều Tiên không phát sách như Hàn Quốc. Nhưng những người tham gia cuộc đoàn tụ hồi năm ngoái nói rằng dường như các quan chức Triều Tiên vẫn giám sát rất chặt tình hình.
Ông Jeon Ho-yeon, một người Hàn Quốc 82 tuổi, nói rằng đã cùng người em trai 79 tuổi sống ở Triều Tiên vào trong một căn phòng khách sạn để được gặp gỡ riêng tư, tránh xa các phóng viên và máy ghi hình. Nhưng ông vẫn cẩn trọng với các chủ đề nói trong căn phòng đó, vì nghĩ rằng phía Triều Tiên có thể triển khai các biện pháp giám sát.
"Tôi rất muốn hỏi nhiều điều, như cha mẹ đã sống ra sao trước khi qua đời. Nhưng tôi đã không thể hỏi những câu đó vì nhạy cảm” - ông chia sẻ.
Khó nói chuyện chân tình
Một số người Hàn Quốc tham gia đoàn tụ cũng nói rằng rất khó để có các cuộc trò chuyện chân tình, sâu sắc với thân nhân, bởi các quy định mà chính quyền Hàn Quốc đưa ra, vì sự giám sát của phía Triều Tiên và sự chú ý quá mức của báo giới. “Chúng tôi chẳng nói với nhau điều gì đáng nhớ cả” - ông Jeon chia sẻ - “Tôi đã thấy lại em mình, biết rằng cha mẹ đều qua đời. Nhưng chuyện cũng chỉ có vậy.”
Giống như cuộc đoàn tụ của năm nay, những người tham gia cuộc đoàn tụ hồi năm ngoái không được phép ngủ cùng phòng với thân nhân. Họ cũng chỉ được ở cạnh người thân trong 12 tiếng đồng hồ. Nhiều người đã hết sạch thời gian trước khi họ có thể biết người thân giờ đang sống ra sao.
“Lẽ ra chúng tôi phải được ngủ trong cùng một phòng” - ông Jang nói – “Đã quá lâu trước khi hai anh em chúng tôi được gặp nhau, tới mức cả hai chỉ biết khóc khi gặp mặt. Nhưng ngay khi chúng tôi vừa ngừng khóc thì cuộc gặp gỡ cũng kết thúc.”
Ngay cả khi chia tay, chuyện cũng không diễn ra dễ dàng, nhất là ở phần quà tặng. Người Hàn Quốc không được phép tặng quà xa xỉ cho thân nhân ở Triều Tiên. Việc này bị cấm, theo nội dung các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng bảo an LHQ, liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.
Người Hàn Quốc được phép tặng thân nhân ở Triều Tiên các món quà như rượu, đồ mỹ phẩm và đồng hồ, chừng nào giá của chúng nằm dưới ngưỡng 88 USD. Vàng, bạc, ngọc trai bị cấm ngặt. Quà là tiền mặt phải được quy đổi về đô la và không quá 1.500 USD.
Vì thế, trong các cuộc đoàn tụ, người Triều Tiên thường tặng rượu cho thân nhân ở Hàn Quốc và người Hàn thì tặng lại quần áo, đồ phục vụ sinh hoạt cùng tiền mặt. Vì một số lý do, vài người không trao cho thân nhân quá nhiều tiền. Trong số đó có Jeon. Ông đã đóng hai túi quần áo, thuốc men và vật dụng bình thường trị giá 880 USD để tặng cho em trai, bên cạnh số tiền mặt 500 USD.
"Khi nhận quà, em tôi chẳng thể hiện nhiều sự cảm kích” - ông Jeon nói và cười - “Sau này tôi mới biết rằng phần lớn người Hàn Quốc tặng thân nhân của mình khoảng 1.000 USD”.
Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất