01/12/2022 20:08 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
10 tuổi trở thành sinh viên, 13 tuổi tốt nghiệp đại học nhưng hiện tại cuộc sống của Trương Dịch Văn vẫn vô cùng chật vật.
Thần đồng là từ dùng để chỉ những đứa trẻ sở hữu trí thông minh hoặc năng khiếu đặc biệt mà nhiều người trưởng thành chưa chắc đã có được. "Mỹ từ" này khiến các em nhận được nhiều sự quan tâm nhưng đi kèm theo đó cũng là những hệ lụy không lường trước. Vì 2 chữ "thần đồng" này mà nhiều đứa trẻ đã phải gánh chịu vô vàn áp lực.
Trương Dịch Văn (sinh năm 2007) tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) là một trường hợp như vậy. Trương Dịch Văn từng được mệnh danh là thần đồng khi 10 tuổi đã trở thành sinh viên, nhưng ít ai biết được rằng sau đó, cô bé lại trở thành nhân vật chính của một chuỗi bi kịch.
Trương Dịch Văn
"Sản phẩm" của mô hình dạy con mang tên "giáo dục thần đồng"
Trương Dịch Văn sinh năm 2007 trong một gia đình tri thức có có bố mẹ đều làm trong ngành giáo dục tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Chính vì thế mà ngay từ khi nhỏ, cô bé đã được cha mẹ vô cùng quan tâm và đầu tư cho chuyện học hành.
Theo quan điểm của ông Trương Dân Thao - bố của Dịch Văn, phương pháp giáo dục chính quy tại các trường khá... cứng nhắc nên ông không muốn con mình đi theo. Thay vào đó, ông Dân Thao đã quyết định dạy con theo một mô hình khác mang tên "giáo dục thần đồng" do chính mình sáng tạo ra. Để hiện thực hóa ước mơ, hai vợ chồng ông Thao đã mở một trường tư thục riêng và dĩ nhiên, Dịch Văn cũng là một học sinh trong ngôi trường đó.
Được biết, ngay từ khi Dịch Văn còn rất nhỏ, cha mẹ cô bé đã lên một bản kế hoạch tương lai vô cùng chi tiết cho con gái. Theo đó, Trương Dịch Văn cần phải hoàn thành tất cả các khóa học của trường tiểu học, THCS và THPT trước 9 tuổi và bước chân vào giảng đường đại học 1 năm sau đó, lấy bằng tiến sĩ ở tuổi 20 và có thể tham gia nghiên cứu khoa học trong tương lai.
Dưới sự quản thúc nghiêm ngặt trong chuyện học hành, cô bé nhanh chóng đã trở thành một "thần đồng", một "con nhà người ta" theo đúng nguyện vọng mà cha mẹ cô từng mong mỏi. Tuy nhiên, đánh đổi lại những thành công đấy, trong khi những đứa trẻ bằng tuổi khác vẫn đang vô tư chơi đùa, thì Trương Dịch Văn lại phải "lao" đầu vào việc học. Không chỉ có vậy, hàng ngày, cô bé đều phải dậy lúc 5 giờ sáng để học. Sau khi ăn trưa, Dịch Văn chỉ có 1 tiếng nghỉ ngơi trước khi bắt đầu học tiếp buổi chiều. Còn buổi tối, việc học của cô bé sẽ kéo dài tới 10 giờ mới kết thúc.
Đáp lại sự mọi cố gắng, chỉ trong vòng vỏn vẹn 4 năm, cô bé đã hoàn thành chương trình học phổ thông cần thiết mà đáng lẽ 1 học sinh bình thường phải dành ít nhất 12 năm để hoàn thành.
Không lâu sau đó, Trương Dịch Văn bước vào kỳ thi đại học. Song, vì chỉ được tiếp xúc với các kiến thức khoa học, bỏ qua những môn như lịch sử, địa lý... nên điểm thi đại học lần đầu tiên của Dịch Văn chỉ đạt 172 điểm. Không nản chí, gia đình Dịch Văn tiếp tục đưa cô bé vào lò luyện thi, ôn tập để thi lại năm sau và kết quả là Dịch Văn đạt thành tích 352 điểm, đủ để đỗ vào ngành Công nghệ kỹ thuật thông tin điện tử, Học viện Công nghệ Thương Châu.
Ngay lập tức, câu chuyện về thần đồng đỗ đại học năm 10 tuổi đã gây xôn xao dư luận Trung Quốc thời điểm bấy giờ. Nhiều người cho rằng, cô bé đã bị mất đi tuổi thơ vì phương pháp học tập vô cùng hà khắc của bố mẹ. Thậm chí, không ít người cho rằng Dịch Văn vốn không phải là thần đồng mà cô chỉ là "sản phẩm" trong cách giáo dục "ép chín" mà thôi!
Tốt nghiệp không nơi nào nhận, quay về trường của bố với mức lương 7 triệu/tháng
Vì còn quá nhỏ nên không có gì quá khó hiểu cuộc sống sinh viên của "thần đồng" Trương Dịch Văn gặp không ít rắc rối. Dù đã trở thành sinh viên nhưng cô bé dường như vẫn không có khả năng tự chăm sóc bản thân. Đáng buồn hơn nữa là suốt năm tháng đại học, Dịch Văn dường như không có 1 người bạn đúng nghĩa. Điều đó khiến Dịch Văn luôn cảm thấy tự ti và sợ hãi mỗi khi đến lớp.
Không chỉ gặp vấn đề về kết bạn, mà khả năng học tập của Dịch Văn cũng chẳng khấm khá là bao. Theo lời kể của giáo viên, trong suốt 3 năm học tại Học viện Công nghệ Thương Châu, kết quả học tập của Dịch Văn không có gì... nổi bật. Điều đó là hiển nhiên bởi đầu óc lúc đó của Dịch Văn vốn chỉ là 1 đứa bé 10 tuổi nên để có những nền tảng nhất định trong các môn chuyên ngành là không hề dễ dàng. Dẫu vậy, cô bé vẫn tự mình chiến đấu và sau 3 năm, Dịch Văn cũng đã tốt nghiệp đại học với điểm số ở mức... trung bình.
Gì thì gì, độ tuổi tốt nghiệp đại học của một người bình thường là vào năm 21 tuổi, ấy thế mà đối với Trương Dịch Văn thì độ tuổi để "bước vào đời" là 13. Thiếu đi cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm, nên sau khi tốt nghiệp đại học, cô bé vô cùng chật vật để tìm việc. Dường như không công ty nào muốn tuyển dụng một "thần đồng" ở cái tuổi "ăn không nên đọi, nói chưa nên lời" như thế. Không chỉ vậy, cô bé còn không thể đăng ký dự thi học cao học vì các chuyên ngành liên quan đến máy tính đòi hỏi em phải thi Toán và Tiếng Anh, trong khi năng lực của em tương đối yếu ở 2 môn này.
Cuối cùng, Trương Dịch Văn phải quay về trường tư thục của cha mình, trở thành giáo viên trợ giảng, nhận mức lương hàng tháng 2.000 tệ/tháng (hơn 7 triệu đồng).
Sau khi câu chuyện được chia sẻ, bố của Trương Dịch Văn đã nhận về không ít ý kiến chỉ trích vì gò ép con cái trở thành thiên tài từ quá sớm. Thế nhưng, ông lại đáp lại rằng: "Con bé cảm thấy cô đơn, nhưng tôi nghĩ cô đơn không hẳn là 1 điều xấu, và cô đơn cũng như 1 bài tập thể dục".
Theo một số nguồn tin, giờ đây Dịch Văn đã 15 tuổi và bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì. Vậy nên, tính cách em cũng có chút ít thay đổi. Cô bé có phần nổi loạn hơn, có những ý kiến độc lập và đôi khi là trái chiều với bố mẹ.
Tổng hợp
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất