Ai Cập tìm thấy 66 bức tượng nữ thần chiến binh đầu sư tử

09/03/2017 16:39 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - 66 bức tượng mô tả Sekhmet, nữ thần chiến binh đầu sư tử đã được các nhà khảo cổ Ai Cập tìm thấy tại đền thờ Amenhotep III ở gần Luxor, miền Nam Ai Cập. Những bức tượng đó được đặt ở đây từ cách đây hàng ngàn năm nhằm bảo vệ vị vua này tránh được tai họa.

Các bức tượng nữ thần Sekhmet trong cả tư thế đứng và ngồi, tay cầm gậy quyền có hình bông hoa papyrus và là biểu tượng của cuộc sống.


Tàn tích của các bức tượng mô tả nữ thần chiến binh Sekhmet được tìm thấy tại đền thờ Amenhotep III

Theo trang Facebook chính thức của Bộ Cổ vật Ai Cập, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra các bức tượng khi họ đang tìm kiếm tàn tích của bức tường ngôi đền, trong nỗ lực phục dựng đền thờ Amenhotep III theo dự án bảo tồn 2 bức tượng lớn và đền thờ Amenhotep III.

Mỗi bức tượng được làm bằng đá diorite, một vật liệu cũng được sử dụng để xây các ngôi đền.

Các bức tượng này đã ngự trị tại ngôi đền trong nhiều năm, thậm chí cả sau khi ngôi đền bị một trận động đất kinh hoàng phá hủy. Các nhà khảo cổ khẳng định, phát hiện của họ mang giá trị kỹ thuật, khoa học và khảo cổ rất lớn.

Hiện, nhóm khảo cổ đang khôi phục bộ sưu tập tượng này và chúng sẽ được đặt lại tại đền khi công trình phục dựng được hoàn tất. Có 3 bức tượng còn khá nguyên vẹn, trong khi nhiều bức tượng đã bị hủy hoại nhiều.


Bức tượng Amenhotep III được tìm thấy trong đền thờ

"Mỗi bức tượng là một kiệt tác điêu khắc. Tượng có đầu sư tử, đội tóc, thân hình là một người phụ nữ mặc chiếc váy bó dài" – theo mô tả của Bộ Cổ vật Ai Cập.

Trong thần thoại Ai Cập, Sekhmet một nữ thần chiến binh đầy quyền lực, nhiều khi được gọi là con gái đồng thời là người bảo vệ của thần Mặt trời Ra. Chính vì lẽ đó mà Amenhotep III đã lệnh làm nhiều bức tượng mang hình ảnh của bà để bảo vệ ngôi đền tránh khỏi hiểm họa.

Chân dung của bà vẫn được mô tả với chiếc đầu sư tử đội đĩa mặt trời. Tên của Sekhmet có nguồn gốc từ chữ cổ Ai Cập "sekhem", có nghĩa là "quyền lực hoặc sức mạnh". Bà còn được mô tả là "nữ thần của nỗi khiếp sợ".

Để xoa dịu cơn thịnh nộ của Sekhmet, các nữ tu của bà đã tiến hành một nghi lễ trước khi đặt các bức tượng vị nữ thần này vào các ngày trong năm. Đó chính là lý do giải thích tại sao có quá nhiều tượng còn tồn tại.


Chân dung nữ thần chiến binh Sekhmet

Các chuyên gia cho rằng có khoảng 700 bức tượng nữ thần Sekhmet từng được đặt tại ngôi đền Amenhotep III, trên bờ Tây của sông Nile.

Bên cạnh đó, nhóm khảo cổ còn tìm thấy một bức tượng lớn mô tả Pharaoh Amenhotep III ở tư thế đứng và mặc áo choàng. Thêm nữa, họ còn tìm thấy phần giữa của một bức tượng hoàng gia không đầu, cũng được làm bằng đá granite đen, được cho là tượng trưng cho Amenhotep III.

Amenhotep III cai trị Ai Cập trong khoảng 40 năm vào thế kỷ 13 trước Công nguyên, vào năm 1391-1353 trước Công nguyên, thời kỳ Ai Cập đang ở đỉnh cao quyền lực. Ông là vị pharaoh thứ 9 trong triều đại thứ 18 của Ai Cập cổ đại. Đó chính là lý do giải thích tại sao đền thờ ông được xây dựng lớn như vậy.

Hai bức tượng tương tự được tìm thấy tại ngôi đền từ cách đây 1 thế kỷ hiện được lưu giữ trong Bảo tàng Ai Cập.

Hồi năm ngoái, Bộ Cổ vật Ai Cập tuyên bố họ đã tìm thấy 6 bức tượng nữ thần Sekhmet, tất cả đều được làm bằng đá granite đen.

Tuấn Vĩ
Theo Daily Mail

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm