24/08/2022 14:07 GMT+7 | Văn hoá
Xin bắt đầu câu chuyện vào ngày 14/3/1930 tại Sài Gòn. Ngày ấy có lễ khánh thành bức tượng chân dung toàn thân được đúc bằng đồng theo lối tả thực, tỷ lệ 1/1, tạc đại thương gia Quách Đàm (1863 - 1927).
Tượng được đặt trên bệ cao, đá hoa cương, ngay giữa chợ Bình Tây bề thế, rộng tới 25.000 mét vuông, nối từ quận 5 sang quận 6 của TP.HCM hiện nay. Khu chợ này do chính ông Quách Đàm bỏ tiền xây cất.
1. Trên bệ cao, nhân vật điêu khắc Quách Đàm, người gốc Hoa, tay phải cầm cuốn thư, lộ ra một trang ghi các chữ Pháp "écoles, marchés, oeuvres, assistance” (trường học, thị trường, việc làm, hỗ trợ), khái quát những mong muốn và thành tựu ông đóng góp cho xã hội! Trong các cống hiến ấy, trường học được đặt trước chợ/thị trường cũng là một tầm nhìn. Việc học được quan tâm trước tiên ở vùng đất buôn bán sầm uất này.
Để có những ngôi trường, những khu chợ, những việc làm, sinh thời ông Quách Đàm phải quang gánh trên vai, đi khắp hang cùng ngõ hẻm vùng đất mới Sài Gòn để mua bán đồng nát, ve chai. Cứ đi cả ngày, tối kiếm mái hiên ngủ đậu qua đêm. Cần cù như thế cho tới khi tích lũy đủ tiền bạc để mở cửa hàng, rồi xây được khu chợ Bình Tây là cả một đoạn trường.
Tác giả bức tượng này, điêu khắc gia người Pháp Paul Ducuing (1867-1949) đã “điểm nhãn” vào nhân vật của mình, không phải trên khuôn mặt, mà ở chỗ… mu bàn chân! Tượng đặt chót vót trên bệ cao, người thưởng ngoạn từ dưới đất không thể nào nhìn ra “nhãn họa” kia. Vì thế, cái thực tế không gian thưởng ngoạn ấy kéo dài cả nửa thế kỷ, đã giúp tác giả Paul Ducuing giấu được bí mật dài lâu.
Bí mật nghệ thuật của Paul Ducuing được giữ mãi, cho tới một ngày sau năm 1975, khi bức tượng Quách Đám được di chuyển khỏi chợ đưa về Nhà văn hóa quận 6, TP.HCM, rồi được đặt tại vườn tượng phía sau của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Cho tới hôm nay, ông Quách Đàm đang tạm thời hiện diện trên một bệ tượng thấp, ngang tầm mắt khách tham quan, ở vườn tượng ấy. Và lúc này, “nhãn họa” của bức tượng mới được người xem nhìn thấy rõ. Ý nghĩa sâu xa của tác phẩm điêu khắc mới được hiện ra.
Thứ nhất, hơn nửa thế kỷ qua, Quách Đàm không đứng lại, mà “vẫn đi”, vì trên bệ tượng, chân phải của ông đã nhón gót, chứ bàn chân không còn bám trên mặt đất nữa. Thứ hai, thú vị hơn và cũng thật bất ngờ, chiếc giày chân phải Quách Đàm đang mang có một lỗ thủng. Giày ấy chỉ là giày vải hạng bét, giá rẻ bèo bọt thời bấy giờ. Phải chăng Paul Ducuing muốn nói, dù đã được hòa nhập vào làng Tây, đã nhiều năm giữ chức Phó Thị trưởng thứ 3 của tiểu khu Chợ Lớn, Quách Đàm vẫn là một người lao động bình dị, luôn vượt khó và rất tiết kiệm?
2. Ngoài tượng Quách Đàm, tại Việt Nam, Paul Ducuing còn thực hiện một số tác phẩm điêu khắc rất đẹp khác, như tượng bán thân vua Khải Định, vua Khải Định mặc võ phục, vua Khải Định ngồi ngai vàng, tượng hoàng tử Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại lúc nhỏ) khi đang du học bên Pháp... Năm 2008, tượng bán thân vua Khải Định được bán ở New York bởi nhà đấu giá Sotheby’s với giá 15.000 USD, chứng tỏ sức sống tác phẩm của Paul Ducuing.
Và đặc biệt, Paul Ducuing còn là tác giả bộ đôi mộ tượng vợ chồng Lê Phát An (1868-1946) tại nhà thờ Hạnh Thông Tây, quân Gò Vấp, TP.HCM ngày nay.
Lê Phát An được hoàng đế Bảo Đại phong tước An Định Vương. Ông là cậu ruột và là cha nuôi của Nam Phương hoàng hậu.
Cặp tượng hai vợ chồng được đặt đối diện, hai bên thánh đường. Bên này người chồng đầu đội khăn đóng, mặc áo dài quỳ trên gối, trước gối quỳ có đặt bó hoa ông đem tặng vợ yêu. Ông có để ria mép, có đôi chân mày rậm hiện sau gọng kính trắng nho nhã. Hai bàn tay ông đan vào nhau, đưa lên phía trước ngực đầy trân trọng, nét mặt thành kính như đang cầu nguyện, lại như đang thầm thì nói chuyện với người vợ yêu lắng nghe bên kia thánh đường.
Bên kia là tượng người vợ Trần Thị Thơ, mất tại Thủ Đức ngày 18/1/1932, thọ 60 tuổi. Bà, cũng quỳ trên gối, hai tay cầm 2 bó hoa huệ ôm choàng lấy bia mộ ghi tên chồng mình. Bà để đầu trần, tóc búi, hơi cúi, nhìn nghiêng vào mộ ông. Bà cũng bận y phục Việt Nam như ông, áo dài cài nút thắt, cổ đeo dây chuyền có mặt ngọc, chân mang dép mũi hài. Ngón tay áp út của bàn tay trái và ngón giữa bàn tay phải có đeo nhẫn mặt đá hột to, cổ tay phải đeo vòng đá...
Sự tinh tế của các nét khắc có thể thấy không chỉ ở nét buồn trên khuôn mặt đẹp, mà còn ở các nếp gấp quần áo mềm mại, những hoa văn chạm khắc chìm nổi, những nét thêu trên mũi hài…
Các nét chạm khắc sang trọng, cổ điển theo lối phục hưng từ cặp đôi mộ tượng như kể mãi, kể thầm, kể từng phút từng giây, câu chuyện tình trên trang cẩm thạch trắng rằng, hai vợ chồng lại yêu nhau nơi thế giới bên kia, dù họ bất hạnh chưa sinh được đứa con nào trên dương thế.
Ông bà Lê Phát An là cặp đôi bỏ tiền ra xây nhà thờ Hạnh Thông Tây, để trao truyền đức tin, nên sau khi ông bà qua đời, thi hài của họ được an táng trong nhà thờ ấy như một cách tri ân của giáo dân xứ đạo này. Các kiến trúc sư cùng điêu khắc gia Paul Ducuing đặt hai ngôi mộ ở vị trí khiêm nhường, phải phép, hai bên hông thánh đường, như góp nét đẹp chung thủy, góp sức bền nền mỏng vĩnh cửu vào công trình kiến trúc này, nơi luôn rao giảng về đức tin con người cần giữ cho nhau.
Trần Quốc Toàn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất