'Kinh điển' Barcelona – Real Madrid: MSN là điểm 10 cho bài toán của Cruyff

01/04/2016 20:15 GMT+7 | Barcelona

(Thethaovanhoa.vn) - Mùa trước, tức ngay lần đầu tiên cùng đứng trong một đội hình, bộ ba Lionel Messi, Luis Suarez, Neymar đã ghi tổng cộng 121 bàn cho Barcelona. Tổng số bàn thắng của Real Madrid trong mùa bóng ấy chỉ là 106, hoặc "nhà giàu mới" PSG vốn không có đối thủ trên sân cỏ Pháp là 115. Hàng trăm CLB còn lại ở khắp châu Âu coi như chẳng cần nhìn đến.

Không phải nói thêm về "cú ăn ba" hoành tráng của Barcelona mùa trước, hoặc khả năng bảo vệ thành công chiến tích ấy ở mùa này. Cũng không phải nói thêm về khả năng tự vượt qua con số 121 bàn của "MSN". Vậy, đâu là chỗ đứng của MSN trong lịch sử bóng đá? Luôn có hai điều đơn giản. 1/Họ đã được xem là một trong những bộ ba tấn công vĩ đại nhất lịch sử rồi. 2/Dù mùa bóng này lại kết thúc mỹ mãn đến đâu đi nữa, vẫn không bỏ được cái tiếp đầu ngữ "một trong những" kia - vì bóng đá là môn thể thao của những quan điểm khác nhau, không bao giờ tuyệt đối hóa được những vấn đề như vậy.

Cho nên, muốn thỏa mãn câu hỏi "MSN xuất sắc đến đâu", có lẽ chúng ta phải thoát ra khỏi mọi giới hạn của môn bóng đá. Kể cả khi cố phân tích một điều quan trọng, vốn quả là nét mới nhưng bây giờ chẳng còn gì mới, rằng MSN mùa này không chỉ ghi bàn mà còn kiến tạo cơ hội một cách tuyệt vời, thì câu trả lời vẫn... vượt khỏi bóng đá. Vì tình bạn chẳng hạn, và đấy chỉ là một trong rất nhiều lăng kính khác nhau để giới quan sát "soi" MSN. Họ trở thành tri kỷ của nhau ngay từ những buổi tập đầu tiên, như một thứ duyên kỳ ngộ. Cuối tuần qua, trận địa CLB tạm hưu chiến để nhường chỗ cho các ĐTQG. Ngay lập tức, từ báo lá cải đến những thương hiệu lớn trong làng báo chí thể thao đều đăng câu chuyện bên lề, thoạt nghe cứ tưởng là... sến vô cùng: Neymar nhớ Messi và Suarez!


"Cây đinh ba" của Barcelona

Xét kỹ, tình bạn giữa 3 siêu sao lớn nhất của 3 cường quốc bóng đá Nam Mỹ là có thực chất và có ảnh hưởng quan trọng đến các vấn đề chuyên môn, chứ chẳng đơn thuần là chuyện "câu view". Một thời, người ta thắc mắc vì sao "thế hệ vàng" của bóng đá Anh chẳng làm nên trò trống gì trong màu áo "tam sư". Ở CLB, cả ba tiền vệ Steven Gerrard (Liverpool), Frank Lampard (Chelsea), David Beckham (M.U) đều là tượng đài, đều là thủ lĩnh tinh thần tuyệt vời chứ không chỉ giỏi chơi bóng. Hóa ra, đấy lại là vấn đề lớn. Ai là thủ lĩnh, ai chỉ huy ai khi họ đứng chung trong hàng tiền vệ đội Anh? Ai châm ngòi, ai điều phối, hoặc ai... dọn dẹp, phục vụ?

Bóng đá hấp dẫn bởi rất hay tồn tại một vấn đề kỳ lạ như thế. Nó làm cho các siêu sao khi đứng kế nhau rất dễ trở thành những cá nhân lạc lõng, từ đó không thể có chuyện đơn giản là cứ mua đủ 11 hảo thủ để lập ra một đội bóng hay. Ngược lại, có khi chỉ một ngôi sao duy nhất lại làm nên chuyện. Cristiano Ronaldo luôn giữ vững quan điểm: anh chả cần thân thiết với ai trong đội. Ronaldo thậm chí không cần chung vui khi đồng đội ghi bàn. Không hề là lập dị nhé, bởi huyền thoại Johan Cruyff mà báo chí khắp thế giới phải tốn nhiều giấy mực trong những ngày qua cũng thuộc mẫu này. Kể cả khi Cruyff có một tài năng thiên bẩm là tư duy chiến thuật, giúp ông luôn biết phải phối hợp ra sao với đồng đội, đấy cũng vẫn chỉ là tài năng cá nhân. Những câu chuyện về chiếc áo số 14, "Adidas 2 sọc", chuyện hờn dỗi ra đi hoặc cơ man những bất đồng nội bộ khác cho thấy Cruyff không bao giờ khép mình vào tinh thần đồng đội.


Johan Cruyff không bao giờ khép mình vào tinh thần đồng đội

Nói vậy để thấy: việc MSN ngày càng ăn ý, xuất sắc trong khía cạnh đồng đội, và từng cá nhân đều tiến hẳn lên đẳng cấp cao hơn so với chính mình trước đó, thật sự là câu chuyện hiếm. Một giáo sư ở đại học Cambridge từng nghiên cứu về tâm lý học trong bóng đá và đưa ra những kết luận rất hay. Ông ta giải thích vì sao thủ môn thường có cá tính cao hơn những vị trí khác, hậu vệ thường là loại cầu thủ có tinh thần kỷ luật cao, tiền đạo hoặc tiền vệ công thường dẫn đầu về óc sáng tạo. Mà hễ sáng tạo thì trong hầu hết trường hợp, đấy cứ phải là chuyện cá nhân. Thế mới "ác"! Giá trị nghệ thuật của Messi, Suarez, Neymar được thể hiện ở cả bộ ba, cao hơn cả giá trị riêng của 3 siêu sao ấy cộng lại. Vậy nên, đừng nghĩ Arsene Wenger chỉ nói suông, nói để "chối tội", khi đội Arsenal của ông hoàn toàn bó tay trước Barcelona ở Champions League. "Giáo sư" bình phẩm: Messi, Suarez, Neymar biến những điều nhỏ nhặt trong bóng đá thành tác phẩm nghệ thuật.

Vâng, người ta đã phải mượn những kiến thức, quy luật về nghệ thuật, tâm lý học, xã hội học... để mổ xẻ "hiện tượng MSN". Và càng đi xa thì giới nghiên cứu lại càng rơi vào cả hai cảm xúc trái ngược: vừa thú vị với những phát hiện mới, vừa hoang mang, nan giải trước những phát hiện ấy. Người ta so sánh biểu đồ nhiệt và sự di chuyển của MSN với chuyển động Brown trong môn vật lý hoặc bức tranh trừu tượng "No. 5, 1948" của Jackson Pollock. Người ta đặt bức ảnh Arsene Wenger ôm đầu ngoài đường biên (khi xem MSN "hành hạ" Arsenal) kế bức tranh "tiếng thét" của Edvard Munch. Người xem - tùy lĩnh vực, trình độ, mức độ ưa thích bóng đá - cứ việc nhìn vào đấy mà thả trí tưởng tượng như nước chảy mây trôi, đến chỗ vô cùng vô tận.

Lạc đề chăng? Vâng, cũng e như thế nếu cứ bay bổng với các giá trị phức tạp, trừu tượng, "vượt khỏi bóng đá" của bộ ba MSN. Vậy hãy trở lại với những gì đơn giản nhất, "bóng đá" nhất, mà MSN thể hiện hàng tuần. Huyền thoại Johan Cruyff có một câu nói bất hủ, được cả thế giới đăng lại trong những ngày qua: "Bóng đá là trò chơi đơn giản, nhưng chơi bóng một cách đơn giản là điều khó nhất".

Trước khi có MSN, Barcelona đã làm thế giới say đắm với khái niệm tiqui-taca. Giải thích tiqui-taca thì quá dễ, nhưng đá như thế... để làm gì? Nếu cứ "đập - nhả" đến mức vô tận mà không tìm ra kẽ hở trong hàng phòng ngự đối phương thì tất cả những gì công phu nhất, phức tạp nhất, nhuần nhuyễn nhất trong cả hệ thống chiến thuật ấy trở nên vô ích. Tiqui-taca khi ấy sẽ chỉ ru ngủ người xem. Vậy nên, từng có một nhận xét bền vững suốt hàng chục năm: bóng đá TBN rất giỏi về kỹ thuật, nhưng kỹ thuật tuyệt luân là điều vô nghĩa nếu như nó chỉ diễn ra giữa sân. Câu nói của Cruyff chính là nhằm vào điều này. Làm sao để phát huy kỹ thuật thượng thừa ngay trước khung thành đối phương? Làm sao đem được tiqui-taca từ giữa sân đến ngay khu vực ghi bàn? MSN chính là câu trả lời.

Trong khi thế giới nghiền ngẫm để giải quyết vấn đề chuyên môn mà nhiều người ngỡ rằng đã là hóc búa nhất trong bóng đá đương đại (hóa giải tiqui-taca), thì hóa ra, chính Barcelona lại đi trước thời đại bằng cách giải quyết được một vấn đề còn khó hơn, cho chính họ. Làm sao để đơn giản hóa tiqui-taca! Có MSN, và Barcelona có ngay cái điều mà Cruyff cho là khó làm nhất trong bóng đá. Vốn dĩ tiqui-taca là phương tiện, là con đường đặc sắc nhất dẫn đến chiến thắng trong bóng đá đỉnh cao. Bây giờ, tiqui-taca của MSN đơn giản hơn nhiều: đấy là bàn thắng, là chiến thắng.


"MSN" khiến bóng đá trở nên đơn giản hơn

Cuối cùng, tự thân MSN làm họ trở thành bộ ba siêu đẳng, hay đấy là tác phẩm của HLV Luis Enrique? Rất khó nói. Những câu chuyện lớn như vậy thường là phải nhờ mọi phía liên quan. Dù sao, cũng đã chắc chắn một điều: Enrique đã can đảm nhận một bộ ba mà không ít nhà chuyên môn buộc phải hoài nghi, rằng mỗi tượng đài có thể sẽ... phá nhau, như cách suy luận đã nêu.

TÂN GIA

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm