11/08/2009 07:25 GMT+7 | Bóng đá Anh
(TT&VH Online) - Lại một lần nữa, Fabio Capello ra điều kiện và “ép” David Beckham phải chọn. Người đàn ông thép ắt hẳn đã nắm trúng “thóp” của chàng tiền vệ người Anh, đó là khát khao đến cháy bỏng được phụng sự quốc gia. Nhưng chẳng nhẽ, ông không nhận thấy việc mình làm vô hình trung đã đẩy Becks vào thế tiến thoái lưỡng nan?.
Cả thế giới bóng đá đều biết những gì mà David Beckham phải chịu đựng kể từ ngày anh trở lại Mỹ, khi MLS tái khởi tranh. Một con người vốn đi lên từ nỗi đau như Becks hiểu hơn ai hết nỗi cay nghiệt khi bị người hâm mộ quay lưng. Vậy mà số phận đã thêm một lần khiến anh phải đối mặt với nỗi ám ảnh khủng khiếp ấy.
Khi trở về từ kỳ World Cup 1998, Becks bị người hâm mộ phỉ báng, nhưng ngày đó không một đồng đội nào hắt hủi anh. Nhưng lần này, nỗi khổ hạnh bị nhân lên gấp đôi, khi London Donovan công khai chỉ trích Becks là kẻ vô trách nhiệm, còn người hâm mộ Mỹ nói anh là… kẻ vô ơn.
Bằng nỗ lực tuyệt vời, những cú rướn quên mình trên sân đấu, một pha sút phạt tuyệt đẹp vào lưới Barcelona mới có thể khiến Becks cảm thấy bớt cô đơn, người hâm mộ thôi không la ó tên anh trên các khán đài. Ai cũng biết điều đó, chỉ một người không chịu hiểu. Đó là Capello. Một câu trả lời “Có, hay Không”, rõ ràng giống như một sự đánh đố .
Nếu như HLV người Italia hiểu được khát vọng cống hiến của Becks lớn đến đâu, thì ông sẽ hiểu anh đang ở thế khó xử đến mức nào. Nếu có quền tự giải thoát, lương tâm cho phép, thì Becks đã làm từ lâu lắm rồi. Rõ ràng, miền đất này không phù hợp với một ngôi sao lớn như anh, nhưng cũng khó có một ông lớn nào ở châu Âu dám bỏ tiền ra chơi một canh bạc lớn mang tên… Becks.
Và nếu như Fabio Capello thực sự đánh giá cao cựu đội trưởng ĐT Anh và thấy rằng nước Anh nhất thiết phải có sự phục vụ của chàng tiền vệ ấy, thì đã không nỡ để anh ngồi ngoài bất chấp việc bay hàng nghìn cây số về tụ họp. Hơn nữa, nếu thực sự tôn trọng những nỗ lực mà Becks đã làm cho bóng đá Anh nói riêng và thế giới nói chung, thì ông đã không trao chiếc băng đội trưởng cho người khác trong lần thứ 100 anh khoác áo ĐTQG, dù Terry không có mặt.
Lật lại những trang “nhàu nát” của thời gian, thời điểm mà Becks bị “đá” khỏi Bernabeu bởi chính Don Fabio, bất chấp những nỗ lực đến cùng cực, để thấy rằng quan hệ giữa Becks và vị HLV này chưa bao giờ tốt đẹp cả. Capello là một người Italia, và ông không việc gì phải đề cao những giá trị, những biểu tượng mà người hâm mộ Anh tôn thờ. Becks là một ví dụ và Owen cũng là một ví dụ điển hình tiếp theo.
Sau sự cố đá vào chân Simeone tại World Cup 1998, người ta luôn thấy một ngọn lửa cháy trong mỗi bước chạy của cầu thủ mang chiếc áo số 7. Becks đã làm tất cả để thể hiện mình là người luôn sẵn sàng phục vụ đất nước. Ở tuổi 34, Becks có quyền giải nghệ và hưởng thụ cuộc sống của một ông hoàng, thay vì chạy theo van lơn từng cơ hội nhỏ bé từ người đàn ông máu lạnh. Anh cũng có thừa khả năng tự chuộc thân để thoát khỏi LA Galaxy nếu như coi những lời của Donovan và người hâm mộ là không thể tha thứ.
David Beckham đã không làm vậy, bởi con người anh là như thế, biết đứng lên sau thất bại, biết tôn trọng những gì là thiêng liêng. Nên, chăng đừng ép Beckham phải mang một trong hai “tội”: “bất nghĩa”, hoặc “bất trung” vào thời điểm này?!.
Mai Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất