Beckham: Từ "American Dream" đến "Italian Job"

24/10/2008 12:17 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Khi Becks rời xứ sở Galacticos của Madrid và tìm đến thiên đường Hollywood, tất cả có chung một nhận định: đó là vụ chuyển nhượng mang tính chất thương mại 100%.
 
Phi vụ ấy hứa hẹn sẽ mang lại cho Becks 250 triệu bảng trong vòng 5 năm. Becks cùng người vợ Victoria, vốn nổi tiếng ở nước Mỹ hơn cả chính anh, còn muốn gia nhập thế giới của những Tom Cruise và Katie Holmes, Will Smith và Jada Pinkett... Mỗi lần những đứa con của họ bước đi trên đường, trên bãi biển Malibu, hàng trăm phóng viên vây quanh. Bà Beckham thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn hơn trước, đủ các vấn đề khác nhau, từ âm nhạc cho đến thời trang.
 
Giấc mơ Mỹ (American Dream) đã trở thành hiện thực. Nơi ấy đã cho Becks tất cả. Trừ bóng đá. Một mình Becks không thể đưa giải MLS ra khỏi bóng tối. Chất lượng giải quá thấp và hệ quả tất yếu là trình độ, thể lực của Becks cứ thế giảm sút. Kể từ sau khi đến với Los Angeles Galaxy vào tháng 7/2007, Becks đã không còn là chính mình ở tư cách cầu thủ, ngôi sao. Thậm chí, với Becks, Galaxy đá càng tệ hơn. Mùa này, khi MLS chỉ còn 1 vòng, Galaxy là đội bóng tồi tệ thứ 2, chỉ thắng 2/15 trận trong hơn 3 tháng qua. Những chuyến bay dài xuyên lục địa khiến Becks ngày càng mệt mỏi, chán nản. Ngoài sân cỏ, nước Mỹ đúng là thiên đường. Nhưng khi bước vào sân, chỉ có thảm họa dành cho Becks. Anh đã hối hận khi từng tuyên bố: "Tôi đến đây để trở thành một phần của lịch sử, làm thay đổi nền bóng đá".
 
Giấc mơ Mỹ dường như đã đi qua khi Becks đồng ý tìm đến Milan

Giấc mơ Mỹ dường như đã đi qua khi Becks đồng ý tìm đến Milan, cho cuộc phiêu lưu mang tên "Italian Job". Milan đón chào Becks vì lý do thương mại. Bà Beckham cần Milan cho sự nghiệp thời trang của mình. Với Becks của tuổi 33, chỉ có bóng đá mà thôi. Việc chọn Milan được xem là canh bạc đối với Becks. Khi đến LA Galaxy, Becks đã sẵn sàng chấp nhận hy sinh sự nghiệp bóng đá. Sang Milan, Becks có thể mất cả sự nghiệp lẫn tiền bạc.

Lý do nào khiến Becks rời nước Mỹ? Câu trả lời: ĐT Anh. Ai đã tác động đến Becks? Câu trả lời: Capello. Trong hơn 1 năm qua, Becks không còn là trụ cột của ĐT Anh. Anh đánh mất chức đội trưởng vào tay Terry. Mất nốt vị trí chính thức ở cánh phải. Và đỉnh điểm là mất luôn chiếc áo số 7, vốn từng gắn liền với thương hiệu Beckham, vào tay Theo Walcott. Từ khi Walcott lập hat-trick vào lưới Croatia, giới truyền thông ở Anh đã phát động phong trào kêu gọi Capello nên loại bỏ hẳn Beckham, bởi thực tế ông chỉ sử dụng tiền vệ này vài phút cuối mỗi trận.

Khi ở Real, Capello từng một lần cứu Becks, đưa anh từ băng ghế dự bị vào đội hình chính. Bây giờ, Capello muốn cứu Becks một lần nữa. Quan hệ cá nhân chỉ là lý do phụ. Cái chính là Capello vẫn nhìn thấy những đóng góp của Becks cho ĐT Anh. Những quả tạt, những cú sút của Becks luôn là giải pháp giải quyết bế tắc lợi hại. Nhưng Capello không thể cứ mặc kệ dư luận, triệu tập Becks từ MLS vô danh trong khi bỏ rơi những Bentley, Lennon đang chơi ở Premier League đỉnh cao. Muốn có mặt ở ĐT Anh, Becks không thể không hy sinh những lợi ích khác.

Becks sẽ phải nỗ lực cho "Italian Job". Bất chấp phía Milan lộ rõ ý đồ kiếm tiền từ Becks, tiền vệ điển trai này không hẳn không có cơ hội được thường xuyên chinh chiến ở Serie A. Tuổi tác không phải là rào cản đối với Becks bởi hàng tiền vệ của Milan cũng gồm nhiều "ông già". Gattuso đã 30. Ambrosini đã 31. Seedorf và Emerson cùng 32. Pirlo trẻ nhất nhưng đã 29. Với hàng tiền vệ ấy, HLV Ancelotti chắc chắn sử dụng chính sách xoay vòng và nếu tận dụng cơ hội tốt, anh hoàn toàn có thể tìm lại mình ở bóng đá đỉnh cao.

Thành công hay thất bại ở Milan, quyết định của Becks xứng đáng được tôn trọng. Dù sao, đây là lần đầu tiên anh đổi CLB chỉ vì lý do bóng đá...
 
Đ.LỘC

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm