Paralympic mùa Đông Sochi 2014: Tiền bạc- rào cản cuối cùng của VĐV

14/03/2014 07:35 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Khi nói đến quá trình theo đuổi giấc mơ Thế vận hội, các VĐV tham dự Olympic và Paralympic sẽ phải đối mặt với sân chơi chủ yếu là cùng cấp độ.

Chỉ có một vài thành trì của sự bất bình đẳng vẫn tồn tại và khoảng cách lớn nhất của sự công bằng là hợp đồng tài trợ của các công ty.

Rào cản lớn nhất

Cứ 2 năm một lần, hàng tỷ USD của các công ty lớn trên toàn thế giới sẽ được chi ra để quảng bá thương hiệu trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Hôm thứ Ba, Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) đã ca ngợi ban tổ chức Paralympic Sochi trong công tác thu hút tài trợ khi thu về 95 triệu USD từ hoạt động marketing. Đó là dấu hiệu đáng khích lệ nhưng đem so sánh với doanh thu từ tài trợ ở Olympic, con số là quá ít ỏi. Theo thống kê, các nhà tài trợ chính của Olympic chi trả tới hơn 100 triệu USD cho bản hợp đồng 4 năm với ban tổ chức, trong khi nhà tài trợ thứ cấp chi trả hơn nửa con số đó với thỏa thuận tương tự.

Thực tế này cũng có nguyên do của nó. Olympic là sự kiện có doanh thu hiệu quả trên thế giới bởi nó chạm đến được cả tỷ người xem trên hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi đó, Paralympic với số lượng quốc gia tham dự ít hơn, ít VĐV hơn và tất nhiên là sức hút đối với truyền thông cũng yếu kém hơn.

“Đối với tôi, đây là rào cản cuối cùng”- VĐV từng 5 lần tham dự Paralympic, Chantal Petitclerc, chia sẻ. Dẫu vậy, Petitclerc vẫn thấy được sự thay đổi về mặt tiền bạc của VĐV tại Paralympic ở London và đặc biệt là ở Sochi năm nay. “Quảng cáo trên truyền hình và các trang điện tử đã tự nói lên điều đó” – Petitclerc nói.

Cách thức làm nên thành quả

Không phải ngẫu nhiên mà tại Sochi năm nay, nhiều công ty lựa chọn tài trợ cho các VĐV Paralympic. Các VĐV không trực tiếp hưởng lợi nhuận từ các thương hiệu bảo trợ cho Paralympic nhưng lợi ích vẫn sẽ đến với họ thông qua cách đó. Khi các công ty lớn đầu tư, hồ sơ của VĐV sẽ tạo được sự chú ý đối với dư luận. Các công ty nhỏ nắm bắt được điều này và muốn theo chân các công ty lớn nhưng do không có đủ kinh phí để hợp tác với ban tổ chức, họ chọn cách tài trợ cho các VĐV ở quốc gia của mình.

“Họ nhận thấy những câu chuyện tuyệt vời về sự kiên trì, sự cống hiến của VĐV Paralympic là điều có thể giúp họ tăng lợi nhuận”- Legg, người dạy thể chất tại Đại học Mount Royal University, nhận định.

Cơ hội lớn đã đến nhưng VĐV cũng cần phải tự mình vận động để nắm bắt. Petitclerc cho biết cô đã chật vật với vấn đề tài chính trong những năm đầu theo nghiệp đua xe lăn nhưng các nhà tài trợ đã tự tìm đến sau khi cô lập nên những kỷ lục. Theo Petitclerc, VĐV cũng cần phải quan tâm đến phương thức để nhà tài trợ chú ý đến họ. “Bất cứ khi nào tôi ký hợp đồng với một nhà tài trợ mới, tôi luôn nói với họ rằng tôi không muốn được tài trợ bởi vì tôi ngồi xe lăn. Tôi chỉ muốn tài trợ bởi tôi là một VĐV tài năng và ẩn đằng sau sự nghiệp của tôi là câu chuyện phản chiếu những giá trị cuộc sống” – Petitclerc bộc bạch.

Sự hỗ trợ của các Ủy ban Paralympic thành viên cũng đóng vai trò quan trọng. Cựu Chủ tịch Ủy ban Paralympic Canada (CPC) David Legg đã đánh giá rất cao nỗ lực của cơ quan mà ông từng làm việc. Mấy năm gần đây, CPC đã hợp tác với tập đoàn Canadian Tire trong chương trình JumpStart để giúp trang trải chi phí cho các VĐV.

Tuyệt vời hơn, CPC còn thiết lập chương trình quảng bá cho các VĐV của họ, bằng một video các VĐV khuyết tật đang trượt tuyết, chơi khúc côn cầu kèm theo lời nhắn: “Đó không phải là những gì bị mất đi. Đó là những gì đang tồn tại”.

Khát khao của họ là trong những năm tới, Paralympic đạt bình đẳng trong lĩnh vực tiếp thị với Olympic để có thể đi vào một cửa hàng thể thao lớn, nhìn thấy áo treo trên tường với tên của các VĐV Paralympic ở mặt sau.

Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm