17/06/2012 10:32 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Phải hiểu rõ rằng 2 khái niệm “Then” và “hát Then” rất khác nhau. Nếu nhầm lẫn giữa 2 khái niệm này, chúng ta vừa tự tạo nên những rắc rối cho mình, vừa đứng trước nguy cơ bỏ sót những giá trị độc đáo để ghi điểm trước UNESCO - nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan nói về việc hát Then chuẩn bị “ứng cử” vào danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Vào đầu tháng 6, từ đề xuất của tỉnh Tuyên Quang, việc đệ trình nghệ thuật “hát Then” lên UNESCO để được công nhận là di sản thế giới đã nhận được sự đồng ý từ Chính phủ. Và theo kế hoạch, tỉnh Tuyên Quang được giao trách nhiệm phối hợp cùng một số tỉnh miền núi phía Bắc và Bộ VH,TT&DL để hoàn thành hồ sơ cho di sản này khi năm 2012 kết thúc.
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan |
- Thật ra, đồng bào Tày, Nùng, Thái luôn sử dụng khái niệm “làm Then” thay vì “hát Then” như chúng ta vẫn gọi. Về cơ bản, một buổi “làm Then” như vậy là cả một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng ở tầng cao của cộng đồng này, với việc “hát và kể” những trường ca mang màu sắc tín ngưỡng, thuật lại hành trình lên Thiên giới để xin Ngọc Hoàng giải quyết các vấn đề của gia chủ.
Xét theo thực tế ấy, hát Then chỉ là một bộ phận của khái niệm “Then” theo nghĩa rộng - giống như hát văn chỉ là một phần cấu thành của hầu đồng. Ngoài hát, “Then” còn tích hợp rất nhiều yếu tố văn hóa khác: từ âm nhạc, nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật kể chuyện cho tới những hình thức sơ khai của saman giáo (hiện tượng các lực lượng siêu nhiên “nhập” vào người - TT&VH)...
* Nghĩa là, theo GS, chúng ta cần thay khái niệm “hát Then” bằng khái niệm “Then” khi lập hồ sơ?
- Tôi nghĩ, vấn đề không chỉ là tranh cãi trong việc gọi tên. Câu hỏi đặt ra: những người làm hồ sơ sẽ chọn cách tiếp cận nào cho di sản này? Nôm na, chọn “hát Then”, chúng ta chỉ tập trung vào phần âm nhạc. Còn chọn khái niệm “Then” ở nghĩa rộng, hồ sơ phải nghiên cứu rất nhiều vấn đề khác, đặc biệt là yêu cầu phải hiểu rõ và “tô đậm” toàn bộ bề dày lịch sử văn hóa của loại hình nghệ thuật - tín ngưỡng này.
Cá nhân tôi cho rằng lựa chọn thứ 2 tuy phức tạp nhưng sẽ khiến hồ sơ có thêm sức nặng hơn trước hội đồng thẩm định của UNESCO. Chẳng hạn, ngoài yếu tố âm nhạc, nếu nhìn “Then” ở góc độ tín ngưỡng tôn giáo, tôi tin rằng loại hình di sản này thú vị không kém gì hầu đồng cũng như nhiều loại hình saman giáo của nhân loại. Hoặc, nếu đi sâu vào tìm hiểu lịch sử ra đời và tồn tại của những bản Then cổ, chúng ta sẽ thấy nó bắt nguồn từ nhu cầu về những sinh hoạt tín ngưỡng có mục đích tạo nên sự yêu thương, gắn kết trong cộng đồng. Những yếu tố ấy vốn rất “khớp” với tiêu chí mà UNESCO đặt ra về tính độc đáo, tính cộng đồng của di sản.
* Thực tế, chúng ta dự kiến tới quý IV năm 2012 là phải hoàn thành hồ sơ. Việc mở rộng khái niệm như vậy liệu có hợp lý trong một thời gian quá gấp rút?
- Thực chất, bản thân các yếu tố âm nhạc, diễn xướng, tâm linh... trong Then đã có sự gắn bó hữu cơ rất chặt. Chỉ khai thác hát Then không có nghĩa là chúng ta “thoát” khỏi yêu cầu tìm hiểu những yếu tố kia. Đơn cử, vì sao các bản Then lại có tính chất khác nhau với những nội dung cầu phúc, sinh hoạt, nối số, chúc thọ...? Hoặc vì sao người “làm Then” sử dụng quả trứng và chim én? Vì sao số dải mũ của người làm Then khác nhau theo thời gian?
* Có nhiều ý kiến thắc mắc về việc Tuyên Quang – một địa phương không phải là tiêu biểu về hát Then - lại đứng ra xin lập hồ sơ hát Then của dân tộc Tày khu vực Việt Bắc “ứng thí”. Điều đó có ảnh hưởng tới chất lượng của hồ sơ không?
- Nhìn chung, nếu xếp theo “mật độ” phổ biến đậm đặc, Then xuất hiện nhiều nhất lần lượt ở Lạng Sơn, Cao Bằng và Bắc Kạn. Tuyên Quang quả thật xếp sau những địa phương kia.
Cá nhân tôi cho rằng điều này hoàn toàn tích cực. Bởi, danh hiệu nếu có là danh hiệu chung cho cả Việt Nam. Và trong quá trình làm, Tuyên Quang sẽi phối hợp với các tỉnh kia để kiểm kê về di sản này theo đúng yêu cầu của UNESCO.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất