Prism - phần nổi của tảng băng 'nghe lén'

17/06/2013 10:31 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Chương trình giám sát internet mang tên Prism do tình báo Mỹ thực hiện vừa bị phanh phui đã thu hút sự chú ý lớn của dư luận Mỹ. Hãng tin AP đã thực hiện một cuộc điều tra và thấy rằng Prism thực tế chỉ là một phần nhỏ trong các nỗ lực nghe lén, giám sát thông tin liên lạc, đã diễn ra lâu nay ở đất nước vẫn vỗ ngực tuyên bố tự do như Mỹ.

Trong những tháng và những năm đầu sau vụ khủng bố 11/9/2001, các nhân viên Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt đầu xuất hiện tại trụ sở của Tập đoàn Microsoft thường xuyên hơn, trên tay họ là các trát tòa yêu cầu cung cấp thông tin về một số khách hàng.

Tiền đề của Prism

Trên khắp thế giới, các gián điệp và chuyên gia nghe lén thường theo dõi thư điện tử cùng địa chỉ internet vẫn được các nghi phạm khủng bố sử dụng. Thường thì các manh mối sẽ dẫn tới Micrsoft, công ty phần mềm lớn nhất và cũng là nhà cung cấp dịch vụ thư điện tử lớn nhất thế giới khi đó.

Các nhân viên FBI muốn có thông tin lưu trữ về các địa chỉ thư điện tử khả nghi, thông tin chủ tài khoản thư, gần như mọi thứ, một cách nhanh chóng. Các kỹ sư Microsoft sẽ làm nhiệm vụ tổng hợp dữ liệu, đôi khi theo phương thức thủ công, rồi chuyển cho chính quyền.

Người Hong Kong biểu tình ủng hộ Edward Snowden, nhân vật đã làm lộ ra chương trình Prism và khiến người Mỹ phải tranh cãi về hoạt động giám sát liên lạc trong nước
Quá nhiều lần Microsoft đã phải cung cấp dữ liệu, tới mức một cựu nhân viên công ty kể với hãng tin AP rằng các kỹ sư đã băn khoăn về việc công ty có nên hợp tác với nhà chức trách hay không. Bên trong Microsoft, một số người gọi hoạt động này là "Hoovering", theo tên giám đốc đầu tiên của FBI, ông J. Edgar Hoover, nhân vật đã ra lệnh thu thập thông tin về vô số người Mỹ.

Tiến trình thu thập thông tin thủ công này, thực tế là một trong những tiền đề của Prism, chương trình giám sát thông tin trên internet tuyệt mật thông qua việc thu lấy dữ liệu lưu trữ từ các công ty internet lớn của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), mới bị hé lộ.

Việc các tờ Washington Post và Guardian hé lộ Prism đã châm ngòi cho vòng tranh cãi mới nhất về giới hạn nào có thể được đặt ra với các hoạt động nghe lén và theo dõi của chính quyền, trong đó Tổng thống Barack Obama nói là cần thiết để đảm bảo nước Mỹ được an toàn.

Chương trình giám sát liên lạc vô cùng hiệu quả

Những người Mỹ không thích chính quyền đọc trộm thư điện tử của họ sẽ phải lo lắng khi biết NSA đã triển khai một chương trình rất lớn giúp tóm lấy dữ liệu internet trước khi chúng đi vào và ra khỏi nước Mỹ thông qua hệ thống cáp quang, vốn là xương sống của hoạt động liên lạc qua internet. Chương trình này về cơ bản đã sao chép lại toàn bộ lưu lượng internet vào ra nước Mỹ.

Trong chương trình lớn này, Prism đóng vai trò thu lấy từng đợt dữ liệu cụ thể và giúp chính quyền tìm các chuỗi thông tin cần thiết. Prism rất hiệu quả. Nhiều tài liệu cho thấy nó là nguồn chính giúp cung cấp thông tin trong các báo cáo thường nhật gửi lên Tổng thống.

Prism đã tạo ra những thông tin có ý nghĩa từ đống dữ liệu thô lộn xộn thu từ internet. Nó cung cấp cho chính quyền những cái tên, địa chỉ, lịch sử các cuộc hội thoại và toàn bộ thư trong một hòm thư điện tử.

Hãng tin AP đã phỏng vấn với hơn một chục quan chức chính quyền (cả đương nhiệm và mãn nhiệm) cùng các chuyên gia công nghệ để thấy rằng có 2 yếu tố quan trọng trong thành công của Prism. Trước tiên là cách thức NSA làm việc chặt chẽ với các công ty internet, vốn giúp người ta liên lạc với nhau và với thế giới. Yếu tố thứ hai và mờ ám hơn là Prism thuộc về một chương trình nghe lén giám sát đã được Mỹ triển khai trong nhiều năm.

Nằm sâu dưới biển là hàng trăm tuyến cáp biển, chở theo phần lớn các hoạt động liên lạc qua điện thoại và internet của thế giới. Ít người biết rằng kể từ đầu những năm 1970, NSA đã đặt thiết bị nghe lén và giám sát thông tin vào các tuyến cáp nước ngoài. NSA không cần xin phép từ các nước này. Nghe lén là việc của NSA.

Tại Mỹ, NSA bị cấm do thám người Mỹ hoặc bất kỳ ai sống ở nước này. Công việc nghe lén và giám sát tại Mỹ thuộc về Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và ngay cả khi làm việc này, FBI cũng cần có giấy phép.

Nhưng dù quy định là thế, không lâu sau vụ khủng bố 11/9, Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush đã bí mật cho phép NSA nghe lén các tuyến cáp quang đi vào và rời khỏi Mỹ. Ông làm vây dù biết rằng việc này sẽ cho phép chính quyền có quyền tiếp cận chưa có tiền lệ, không cần giấy phép của tòa, tới các cuộc hội thoại mang tính riêng tư của người Mỹ.

Có một thực tế rằng dữ liệu internet đã mang tính không biên giới ngay từ đầu. Bạn gửi một lá thư điện tử từ Pakistan tới Afghanistan và trước khi tới đích, lá thư có thể đã đi qua một máy chủ nằm ở Mỹ. Cũng chính hệ thống máy chủ này chịu trách nhiệm xử lý các bức thư gửi đi và gửi đến cho người Mỹ.

Nghe lén cáp quang, vì thế, đã cho phép NSA có thể theo dõi vô số các bức thư điện tử, điện thoại, chat video, các giao dịch ngân hàng... NSA vẫn cần các máy tính rất mạnh để giải mã, lưu trữ và xử lý tất cả thông tin thu được. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ thông tin chạy qua cáp quang sẽ luôn bị thu lại, theo tốc độ ánh sáng.

Nghe lén không cần trát tòa

Tờ New York Times từng tiết lộ về sự tồn tại của hoạt động nghe lén kiểu này lần đầu trong năm 2005. Năm 2006, cựu kỹ thuật viên Công ty AT&T là Mark Klein nói rằng công ty đã cho phép NSA cài đặt một chiếc máy tính tại một trung tâm trung chuyển cáp quang lớn ở San Francisco.

Những gì diễn ra sau đó là một cuộc tranh cãi lớn nhất về hoạt động giám sát liên lạc nội địa, kể từ sau sự kiện Ủy ban Church 1975 - tên của một ủy ban đặc biệt nằm dưới sự lãnh đạo của Thượng nghị sĩ Frank Church, đã có vai trò kiềm chế Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và FBI trong việc do thám người Mỹ.

Chính quyền Bush khi đó đã chống chế, gọi chương trình kiểm soát thông tin của NSA là "Chương trình giám sát khủng bố". Ông Bush nói rằng chương trình giúp nước Mỹ an toàn. "Chương trình đã mang lại thông tin tình báo cho chúng ta và thông tin đó rất giá trị trong cuộc chiến chống khủng bố, cả trên phương diện cứu mạng lẫn ngăn chặn âm mưu khủng bố nhằm vào Mỹ" - Phó Tổng thống Dick Cheney tuyên bố.

Chính quyền Bush nói rằng NSA chỉ giám sát tối thiểu các cuộc hội thoại và thư điện tử có liên quan tới người Mỹ. Nhưng việc giám sát thực sự diễn ra thế nào là điều không ai biết rõ. Một cựu quan chức Mỹ có biết về chương trình đã tiết lộ với hãng tin AP rằng chính quyền có thể lưu giữ thông tin thuộc về một người Mỹ tại một khu vực đặc biệt trên máy tính của chính quyền. Các nhà phân tích không thể tìm, đọc và nghe chúng, trừ khi các lá thư trở thành một phần trong một cuộc điều tra liên quan tới an ninh quốc gia.

Chính quyền cũng không tự động xóa dữ liệu, bởi một lá thư điện tử hoặc một cuộc liên lạc qua điện thoại có vẻ vô hại trong ngày hôm nay rất có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong năm tiếp theo, khi người ta lần ra manh mối nào đó.

Điều mà dư luận chưa biết rõ là chính quyền lưu trữ dữ liệu thu thập được này trong bao lâu. Không loại trừ khả năng dữ liệu sẽ được lưu rất lâu để đề phòng ngày nào đó Mỹ sẽ có một kẻ thù mới. Ví dụ trong tình huống Mỹ có kẻ thù mới vào 2 thập kỷ tới, người ta sẽ mở kho dữ liệu cũ để tìm manh mối.

Chính quyền Bush đã đóng cửa chương trình nghe lén không cần trát tòa này vào năm 2007, nhưng lại thông qua một luật mới mang tên Luật Bảo vệ nước Mỹ. Luật mới thực tế cho phép việc nghe lén, với một số thay đổi: NSA sẽ phải giải thích các kỹ thuật và mục tiêu bị nghe lén trước một tòa án mật ở Washington. Tuy nhiên, giống chương trình trước, NSA sẽ không cần trát tòa để nghe lén từng cá nhân.

(Còn tiếp)

Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm