Cầu thủ Bayern bóp cổ nhau trên sân tập: “Đối thoại” bằng bạo lực lên ngôi

08/08/2012 12:45 GMT+7 | Bóng đá Đức

(TT&VH) - Một lần nữa, sân tập của Bayern lại “nổi sóng”, và không chỉ những cầu thủ thuộc hàng sao như Robben hay Ribery được “độc quyền” nổi nóng nữa. Trung vệ Holger Badstuber đã bóp cổ người đồng đội trẻ chơi cùng vị trí của anh, Erem Can, trong một cuộc tranh cãi suýt nữa đã làm nổ ra xô xát.



Cầu thủ Bayern bóp cổ nhau trên sân tập - Ảnh Getty

Cả hai đã không giữ được bình tĩnh và lời qua tiếng lại trong buổi tập, trước khi Badstuber nhảy xổ vào bóp cổ người đàn em kém anh đến 5 tuổi (23 và 18) cứng đầu. Đội trưởng Philipp Lahm và tiền vệ Franck Ribery đã can thiệp ngay lập tức và tách hai người ra, nhưng phần còn lại của buổi tập vẫn diễn ra trong không khí rất lặng lẽ và căng thẳng.

Đây không phải là lần đầu tiên Badstuber không kiềm chế được bản thân trên sân tập. Vào cuối tháng Năm năm nay, anh đã hét vào mặt đồng đội Thomas Mueller “Mày điên à?” sau một cú vào bóng mà tiền vệ của Bayern đã không kiểm soát được tốc độ của anh. Rất may là Mario Gomez đã nhảy vào can ngay lập tức. Vụ xô xát nhẹ ấy diễn ra trên sân tập của đội tuyển quốc gia Đức, trước thềm EURO 2012. Sự việc tái diễn chỉ trong vòng chưa đầy ba tháng, từ ĐTQG cho đến cấp CLB, trong cách ứng xử với đồng nghiệp đồng lứa cho đến người ít tuổi hơn.

Tất nhiên, những khoảnh khắc như thế luôn là bột phát và hoàn toàn có thể được thông cảm, nhưng nó tiếp tục nhắc lại sự thiếu văn hóa đối thoại của các cầu thủ Bayern, điều đã không còn mới ở một đội bóng lắm cá tính và luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ mâu thuẫn.

Đã đến lúc dẹp thứ “văn hóa bạo lực” này?

Tháng 4/1996, Oliver Kahn lao vào tấn công đồng đội Andreas Herzog, sau khi anh này chơi hớ hênh và để đối phương Stuttgart có cơ hội suýt chuyển thành bàn thắng. Tháng 8/1999, Bixente Lizarazu và Lothar Matthaeus tát nhau nhiệt tình trên sân tập chỉ sau vài lời cãi vã. Samuel Kuffour chính là người đã nhảy vào can vụ đánh nhau này, nhưng 3 năm sau (11/2002), chính hậu vệ người Ghana lại “tẩn” nhau với đồng đội Jens Jeremies cũng ngay tại sân tập. Cũng trong tháng đó, Niko Kovac và Lizarazu cũng suýt lao vào nhau nếu không được các đồng đội can ngăn kịp thời.

Tháng 1/2010, Arjen Robben cũng không ngần ngại đòi nói chuyện “phải quấy” với đội trưởng Philipp Lahm, sau một cú tắc bóng hơi nhiệt tình của hậu vệ tuyển Đức. Ba tháng trước, cầu thủ người Hà Lan lại bị Franck Ribery đấm bầm mặt trong phòng thay đồ ngay vào giờ nghỉ giữa hai hiệp trận bán kết Champions League lượt đi với Real Madrid. Trước đó, cả hai công khai mâu thuẫn của họ, bằng những lời chỉ trích, bằng thái độ thiếu hợp tác trên sân và cuối cùng, là dùng bạo lực để “nói chuyện” với nhau.

Giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, thậm chí là bất chấp hoàn cảnh và sự soi mói của giới truyền thông,  dường như đã trở thành thói quen ở một đội bóng mà sự lắng nghe và kiểm soát bản thân là điều xa xỉ. Chúng ta chưa quên những phát ngôn bừa bãi của giới quan chức CLB (mới nhất là lời mỉa mai của Chủ tịch Uli Hoeness dành cho chân sút tốt nhất của họ, Mario Gomez: “Anh ta giỏi, nhưng không phải vĩ đại. Vì nếu vĩ đại, anh ta đã giành Champions League”), hay những án phạt thiếu tính răn đe với những vụ ẩu đả (Ribery chỉ bị phạt 50 nghìn euro vì đấm Robben). Văn hóa đối thoại đã bị bỏ qua quá dễ dàng và nó trở thành nguyên nhân dẫn đến bạo lực, sau một vài động tác ham bóng và vài lời chửi rủa.

Đã đến lúc phải nhìn nhận một cách nghiêm túc và dẹp bỏ kiểu hành vi không mấy văn minh, nhưng đã được dung túng và chấp nhận như một điều hiển nhiên ở một đội bóng hàng đầu nước Đức. Bayern là tập hợp của rất nhiều cá tính, nhưng cung cách cư xử cũng phải phù hợp với tầm vóc lịch sử và tên tuổi của đội bóng.

Phạm An






Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm