Chuyện về 'những đứa trẻ của bầu Đức': Hôm nay ta cứ vui…

04/01/2014 13:57 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Người lớn, ở đây là bầu Đức và một bộ phận không nhỏ giới hâm mộ đang kỳ vọng rất lớn vào lứa U19 Việt Nam, rằng họ sẽ là tương lai của ĐTQG, của nền bóng đá hay ít nhất có thể xua tan bầu không khi u ám, sau những đổ nát. Nói chung là một tương lai màu hồng mà U19 Việt Nam với nòng cốt là cầu thủ thuộc biên chế Học viện HA.GL Arsenal JMG sẽ đem lại.

Ông Đức đã nói rất nhiều, ví như việc không để cầu thủ của ông đá V-League hay sẽ tạo điều kiện để họ học… Đại học. Nhưng, có bao giờ chúng ta và bản thân ông Đức lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của họ hay của chính những bậc cha mẹ, phụ huynh cầu thủ?

1. Chắc chắn, sau khi được tuyển chọn vào Học viện HA.GL Arsenal JMG, bầu Đức, cộng sự hay thuộc cấp của ông sẽ phải làm việc với gia đình của cầu thủ về những thỏa thuận, giống như một bản hợp đồng đào tạo phổ thông.

Cách đây không lâu, Thể thao & Văn hóa được nghe một câu chuyện về việc ban lãnh đạo trường Năng khiếu Ngiệp vụ TP.HCM đã phải gọi phụ huynh của một cầu thủ trẻ ở quê lên để thông báo về những vi phạm và việc thanh lý hợp đồng đào tạo, dù cầu thủ này được liệt vào hàng sao số. HA.GL Arsenal JMG cũng sẽ làm thế, nếu sự cố xảy ra, dù đây là điều không ai mong muốn.

Trở lại với câu chuyện “những đứa trẻ của bầu Đức” có thể được định hướng và tạo điều kiện để trở thành những “tỷ phú chữ nghĩa” theo con đường học vấn, nhưng liệu họ có muốn điều đó?! Với bất cứ cầu thủ trẻ nào, khi theo đuổi con đường đá bóng, chắc chắn họ muốn trở thành những cầu thủ chuyên nghiệp. Không phải Ronaldo, Messi, cũng là Huỳnh Đức, Hồng Sơn hay Công Vinh…

Người hâm mộ có thể tin, có thể sướng với cách bầu Đức nói về bóng đá trẻ, về hướng đi trong 4 năm đào tạo chuyên sâu sắp tới, với việc “tạo điều kiện học Đại học”, nhưng chưa chắc cầu thủ và người nhà của họ sẽ thuận theo!

2. Theo thông lệ, các hợp đồng đào tạo trẻ ở Việt Nam có giá trị đến năm 23 tuổi, trước khi cầu thủ ký vào bản hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên nếu đạt được thỏa thuận. Trong khoảng thời gian đó (từ năm 11-23 tuổi), lẽ đương nhiên cầu thủ trẻ sẽ phải phục vụ lò đào tạo và đội bóng chủ quản theo yêu cầu. Những người phát tiết sớm hay tài năng nổi trội có thể được đôn lên đội 1 từ khá sớm.

Với mô hình đào tạo cơ bản, đến năm 18 tuổi, cầu thủ trẻ sẽ “ra trường”. Đội bóng hay Học viện đào tạo có thể ký bất cứ hợp đồng chuyển nhượng cầu thủ trẻ nào trong khoảng thời gian này, để thu hồi vốn. Cái gì cũng có nguyên tắc của nó.Vậy có thể tin được rằng, bầu Đức sẽ tạo điều kiện để các cầu thủ của ông học Đại học, để rồi sau khi ra trường (khoảng 22-23 tuổi) ông sẽ mất trắng không?!

Tất nhiên, đó là vấn đề của Học viện HA.GL Arsenal JMG, hay chính xác ra là chuyện riêng của bầu Đức. Cũng không loại trừ sẽ có thêm những bản phụ lục hợp đồng với người trẻ (một kiểu mà bóng đá Nam Định từng làm). Nói chung là chuyện của tương lai. Còn hiện tại, người hâm mộ cứ vui sướng, cứ kỳ vọng vào một làn gió mới mà U19 Việt Nam mang tới.

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm