18/08/2017 10:29 GMT+7 | Các ĐTQG
(Thethaovanhoa.vn) - Xin mượn bộ phim cùng tên để nói về các học trò của HLV Nguyễn Hữu Thắng, sau trận đấu thắng U22 Campuchia 4-1, lượt trận thứ 2 bảng B, môn bóng đá nam SEA Games 29.
Thắng U22 Campuchia là chuyện bình thường, nhưng cái cách mà Công Phượng và đồng đội vượt qua đối thủ láng giềng, xứng đáng nhận lời khen.
Đã biến ảo hơn
Đầu tiên phải kể đến sự tiến bộ về phương án tác chiến khi mất bóng và khi tổ chức tấn công, rất bài bản và hợp lý. 4 bàn thắng của đội tuyển U22 Việt Nam, với 2 trong số đó đến từ các tình huống bóng cố định (đá phạt hàng rào), 2 còn lại là kết tinh của những pha ban đập đẹp mắt, chính xác đến từng minimet. Thậm chí nếu Công Phượng và Văn Toàn “son” hơn, chúng ta không chỉ có 4 bàn thắng, mà cách biệt còn có thể cao hơn nhiều, dù Campuchia đá không tệ.
Pha bóng dẫn đến bàn mở tỷ số của Công Phượng có thể đưa vào sách giáo khoa giảng dạy bóng đá chuyên sâu: Từ di chuyển không bóng lấy không gian (Văn Toàn), đến sự ăn ý giữa bộ 3 Văn Thanh – Xuân Trường – Văn Toàn và cả cặp “song sát” trên hàng công là Đức Chinh và Công Phượng (Chinh không có được góc sút thuận lợi, đã nhấc chân bỏ bóng để Phượng thực hiện khâu cuối cùng). Pha lên bóng ở cánh phải có thể nói là mỹ mãn của đội tuyển U22 Việt Nam.
Trong bóng đá, cầu thủ di chuyển không bóng (lấy vị trí) là người điều khiển cầu thủ chuyền bóng, hay đúng hơn là đạo diễn của pha bóng ấy. Trong tình huống này, Văn Thanh có thể chuyền ngay cho Văn Toàn ở nhịp đầu tiên, khi Toàn thoát xuống, nhưng Thanh lại căng ngược lại cho Xuân Trường, rồi bóng từ chân Trường mới tới Văn Toàn, sau đường chọc khe hoàn hảo. Cú căng ngăng của Văn Toàn với đầy đủ chủ ý hướng về phía Đức Chinh và Công Phượng phía trong.
Học trò HLV Nguyễn Hữu Thắng không chỉ có mỗi bàn- thắng- tiêu- chuẩn ấy, để đánh giá về độ trưởng thành qua từng trận đấu, họ đã chơi rất gắn kết trong công lẫn thủ. Không một sai số nào xảy ra, ngay cả việc Xuân Trường và Văn Hậu “tẩy thẻ” cũng là có chủ trương, để nghỉ trận tiếp theo gặp U22 Philippines, trước khi đụng độ U22 Indonesia và U22 Thái Lan ở những lượt trận cuối quyết định. Ở vị trí của Trường, Tuấn Anh có thể cáng đáng và ngoài ra vẫn còn Đông Triều.
Và khiêm tốn hơn
Trở lại với vấn đề mà chúng ta nhắc ở đầu bài viết - Sự đa dạng trong phương án tác chiến: Từ tác chiến độc lập đến nhóm cầu thủ, kiểu “team building”. Công Phượng, Quang Hải và Văn Toàn chính là những đại biểu ưu tú nhất cho chiến thuật tác chiến độc lập, với những pha solo qua người và tự tạo cơ hội cho mình. Với năng lực và thiên chức được giao: Được phép làm điều mình muốn, trong vai trò một cầu thủ tấn công tự do, Công Phượng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Cú solo đầu tiên giữa vòng vây 4-5 hậu vệ đối thủ, Phượng rất nhanh chân chích mũi giầy, nhưng thủ môn U22 Campuchia đã kịp đổ người. Đến pha mở tốc độ thoát xuống từ giữa sân, hơi đen khi bóng lại tìm trúng cột dọc sau khi rời chân Công Phượng. Và ở tình huống đá phạt hàng rào, Công Phượng đã tạo ra quỹ đạo bóng hoàn hảo, không thể cản phá với lực bóng rất tốt. Cũng không ít lần Phượng tạo cơ hội cho đồng đội và một trong số đó là bàn thắng của Tuấn Tài.
Ngay cả khi chơi rất tự tin và quyết tâm, thì U22 Campuchia vẫn không đại diện cho một ứng viên thực sự ở bảng đấu này, nhưng điều quan trọng là thái độ thi đấu và tiếp nhận đối thủ của học trò HLV Hữu Thắng đã được cải thiện nhiều, so với trận đầu ra quân. Màn tung hứng rất hay trên SVĐ Shah Alam cho chúng ta thêm những cơ sở để tin tưởng đội bóng sẽ còn chơi hay hơn nữa ở những trận đấu tiếp theo. Đội bóng vẫn còn tiềm ẩn nhiều khả năng khác, ngoài các chiến thắng đậm.
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất