NTK Nguyễn Công Trí: Bùng nổ? Đó không phải là tôi!

17/10/2011 07:15 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Hôm 15/10, trong Đẹp Fashion Show (ĐFS) lần thứ 10, Nguyễn Công Trí trở lại trong vị trí vedette ở sàn diễn mà anh đã tỏa sáng liên tục từ show thứ nhất đến show thứ năm và rồi “lặn một hơi” 5 năm nay. Vào đúng lúc nhiều người tưởng như cái tên Nguyễn Công Trí bắt đầu thuộc về “một thời đã qua” của làng thiết kế thời trang, nhường chỗ cho những ngôi sao mới, thì anh xuất hiện trở lại, gây choáng váng người xem, bắt đầu từ bộ sưu tập No3-2011 xuất hiện trong Sense Fashion Show cuối tháng 8 vừa qua. Và tối mai, Công Trí cũng sẽ lại là một bất ngờ bùng nổ ở ĐFS trong bộ sưu tập đầy đam mê của anh. Trước giờ mở màn show diễn, tôi gặp Trí ở một góc nhỏ trong quán cà phê bình dân ở Dinh Thống Nhất, gương mặt trong sáng như một cậu học trò.

Trời mưa. Thay vì tôi ngồi chờ Trí tới như chờ một ngôi sao, thì anh lại tới trước, lặng lẽ ngồi nghe những bản tình ca sướt mướt của Khánh Ly phát ra từ dàn âm thanh của quán. Co người trên chiếc ghế, vẫn như cậu học trò nghịch ngợm, Trí bảo: Quán cà phê tên 30 Tháng 4, trong Dinh Thống Nhất, mà toàn nghe Khánh Ly! Trí cũng bảo đây là lần đầu tiên đi cà phê buổi sáng. Anh ngạc nhiên thấy buổi sáng ngày giữa tuần mà quán đông khách. Một chị bận rộn chào hết người quen nọ tới người quen kia, trên tay cầm một cuốn Đắc nhân tâm đang đọc dở, cũng làm anh ngạc nhiên, không hiểu sao người ta có thể mang Đắc nhân tâm ra đọc ở chốn lao xao này. Giữa chúng - quán cà phê với nhạc Khánh Ly, giữa chị bận rộn và Đắc nhân tâm, dường như chả có gì thống nhất. Tóm lại, Trí có rất nhiều thắc mắc kiểu… học trò như thế.

* Tôi cũng có nhiều thắc mắc với anh đây. Liên tục từ show 1 tới 5 anh đều là vedette của ĐFS, vậy mà tự dưng “bỏ” luôn từ năm 2006 đến giờ. Trong ngành thiết kế thời trang, nói như nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường, người đã thay thế xuất sắc vị trí số một của anh ở ĐFS, là không thể dừng lại. Điều gì khiến anh có quyết định dừng lại đột ngột như vậy?

- Tôi tham gia ĐFS từ những ngày đầu, hồi mà chúng tôi nói với nhau, một cách hơi “sến” là để tạo ra một sân chơi. Suốt 5 show liên tiếp tôi đều được ban tổ chức đặt vào vị trí số một. Nếu cứ như thế mãi thì sẽ không có cơ hội cho nhà thiết kế khác và bản thân mình thì cũng chả thấy tự hào về điều đó. Vì vậy, đến ĐFS 6 thì tôi nghỉ. Nghỉ một năm rồi tự dưng thành… nghỉ luôn từ đó tới nay. Tuy nhiên, không tham gia ĐFS nữa không có nghĩa là dừng lại. Tôi vẫn làm việc, vẫn giới thiệu những bộ sưu tập mới trên báo, vẫn tổ chức show trình diễn cho các khách hàng của mình, vẫn tham gia các event. Thiết kế vẫn là cuộc sống hàng ngày của tôi.

* Tôi nghe nói rằng, ngay từ show Cơn ác mộng của người thợ may (ĐFS 2007) anh đã “bí”, cho nên quyết định không thiết kế gì trên bộ trình diễn năm ấy mà dùng máy chiếu chiếu lên trang phục. Giờ cuối, máy chiếu hỏng, thế là ý tưởng trình diễn cũng bị “xóa trắng” luôn. Năm đó, nếu để nhớ, người ta chỉ nhớ màn Công Trí cho đốt bỏ bộ đồ trình diễn vào phút cuối. Ấn tượng, nhưng đó là trình diễn, không phải là thời trang.

- Không biết thông tin tôi “bí” bộ sưu tập từ đâu ra, nhưng không có bộ sưu tập nào của tôi tham gia các show thời trang lại thiếu sự chuẩn bị. Việc dùng máy chiếu chiếu lên các trang phục là ý tưởng ngay từ đầu và để làm được việc đó tôi đã phải chuẩn bị từ nhiều tháng trước đó. Tiếc là do trục trặc kỹ thuật từ phía ban tổ chức nên ý tưởng đã không thực hiện được như ý. Nói thật là ý tưởng đến với tôi dễ lắm, và cũng chả có gì ghê gớm như mọi người nghĩ.

* Nhưng “nghỉ chơi” 5 năm có lẽ đã khiến anh trở lại “bùng nổ”. Từ Sense Fashion Show, tới Men Show và bây giờ là ĐFS 10.

- (Cười) Đấy là chị thấy “bùng nổ” chứ với tôi đơn giản chỉ là đến lúc mình muốn làm. Cuộc sống của tôi không có khái niệm “bùng nổ”, nghe nó bồng bột quá, không phải tôi.

Thú thực là từ khi nghỉ ĐFS 2006, suy nghĩ của tôi đã thay đổi nhiều. Lúc trước, tôi muốn thể hiện mình, người mẫu trình diễn bộ sưu tập của mình phải là vedette, mình phải ở vị trí tốt nhất trong show diễn… Bây giờ thì tất cả những điều đó không quan trọng nữa. Khi nhận lời tham gia ĐFS 10, tôi có nói với Việt Tú, đạo diễn chương trình, là cho tôi vào chỗ nào cũng được, không cần đầu, không cần cuối và đề nghị chia người mẫu đồng đều giữa các bộ sưu tập. Tôi cũng chẳng giấu ý tưởng bộ sưu tập của mình. Đây không phải là cuộc thi, nếu các nhà thiết kế giấu ý tưởng của mình thì làm sao đạo diễn có thể sắp xếp đường dây thống nhất và hợp lý được.

* Anh nói vậy nhưng cuối cùng thì ĐFS 10 vẫn lấy ý tưởng bộ sưu tập của Công Trí làm linh hồn của chương trình. Anh xuất hiện ở đâu cũng là vedette thôi.

- Nghe tức cười thật đấy. Khi tôi đưa ý tưởng bộ sưu tập của mình trong cuộc họp giữa ban tổ chức với các nhà thiết kế, Việt Tú nói sẽ lấy ý tưởng đó làm ý tưởng chính của ĐFS. Nhưng đấy là chuyện của ban tổ chức, còn bản thân tôi, làm để được sung sướng, ai khen thì khen, ai chê thì ráng chịu.

Thực ra thì bộ sưu tập tại ĐFS 10 này đáng lẽ đã trình diễn từ ĐFS 9 rồi, nhưng điều kiện để trình diễn là phải diễn tại TP.HCM, mà ĐFS 9 lại diễn ra ở Hà Nội nên tôi phải rút. Tương tự, trước đó, bộ sưu tập No3-2011 trình diễn trong Sense Fashion Show ban đầu định diễn trong chương trình Bước chân miền Trung của Đàm Vĩnh Hưng, nhưng do chương trình ấy dài quá, ban tổ chức muốn rút ngắn lại, còn tôi thì thấy tiếc, nên thay vì rút ngắn thì rút luôn. Còn tham gia Men Show, một phần vì thương hiệu Kin’ Concept dành cho đối tượng này, nhưng quan trọng hơn, tôi muốn ủng hộ nhà thiết kế trẻ Châu Kha. Tôi xem Kha như học trò của mình và Men Show là show của cậu ấy.

Và như đã nói, tôi giữ được sự ung dung trong công việc của mình, không nôn nóng. Giờ này, quan trọng nhất với tôi là thể hiện mình, với niềm yêu thích của mình chứ không phải là lo “đấu đá”.

* Anh nói tới học trò khiến tôi chợt nhận ra thế hệ đông đảo các nhà thiết kế lứa đầu, được sinh ra từ cuộc thi VN Collection Grand Prix, nhưng nay điểm lại, những cái tên còn sống được trên thị trường thời trang Việt Nam không có mấy người. Công Trí, Lê Minh Khoa…, mà Khoa lại đi một con đường khác…

- Theo tôi thấy thì anh Khoa thành công. Lê Minh Khoa không cần show nhưng vẫn có sự đón nhận của các khách hàng riêng và kinh doanh hiệu quả. Nhiều nhà thiết kế trưng bày, trình diễn nhiều, nhưng hiệu quả chưa chắc bằng anh Khoa đâu và nếu không biết tiết chế thì còn nguy nữa, vì tham gia các show thời trang chi phí nhiều lắm. Nhưng không có những người “hy sinh” như vậy thì sẽ không tạo được không khí thời trang như bây giờ. Tôi được chị liệt vào danh sách các nhà thiết kế “sống được” bởi may mắn là người tỉnh táo. Như vậy là tôi cũng có “hy sinh” đó chứ. Nếu không tôi đã chọn đi con đường như anh Khoa.


Công Trí là NTK nhận được nhiều đơn hàng từ các ngôi sao giải trí nhất

* Tôi lại cho rằng, VN Collection Grand Prix rất có công khi “khai sinh” một thế hệ các nhà thiết kế có thể xem là đầu tiên ở VN, nhưng cũng có “tội” khi đã khiến rất nhiều người ảo tưởng rằng chỉ cần có ý tưởng là thành nhà thiết kế. Đó là lý do khiến không ít người chiến thắng ở cuộc thi nhưng thất bại khi ra đời và cái gọi là nền công nghiệp thiết kế thời trang ở VN thì mãi chưa thể thành hình.

- Cái này thì chị đúng. Bản thân tôi từ cuộc thi này cũng từ tay ngang bước vào làng thiết kế. Tôi phải học lại từ đầu: làm thế nào để may được, làm thế nào để xử lý chất liệu... Rút kinh nghiệm từ bản thân mình, hiện nay học trò của tôi đều phải là người biết về thời trang, có kiến thức nền tảng về nghề này. Không thể chỉ yêu thích thời trang và vẽ vài mẫu trên giấy là có thể trở thành nhà thiết kế thời trang.

* Nếu quay ngược lại thời gian, cho anh bắt đầu lại từ năm 2004, năm anh đoạt giải Ý tưởng VN Collection Grand Prix thì anh…?

- … Thì tôi sẽ chưa tham gia cuộc thi ấy mà xách vali đi học trước. Paris hoặc New York. Nhưng có lẽ Paris đúng với bản chất tôi hơn. Với tôi, đào tạo tâm hồn trước, kỹ thuật học sau.

* Vậy anh có thấy mình thiệt thòi khi so với các bạn thiết kế trẻ sau này, họ được đi đúng con đường mà anh mơ ước: xách vali sang Paris, New York học nghề trước khi quay về?

- Tôi không cho đó là thiệt thòi, mà là thiếu sót. Nhưng không đi học không có nghĩa là việc học bị dừng lại. Thời nay Internet có thể giúp bạn rất nhiều, nếu như bạn thật sự muốn bù đắp những thiếu sót của mình.

* Nhưng cũng chính internet, hay nói đúng hơn là những gì của người khác được nhìn thấy trên internet cũng rất dễ khiến những người sáng tạo bị ảnh hưởng.

- Khi làm một bộ sưu tập mang tính định hướng, đương nhiên bạn phải quan tâm tới trào lưu. Tôi thường, thay vì quan tâm tới các trào lưu thời trang, lại hướng sự quan tâm của mình tới các trào lưu của những bộ môn nghệ thuật khác như mỹ thuật, kiến trúc…, có khi là món ăn. Nếu nhìn trực diện vào các khuynh hướng thời trang thì mình dễ bị ảnh hưởng lắm. Nhưng các loại hình nghệ thuật khác nhau thường vẫn có một tiếng nói chung, đó chính là khuynh hướng.

* Sau ĐFS 10 anh sẽ làm gì?

- Công việc lớn nhất trong giai đoạn này mà tôi hướng tới là đào tạo. Không phải mở trường lớp gì to tát đâu, đơn giản là tôi nhận về công ty những bạn trẻ mà tôi thấy có triển vọng rồi dần dần “đẩy” các bạn đó lên. Ở nước ngoài, nhà thiết kế giỏi thật ra chỉ đưa ý tưởng, còn thì ê-kíp của họ làm hết. Còn ở mình hiện nay nhà thiết kế vô cùng mệt mỏi vì phải làm hết tất cả các công đoạn. Vì vậy, công việc đào tạo vừa giúp cho các bạn ấy nhưng cũng có lợi cho tôi. Hơn nữa, mình có kinh nghiệm nhưng các bạn ấy cũng có ý tưởng hay, tôi cũng học hỏi được nhiều. Chắc chắn các bạn này sẽ là một thế hệ nhà thiết kế mới, làm việc hiệu quả.

Còn cho cá nhân thì bây giờ tôi cũng kiếm được giám đốc điều hành cho công việc của tôi rồi nên sẽ tiếp tục phát triển thêm một thương hiệu thời trang nữa và mỗi năm sẽ ra mắt hai bộ sưu tập.

P.T.T.T (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm