23/05/2023 08:09 GMT+7 | Đời sống
Bắt nạt học đường có thể gây chấn thương, nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và ảnh hưởng tâm lý nặng nề như tự ti, chán nản, sang chấn tâm lý, trầm cảm dẫn đến tự sát ở học sinh bị bắt nạt. Những gì học sinh đã phải chịu đựng trong quá khứ cũng dễ dàng biến các em thành người gây ra hành vi bắt nạt trong tương lai.
Như vậy, bắt nạt học đường không chỉ gây ảnh hưởng ngay tại thời điểm đó, hệ quả còn kéo dài đến tận sau này nếu hành vi bắt nạt quá nghiêm trọng.
Ảnh hưởng lớn tới trẻ
Trung bình mỗi tháng, Viện Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận khoảng 3-4 trường hợp rối loạn tâm thần do bị bắt nạt học đường đến khám. Gần đây, Viện tiếp nhận trường hợp em P.T.D (học sinh lớp 8 ở Bắc Ninh) được gia đình đưa đến khám do thường xuyên buồn chán, có hành vi tự hủy hoại bản thân và có ý định tự sát.
Theo lời kể của gia đình, D. học giỏi, ít chơi và nói chuyện với các bạn cùng lớp, chỉ có một vài bạn thân ngoài lớp. Khoảng một năm nay, D. có căng thẳng với một nhóm bạn nữ trong lớp. Các bạn hay nói mỉa mai, chê bai về ngoại hình, nói xấu em "kiêu, chảnh" và "khinh người", cho rằng em hay "nhìn đểu". Nhóm bạn nữ trong lớp thường đe dọa, xúc phạm, có lúc cầm vở tát vào mặt em trong lớp học, giờ ra chơi. Thỉnh thoảng khi tan học, nhóm bạn có chặn bên ngoài trường để gây căng thẳng, đánh D và dọa nếu mách giáo viên hoặc bố mẹ sẽ bị đánh nhiều hơn nên em không dám báo cho gia đình, cô giáo.
Bệnh nhân đã có lần nói qua với mẹ về việc gặp một vài vấn đề với bạn trên lớp nhưng không nói cụ thể bị bắt nạt. Lúc ấy mẹ D. cho rằng đó là việc trẻ con, tuổi học trò nên bảo con tự giải quyết.
Việc bị bắt nạt kéo dài gần 1 năm khiến D. luôn trong tình trạng lo lắng, căng thẳng và sợ hãi, dễ cáu gắt, nổi nóng với người thân, học tập bị giảm sút. Em nghỉ học thường xuyên hơn, trở nên lầm lì và ít nói, ăn uống kém, đêm ngủ chập chờn. Khoảng 2 tuần trước khi vào viện, bệnh nhân tự ý nghỉ học ở nhà, chỉ ở trong phòng khóc, có suy nghĩ tiêu cực, không muốn sống, có ý nghĩ tự sát để giải thoát, có hành vi rạch tay để giảm căng thẳng. Gia đình lo lắng nên đưa con đi khám và được chỉ định nhập viện.
Theo bác sỹ Chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Sức khoẻ tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên, Viện Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), hành vi bắt nạt là một vấn đề nghiêm trọng ở trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi đi học. Nó có tác động ngắn hạn và dài hạn đối với cá nhân bị bắt nạt, cá nhân bắt nạt, cũng như người ngoài cuộc có mặt trong sự kiện bắt nạt.
Bác sỹ Yến cho biết, hành vi bắt nạt có thể ảnh hưởng ngay lập tức tới sức khoẻ thể chất của trẻ. Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2014 cho thấy, những đứa trẻ bị bắt nạt có sức khỏe thể chất kém so với những đứa trẻ không bị bắt nạt. Khi bị bắt nạt, các yếu tố gây căng thẳng về tâm lý và thể chất kích hoạt hệ thống stress tập trung vào trục vùng dưới đồi-tuyến yên-thượng thận (HPA)… Sự lặp đi lặp lại của hành vi bắt nạt làm thay đổi sự đáp ứng với stress của cá nhân bị bắt nạt. Khi stress trở nên kéo dài, hệ thống hormone đáp ứng stress trở nên suy giảm chức năng, dẫn đến phản ứng căng thẳng yếu đi. Đồng thời, sự ảnh hưởng của corticoid và các hormone khác trong stress có thể liên quan đến các vấn đề rối loạn giấc ngủ, cảm xúc, chú ý, học tập…
Bác sỹ Yến cũng cho biết, nhiều nghiên cứu cho thấy ở thanh thiếu niên bị bắt nạt có lòng tự trọng thấp, cảm thấy chán nản, lo lắng, cô đơn. Một số phân tích tổng hợp cho thấy mối quan hệ giữa trầm cảm và bị bắt nạt ở trường. Trẻ em bị bắt nạt sẽ bị suy giảm nghiêm trọng tới kết quả học tập; có nhiều khả năng lo âu hơn so với trẻ bị ngược đãi, trầm cảm và có hành vi tự làm hại bản thân ở tuổi trưởng thành. Cũng có nghiên cứu cho thấy, trẻ bị bắt nạt khi còn bé có nguy cơ lạm dụng rượu, chất gây nghiện và có ý tưởng, hành vi tự tư. Tuy nhiên, những nghiên cứu này cần có thời gian theo dõi thêm.
Cần sự chung tay
Bạo lực học đường là vấn đề không mới nhưng đang có chiều hướng gia tăng với mức độ phức tạp, trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội. Một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Giáo dục thực hiện năm 2020 cho thấy, tỷ lệ học sinh bị bắt nạt trên mạng tăng từ 12% vào năm 2016 lên 18% vào năm 2020. Hàng loạt vụ việc xảy ra cho thấy mức độ ngày càng nghiêm trọng, nguyên nhân đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống nhưng để lại những hậu quả hết sức đau lòng.
Theo bác sỹ Nguyễn Hoàng Yến, để dự phòng hành vi bắt nạt học đường cần có sự phối hợp của gia đình, nhà trường và cộng đồng. Trong đó, gia đình cần cung cấp cho trẻ một môi trường hỗ trợ để đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh; cha mẹ cần được trang bị đầy đủ các kỹ năng nuôi dạy con, xây dựng mối quan hệ trong gia đình… Đối với nhà trường, cần xây dựng một môi trường học đường nói không với bắt nạt, bạo lực học đường; giáo dục cho học sinh về việc tôn trọng quyền cá nhân, sức khoẻ, nhân phẩm của người khác; tăng cường vai trò của giáo viên, nhân viên tâm lý và gia đình trong đánh giá, phát hiện và giải quyết các vấn đề về bắt nạt học đường; khuyến khích những phương thức ứng phó thích hợp và tìm kiếm sự hỗ trợ… Đối với cộng đồng, cần có các chương trình truyền thông để cung cấp thông tin rộng rãi; có sự hợp tác liên ngành trong việc giải quyết bắt nạt học đường; xây dựng các đường dây nóng về giáo dục, xử lý các khủng hoảng. Đặc biệt, có thể có sự hỗ trợ "cấp cứu tâm lý" ban đầu trong các cuộc khủng hoảng và sau những biến cố tâm lý…
Các chuyên gia tâm lý cũng khuyến cáo phụ huynh cần chú ý quan tâm đến tâm lý của trẻ. Khi con có những biểu hiện bất thường như buồn chán, lo lắng, dễ nổi nóng, ít nói, ít giao tiếp…, cần quan tâm và tìm ra nguyên nhân. Nếu trẻ bị bắt nạt cần kết hợp với nhà trường để có cách xử lý kịp thời, tránh để tình trạng kéo dài gây ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Về lâu dài, một môi trường học đường lành mạnh, đẩy lùi "bắt nạt học đường" vẫn luôn cần sự chung tay của bố mẹ, nhà trường và cả xã hội. Bắt nạt học đường sẽ không thể diễn ra nếu có sự can thiệp, xử lý của bên thứ ba. Phương pháp giáo dục dài hạn tốt nhất là làm sao để từ phụ huynh, giáo viên, học sinh biết cách lên tiếng khi chứng kiến ai đó đang bị bắt nạt. Chỉ khi tạo được một cộng đồng chung tay thì chúng ta mới có thể cùng nhau bảo vệ các nạn nhân và hạn chế thấp nhất những hậu quả đáng tiếc từ "Bắt nạt học đường".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất