Kiểm soát vũ khí nóng: Người Mỹ hãy nhìn gương thế giới

17/01/2013 10:10 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu có nơi nào đó hiểu rõ nỗi đau của vùng Newtown ở Mỹ thì đó hẳn phải là Dunblane ở Scotland, nơi một sát thủ từng gây vụ thảm sát bằng súng kinh hoàng giống như ở Mỹ. Điều khác biệt duy nhất là sau vụ Dunblane, nước Anh đã thay đổi hoàn toàn luật pháp theo hướng cấm súng đạn, trong khi người Mỹ lại có xu hướng ôm chặt hơn cây súng của mình.

Tháng 3/1996, một người đàn ông 43 tuổi tên Thomas Hamilton đã bước vào một trường tiểu học ở Dunblane, một thị trấn nằm tại miền Trung Scotland với 8.000 dân sinh sống và bắn chết 16 đứa trẻ ở tuổi mẫu giáo cùng giáo viên của các em bằng 4 khẩu súng ngắn sở hữu hợp pháp.

"Cứng đầu" như dân Mỹ

Trong các tuần tiếp theo đó, người dân thị trấn đã phát động chiến dịch Snowdrop (Hoa giọt tuyết) để đòi lệnh cấm súng ngắn. Chỉ trong vài tuần, chiến dịch đã thu thập được 750.000 chữ ký. Một năm sau đó, lệnh cấm đã trở thành luật.

Những sự thay đổi tương tự đã diễn ra trên khắp thế giới, từ Anh cho tới Australia. Nỗi đau từ các vụ thảm sát tập thể đã nhanh chóng được biến thành các hành động chính trị, với kết cục là súng bị kiểm soát chặt hơn. Nhưng điều đó đã không xảy ra ở Mỹ. Sau vụ Newtown, nhiều người ở Mỹ đã kêu gọi cấm sở hữu súng. Nhưng không ít người khác khăng khăng bám lấy quyền sở hữu súng của họ.

Tuần hành phản đối súng sau vụ thảm sát ở Mỹ

Khi nói tới súng, nước Mỹ là một hiện tượng đặc biệt. Mỹ có tỷ lệ dân thường sở hữu súng cao nhất thế giới. Cuộc khảo sát về vũ khí nhỏ toàn cầu do Thụy Sĩ thực hiện từng thấy rằng Mỹ có tỷ lệ sở hữu súng tư nhân cao nhất thế giới, với 89 khẩu súng/100 dân.

Những cá nhân, tổ chức bênh vực súng đạn gồm Hiệp hội súng trường quốc gia vô cùng hùng mạnh, đã chặn đứng mọi nỗ lực siết chặt kiểm soát súng theo sau các vụ thảm sát đã diễn ra trước kia ở Mỹ. Người ủng hộ súng tuyên bố quyền sở hữu súng của họ được ghi trong Tu chính án số 2 của Hiến pháp Mỹ. Việc này khiến quyền sở hữu súng trở thành một vấn đề liên quan tới quyền dân sự, thay vì chỉ là vấn đề an toàn công cộng đơn thuần.

Hàng loạt quốc gia thay đổi luật

Những người ủng hộ kiểm soát súng hiển nhiên không chấp nhận lý lẽ của bên bênh súng đạn. Họ chỉ ra phản ứng nhanh chóng của Australia sau vụ thảm sát ở bang Tasmania làm 35 người thiệt mạng hồi năm 1996 là một ví dụ.

Vụ thảm sát gây phẫn nộ trên khắp Australia và chỉ trong vòng 12 ngày, chính quyền liên bang cùng cấp bang đã đồng ý ban hành luật kiểm soát súng mới chặt chẽ hơn, gồm việc cấm những khẩu súng trường bán tự động như loại AR-15 mà sát thủ ở Mỹ sử dụng.

Giấy phép sở hữu súng chỉ cấp cho những người thực sự cần súng để phục vụ cuộc sống của họ, hoặc những người thuộc các CLB bắn súng có giấy chứng nhận thành viên. Khoảng 700.000 khẩu súng đã được chính quyền mua lại từ những chủ sở hữu không còn đạt chuẩn sở hữu và bị tiêu hủy.

Sự thay đổi luật đã không được lòng các chính trị gia ở những khu vực nông thôn của Australia, nơi có nhiều thợ săn và nông dân thích giữ quyền sở hữu súng. Nhưng cũng như nước Anh sau vụ Dunblane, sức mạnh của công chúng đã khiến các chính trị gia Australia phải đổi ý và phải thuận theo lòng dân.

Luật kiểm soát súng cũng được tăng cường tại Canada sau vụ một kẻ ghét phụ nữ thảm sát 14 nữ sinh viên kỹ thuật ở Montreal hồi năm 1989. Điều tương tự đã xảy ra tại Đức sau khi một sinh viên 19 tuổi bị đuổi học đã sát hại 16 người, gồm 12 giáo viên, ở vùng Erfurt hồi năm 2002.

Ngay cả đất nước yêu súng như Phần Lan, với tỷ lệ sở hữu súng là 45 khẩu/100 dân, cũng phải siết chặt luật sau 2 vụ nổ súng trường học hồi năm 2007 và 2008. Phần Lan đã nâng cao độ tuổi sở hữu súng tối thiểu và trao cho cảnh sát quyền lực lớn hơn trong việc tiến hành kiểm tra lý lịch người xin cấp phép sở hữu súng.

Súng đạn được chính quyền Australia thu lại để mang đi tiêu hủy

Kiểm soát súng: có tốt hơn không?

Nhưng liệu các biện pháp kiểm soát có hiệu quả? Ở Australia, câu trả lời là có. Từ năm 1981 tới thời điểm diễn ra vụ thảm sát Tasmania, đã có nhiều vụ xả súng khác nhau. Nhưng 16 năm sau vụ Tasmania, đã không còn vụ thảm sát bằng súng nào xảy ra.

Các nghiên cứu cho thấy số người chết vì súng ở Australia theo sau hoạt động cải cách hồi năm 1996 cũng giảm rất mạnh. Tuần báo Injury Prevention đưa tin hồi năm 2006 rằng nguy cơ mất mạng do súng bắn đã giảm một nửa tại Australia trong vòng một thập kỷ.

Những tổ chức bênh vực súng ở Mỹ đôi khi dẫn Thụy Sĩ như một ví dụ điển hình về một đất nước có nhiều người sở hữu súng, nhưng lại rất ít các vụ phạm tội hình sự. Giống Mỹ, người dân nơi đây có văn hóa súng đạn mạnh và nhiều CLB bắn súng được thành lập. Nhưng nơi đây khác Mỹ ở chỗ họ có một bộ phận đông đảo dân chúng đã qua huấn luyện quân sự. Những người này, sau quá trình huấn luyện quân sự, được phép giữ súng ở nhà. Đất nước chưa đầy 8 triệu dân như Thụy Sĩ, vì thế có tới 2,3 triệu khẩu súng. Nhiều người cất súng dưới giường hoặc trên giá để chén đĩa.

Nhưng trong khi các gia đình Thụy Sĩ có súng, họ lại sở hữu rất ít đạn. Đạn thường được cất trữ kỹ càng tại các doanh trại quân đội địa phương.

Và bản thân người Thụy Sĩ cũng không miễn nhiễm với thảm sát. Họ từng phải tự vấn lương tâm sau khi một người đàn ông tên Friedrich Leibacher đã ôm súng gây ra vụ bắn giết tại hội đồng thành phố Zug giàu có hồi tháng 9/2001, khiến 14 người thiệt mạng.

Giới quan sát nói rằng những người tin vào việc kiểm soát súng chặt cũng cần phải hiểu rằng điều này không có nghĩa tội ác kinh khủng sẽ không xảy ra. Na Uy có luật kiểm soát súng vô cùng chặt, nhưng Anders Behring Breivik vẫn có thể bắn chết 69 người hồi tháng 7/2011 bằng một khẩu súng ngắn và một cây súng trường mà hắn ta có được một cách hợp pháp bằng cách gia nhập một CLB bắn súng và tham gia khóa huấn luyện đi săn.

Tuy nhiên việc không kiểm soát súng lại dễ mang tới hậu quả tồi tệ hơn. "Không có một đạo luật nào của Quốc hội có thể đảm bảo việc sẽ không còn thảm sát xảy ra nữa" - cựu Bộ trưởng Nội vụ Anh Jack Straw, người giúp mang tới lệnh cấm súng ở Anh hồi năm 1997, đã tuyên bố sau vụ thảm sát ở Newtown - "Tuy nhiên càng siết chặt luật pháp, anh sẽ càng giảm thiểu rủi ro".

Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm