02/12/2016 18:30 GMT+7 | Bóng đá Tây Ban Nha
(Thethaovanhoa.vn) - El Clasico (Kinh điển), tự thân đã mang tới những điều hấp dẫn, bí ẩn từ sự thù địch, và người ta chỉ có thể so sánh với trận chung kết World Cup, EURO hay Champions League, mới diễn tả được hết tầm quan trọng của nó.
Và dù đánh giá dưới góc độ nào, khi lật lại lịch sử của Kinh điển, cái tên Francisco Franco vẫn luôn được nhắc đến đầu tiên như một trong những nhân vật tạo ra bản chất, sự thù địch và cả sự căm giận luôn chất chứa trong lòng trận đấu được coi là lớn nhất thế giới ở cấp câu lạc bộ này
Từ quyền lực của Francisco Franco...
Ngày nay, 41 năm sau cái chết của Francisco Franco, xứ Catalunya vẫn đang cố gắng tìm kiếm sự tự do tuyệt đối về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử trong sự ràng buộc từ Madrid. Mà bóng đá, luôn là một trong những công cụ để xứ tự trị này tuyên ngôn về sự độc lập của mình.
"Người ta có thể lắng nghe được tiếng rên xiết của xứ Catalunya, phát ra từ các bậc thềm sân Camp Nou, mỗi khi Barcelona gặp Real Madrid dưới cái bóng của Franco", Eduardo Galeano, nhà văn người Uruguay diễn tả sự thù hận của Barca trên các trang viết của mình. Nhà độc tài quân sự này là người đầu tiên khiến cho trận đấu trở nên đặc biệt trên toàn thế giới cho đến tận ngày nay.Vào tháng 7 năm 1936, người đứng đầu quân đội Tây Ban Nha đã tiến hành cuộc đảo chính để lật đổ chính phủ, đó là một trong những sự kiện đen tối và bi kịch nhất trong lịch sử nước này, dẫn đến cuộc nội chiến ở xứ đấu bò. Cuộc tranh chấp giữa những người theo cánh tả mà đại diện là Franco và những người theo cánh hữu (đến từ Catalunya) kéo dài trong suốt 3 năm, trước khi Franco đặt được sự thống trị trên toàn đất nước. Ngay lập tức, bàn tay sắt của Franco bắt đầu khiến cho người dân xứ Catalunya ngạt thở.
Tướng Franco, hội viên của Atletico Madrid trong thập niên 40 và 50 của thế kỉ trước, nhưng cũng giữ mối liên hệ với Real Madrid, đã tước đi mọi quyền cơ bản của xứ Catalunya về ngôn ngữ hay một số quyền tự do tối thiểu khác. Barcelona nghiễm nhiên trở thành một biểu tượng, cũng như đại diện cho cộng đồng Catalunya. Chỉ ở Camp Nou, người dân nơi đây mới được nói thứ tiếng của mình, mà không một chút sợ hãi. Barca với tầm vóc của một thể chế, dần trở thành một nỗi ám ảnh với chính quyền Franco.
Để rồi trong 46 năm cầm quyền sau đó, những câu chuyện về người đàn ông này đã được truyền lại như một sự xác thực rằng, bằng quyền lực của mình, Franco đã can thiệp trực tiếp vào vụ chuyển nhượng Alfredo Di Stefano, người được gọi với biệt danh Mũi tên bạc, là ngọn nguồn cho mọi thù địch sau này. Dù nhà độc tài này là kẻ không quan tâm đến bóng đá, thích kí những sắc lệnh tử hình hơn là thưởng thức một trận đấu.
Top 10 cầu thủ từng khoác áo cả Real Madrid và Barca
... Đến một sự thật khác
Nhưng nhà độc tài Francisco Franco lại vô tình đẩy cuộc chiến giữa ý thức hệ Catalunya, những người có xu hướng tân tiến và cái nhìn cởi mở, với ý thức hệ Madrid, những người cố gắng níu giữ những giá trị tuyền thống, đại diện cho quyền lực Hoàng gia, trở thành cuộc chiến trên sân cỏ.
Nếu không phải đó là cú hích thay đổi toàn bộ bản chất của trận đấu này, thì cũng có thể coi đó là điều tốt đẹp nhất mà Franco từng làm cho bóng đá Tây Ban Nha nói riêng, và ở mức độ nào đó là cả bóng đá thế giới nữa. Dù sau này, Real Madrid luôn bị buộc đủ thứ tội mà người ta có thể nghĩ ra, như những chiến thắng xấu xí, với sự trợ giúp của trọng tài, sự bao che của Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha, để chống lại Barcelona.
Nhưng sự thật thì sao? Guillem Martínez, cựu kí giả của El Pais hồi tưởng, “Tây Ban Nha của những năm 60 thế kỉ trước có mùi của loại rượu rẻ tiền, người ta đi lại trên phố với những bộ quần ào nhàu nát, cũ rách và cáu bẩn. Chúng tôi thậm chí còn không biết đến quần jeans cho đến năm 1978, đó là một đất nước nghèo đói, và tinh thần cũng bần hàn như vậy”.
Và Real Madrid khi đó, với 5 chức vô địch châu Âu, mặc nhiên trở thành niềm tự hào của đất nước bán đảo Iberia này. Dĩ nhiên, Alfredo di Stefano là biểu tượng bất diệt của nó. “Đó là đại sứ tốt nhất mà chúng tôi có trong tay, ngoài ra không gì hết”, Fernando María Castiella, Bộ trưởng ngoại giao chính quyền Franco thời đó kết luận về sự nhúng tay của đội bóng Hoàng gia vào El Clasico.Real Madrid vô can, nhưng người ta không thể phủ nhận một sự thù ghét đặc biệt của Franco đối với Barcelona. Câu chuyện bắt đầu vào năm 1943, sau khi đội bóng xứ Catalunya giành chiến thắng 3-0 ở trận lượt đi, các cầu thủ Barcelona buộc phải ghé thăm nhà một người bạn thân của Franco, người sau đó đã nhắc nhở rằng "họ được chơi bóng nhờ sự rộng lượng của chính quyền, và hãy biết điều một chút". Kết quả như đã biết, Barca để thua trận đậm nhất trong lịch sử Kinh điển với tỉ số 1-11.
Nhưng công lý vẫn thuộc về bóng đá, Real Madrid sau đó để thua Athletic Bilbao trong trận chung kết với tỉ số 0-1. Đội bóng xứ Basque, một kẻ thù khác của Franco, còn bị buộc phải đổi tên vào năm 1941 thành Atletico Club, vì chữ Athletic là ngôn ngữ của người dân xứ này, không được phép xuất hiện bên cạnh ngôn ngữ chính Castellano. Thậm chí, Bilbao còn chỉ được phép sử dụng cầu thủ sinh ra từ xứ Basque mỗi khi thi đấu theo lệnh của Franco (sau này trở thành truyền thống cũng như di sản đặc biệt của họ).
10 Sau 13 vòng đấu ở La Liga, Real Madrid đã có 10 trận thắng và 3 trận hòa, và là đội duy nhất bất bại cho đến thời điểm này. 17 Trung bình mỗi trận đấu ở La Liga mùa này, Barcelona tung ra 17 cú sút, so với 19,5 của Real Madrid. 21,3 Real Madrid có số lần tắc bóng trung bình 21,3 lần/trận, còn Barcelona thấp hơn với chỉ 17,7 lần/trận. |
Trần Dũng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất