Barcelona vĩ đại như hiện nay một phần nhờ Van Gaal

26/07/2015 06:20 GMT+7 | Barcelona

(Thethaovanhoa.vn) - Không phải người Barcelona cũng thích Louis van Gaal, nhưng rất nhiều ngôi sao hiện tại đã bày tỏ sự biết ơn đối với ông.

Khi Louis Van Gaal gặp Gerard Pique rạng sáng nay, họ hẳn có rất nhiều chuyện để kể với nhau. Vào ngày HLV hiện đang dẫn dắt Man United được giới thiệu với Pique, điều đầu tiên ông làm với anh là bước tới và... xô hậu vệ này ngã lăn xuống sàn.

Đã 15 năm trôi qua, lúc đó Pique 13 tuổi, nhưng hẳn cả hai vẫn còn nhớ. Ông nội của Pique là một thành viên trong ban giám đốc Barcelona, Van Gaal là HLV ở Camp Nou khi đó. Một buổi chiều, ông tới căng-tin của đội ăn trưa thì gặp Pique-ông-nội dẫn theo cháu mình. “Cháu tôi sẽ có ngày đá ở Camp Nou”, ông tuyên bố. Van Gaal thì không nghĩ thế, ông xô ngã Gerard và tuyên bố anh “quá yếu ớt” để đá cho Barcelona.

“Ông ấy xô tôi ngã lăn ra sàn, tôi không nói được lời nào suốt bữa trưa sau đó”, Pique nhớ lại. “Mọi người đều kể với tôi ông ấy là một người thẳng tính, nhưng tôi không ngờ ông ấy lại thẳng thừng như vậy”.

Một thế hệ tài năng và chiến công của Van Gaal

Pique không phải là người duy nhất thấy ấn tượng mạnh mẽ với Van Gaal trong 2 lần ông dẫn dắt Barcelona. Đội trưởng của Barca hiện tại là Andres Iniesta, vừa nhận lại chiếc băng thủ quân từ Xavi Hernandez, người kế vị Carles Puyol. Cả 3 cầu thủ đó đều chơi trận đầu tiên cho Barca dưới quyền Van Gaal. Ngoài ra còn có Gabri, Pepe Reina, Thiago Motta và Victor Valdes. “Victor, Xavi, Puyi, tôi… thế hệ chúng tôi rất biết ơn ông ấy”, Iniesta nói. Đó không phải là những lời sáo rỗng: Van Gaal là một trong những khách mời đầu tiên trong đám cưới của Iniesta.

Bị loại khỏi đội hình Man United đi du đấu Mỹ mùa Hè này sau khi cãi cọ với Van Gaal, Valdes có lẽ không tình cảm như thế, nhưng danh sách những học trò cũ của HLV người Hà Lan vẫn thật ấn tượng. “Không hề bình thường khi chứng kiến nhiều người trưởng thành như thế với tôi. Những cầu thủ đấy là xương sống cho Barcelona và một hình mẫu bóng đá ở châu Âu”, Van Gaal nói năm 2012 về thời gian của mình ở Camp Nou. “Đó là đóng góp của tôi”.

Trong mùa đầu tiên với Van Gaal, mùa 1997-98, Barcelona giành chức vô địch La Liga và Cúp Nhà Vua. Mùa thứ hai, lại là danh hiệu La Liga, biến ông thành HLV đầu tiên của Barca giành chức vô địch ở 2 mùa đầu tiên kể từ Helenio Herrera gần nửa thế kỷ trước. Mùa thứ ba, Barcelona về nhì và vào bán kết Champions League. Tính tổng cộng, từ 1997 tới 2000, Van Gaal giành 3 danh hiệu lớn, bằng 1/4 số danh hiệu mà Barca giành được trong 25 năm tính tới năm 2000.

Dẫu vậy, khoảng thời gian của ông ở Barcelona không chỉ được nhớ tới bằng những con số đó. Với một số người, giai đoạn Van Gaal dẫn dắt Barca thậm chí hoàn toàn trôi vào quên lãng. “Mọi người có thể không đánh giá cao những gì tôi đã làm được ở Barcelona, nhưng cá nhân tôi biết mình làm được gì”, ông nói.

Cả Xavi và Iniesta đều lên tiếng bảo vệ Van Gaal. “Ông ấy luôn đối xử tốt với tôi. Dù đội bóng chơi hay hay dở, ông ấy cũng luôn là người chịu trách nhiệm, thẳng thắn và trung thực”, Iniesta nói. “Mọi người thấy ông ấy kiêu ngạo và dữ tợn, nhưng thật ra không phải”, Xavi nói. Nhưng với nhiều cầu thủ khác, Van Gaal quả là một kẻ khó chịu.

Ngôi sao lớn không thích Van Gaal

Những ngôi sao lớn đặc biệt không ưa ông. Hristo Stoichkov công khai bày tỏ điều đó và Rivaldo đã lên báo chửi bới Van Gaal. “Anh ta chẳng nghĩ gì cho đội bóng, chỉ nghĩ cho bản thân”, Van Gaal nói về Rivaldo. “Trong 2 năm đầu, anh ta không phải là vấn đề lớn. Tôi đã đầu tư nhiều thời gian cho anh ta, nhưng anh ta nghĩ anh ta lớn hơn HLV. Anh ta giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới (1999) khi chơi cánh trái, nơi anh ta đóng góp tốt nhất cho đội bóng, nhưng anh ta không muốn đá ở đó, mà muốn là số 10”.

“Tôi thích những cầu thủ tài năng, nhưng đội bóng phải là số 1. (Lionel) Messi là một ngôi sao, nhưng không hành xử như thế. (Luis) Figo là một ngôi sao, nhưng cũng không hành xử như thế. Rivaldo thì có. Tôi biết là Stoichkov và Rivaldo không hài lòng, nhưng tôi biết các cầu thủ thích tôi, cả với vai trò HLV lẫn với tư cách một con người”, Van Gaal tiếp tục.

Vậy mà lúc mới tới, Van Gaal từng được kỳ vọng sẽ là một Cruyff mới: Cũng người Hà Lan, cũng thích bóng đá tấn công, sơ đồ 4-3-3, đã vô địch Champions League cùng Ajax, và đào tạo nên không biết bao nhiêu cầu thủ trẻ tài năng.

Bất chấp những thành công ban đầu, nhiều CĐV Barca bắt đầu đặt câu hỏi, đầu tiên là về chất lượng bóng đá và lối chơi, rồi sau đó là những khoản tiền quá lớn chi ra để tăng cường đội hình, Rivaldo 4 tỉ peseta (tương đương 24 triệu euro ngày nay), Sonny Anderson 21 triệu euro, Michael Reiziger 4,8 triệu euro, Christophe Dugarry 4,5 triệu, Winston Bogarde 4,2 triệu; còn có cả những người cho rằng Barca đã đánh mất bản sắc vì sử dụng quá nhiều ngoại binh.

Tranh cãi vấn đề Hà Lan hóa

Mùa 1998-99, mùa kỷ niệm 100 năm CLB thành lập, những hạt nhân Catalunya và hạt nhân Cruyff không còn mấy người. Trong mùa cuối cùng của Van Gaal, Figo là chữ ký duy nhất dưới thời Cruyff còn sót lại. Barcelona đã mua về 16 ngoại binh. Khi Dani Garcia Lara tới năm 1999, anh là người Tây Ban Nha đầu tiên trong 23 chữ ký của Van Gaal kể từ khi ông tới Camp Nou.

Dani gia nhập một đội bóng với 8 cầu thủ Hà Lan. Năm 1999, không còn cầu thủ nào trong đội hình Ajax của Van Gaal vô địch Champions League 1995 ở lại Hà Lan và 6 trong số đó đang ở Barcelona: 5 người Hà Lan, Reiziger, Bogarde, Frank và Ronald De Boer, Patrick Kluivert; và một người Phần Lan, Finn Jari Litmanen. Khi anh em De Boer tới, Kluivert thừa nhận: “Quá nhiều cầu thủ Hà Lan tạo ra rủi ro lớn. Khi chơi tệ, chúng tôi lập tức bị quy kết là bè cánh với HLV”.

Cũng trong thời gian đó, Guillermo Amor, Albert Ferrer, Ivan de la Pena, Oscar Garcia, Roger Garcia, Albert Celades và Carlos Busquets lần lượt rời Barcelona. Cruyff rất giận dữ: “Việc giữ lại những người bản địa khó vậy sao?” Van Gaal đáp trả: “Họ gọi nhóm đó là “bộ 5 Cruyff”, nhưng họ làm sao so được với những sản phẩm của tôi, Xavi, Puyol, Motta, Fernando, Iniesta, Valdes, Reina?”

Những chỉ trích không chỉ là từ bên trong CLB. Khi tiếp đón Barca, các CĐV Valencia đã giăng lên một biểu ngữ lớn: “Chào mừng tới Mestalla, Ajax”. Một biểu ngữ khác, ở chính Camp Nou, viết: “Mas catalanes, menos tulipanes” (Thêm người Catalunya, bớt hoa tulip). Một cuộc thăm dò dư luận cho thấy 63% các CĐV nghĩ đội bóng đã mất đi bản sắc.

Ngay cả các chính trị gia cũng thấy cần phải lên tiếng. Jordi Pujol, Chủ tịch viện dân biểu Catalunya, và Thủ tướng Tây Ban Nha lúc bấy giờ, Jose Maria Aznar (một CĐV Real Madrid), đều bày tỏ lo ngại về việc thiếu các cầu thủ bản địa trong đội hình một đội bóng lớn như Barcelona. Van Gaal đáp lại: “Họ biết gì về bóng đá? Tôi có bao giờ nói chuyện chính trị đâu?”.

Nhưng Van Gaal không thể cứ mãi làm theo ý ông. Áp lực lớn dần lên Chủ tịch Barca khi đó là Josep Lluis Nunez. Nunez đã vài lần tới gặp Van Gaal nói rằng ngay cả ông giờ cũng khó có thể che chở cho HLV người Hà Lan nữa. “Đó không phải là cuộc chiến của tôi”, Van Gaal sau này nói. “Đó là giữa Nunez và (Joseph) Bartomeu (thủ lĩnh nhóm đối lập ở Barca lúc đó và sau này là Chủ tịch CLB), tôi chỉ là nạn nhân. Tôi không bao giờ thay đổi”.

Rồi chính Nunez cũng không trụ nổi. Ông từ chức và tổ chức bầu cử sớm vào tháng 7/2000. Van Gaal cũng phải ra đi khi người bảo trợ của mình thất cử. Ông được gọi trở lại 3 năm sau đó dưới thời chủ tịch kế nhiệm Nunez, Joan Gaspart, nhưng những cảm xúc đã lụi tàn và nhiệm kỳ thứ 2 là một thảm họa chỉ kéo dài 6 tháng, kết thúc trong nước mắt và thất vọng.

Nhưng ngay cả như thế, những gì Van Gaal làm được cho Barca sẽ được lịch sử đánh giá công bằng.

Trần Trọng (theo ESPN)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm