(TT&VH) - Việc Barca giành hết chiến thắng này đến chiến thắng nọ (trận thắng Basel là trận thắng thứ 8 liên tiếp), và chiến thắng nào cũng rất ấn tượng, với một đội hình gồm phần lớn là những cầu thủ xuất thân từ lò La Masia đang khiến cả châu Âu phải ghen tị.
Báo chí Catalunya tất nhiên là không bỏ lỡ cơ hội này để tung hô chất lượng của lò La Masia lên tận mây xanh, trong khi trên các diễn đàn, những tranh cãi về chất lượng của các lò đào tạo hàng đầu trên thế giới nổ ra liên tu bất tận. Nói gì thì nói, việc Barca thăng hoa cả ở Liga lẫn Champions League bằng một đội hình "cây nhà lá vườn" trong thời kỳ cả châu Âu bị cuốn vào cơn bão tiền bạc và chỉ muốn đổ tiền gặt hái thành công theo kiểu ăn xổi như hiện nay là một sự thật rất đáng trân trọng.
Tuy nhiên, còn có một sự thật khác cũng rất cần được tôn trọng, là không phải tất cả những cầu thủ đang được dán mác La Masia đều là sản phẩm chính hiệu của lò này, nghĩa là họ không phải đều đến đây từ khi còn là những cậu bé, trải qua một hệ thống dài dằng dặc các đội trẻ, trước khi trưởng thành và được "xuất xưởng". Thực tế, cả 3 cầu thủ trẻ được Pep Guardiola điền tên vào đội A từ đầu mùa này và đang tạo được những ấn tượng rất tốt, thậm chí còn được coi là những lá cờ đầu trong cuộc cách mạng "home-grown" mà Pep đã và đang thực hiện, gồm Sergio Busquets, Pedro và Sergio Sanchez, đều không hề biết đến La Masia và La Masia cũng không hề biết đến họ, cho tới khi họ đã bước qua tuổi 17.
Barca đang khiến cả châu Âu phải ghen tị
Sergio Busquets, dù là con trai của thủ môn nổi tiếng Carles Busquets, người trưởng thành và thi đấu cho Barca trong suốt cả thập kỷ 90 của thế kỷ trước, đã không chọn La Masia (hay không được La Masia chọn?) làm nơi bắt đầu sự nghiệp. Đội bóng đầu tiên của Busquets là Barbera. Sau Barbera, cầu thủ có bàn thắng "chuyên nghiệp" đầu tiên trong trận gặp Basel còn chuyển sang khoác áo CLB tí hon Jabac rồi mới tìm đến La Masia, gia nhập đội Juvenil A. Đó là năm 2005. Khi ấy, Busquets đã 17 tuổi, nên không thể nói rằng La Masia đã cho anh những kỹ năng chơi bóng như hiện nay. Nói đúng nhất, các HLV của La Masia, bên cạnh việc cố gắng định hướng cho Busquets một tư duy chơi bóng theo "kiểu Barca", chỉ là những người đã giúp anh hoàn thiện các kỹ năng ấy.
Với Victor Sanchez, chuyện cũng không khác là bao. Khi tiền vệ đa năng này được các tuyển trạch viên mang về Barca B từ Europa, cũng là một đội bóng của xứ Catalunya, anh ta đã bước qua tuổi 18. Riêng trường hợp của Pedrito "Pedro" là ly kỳ hơn cả. Cầu thủ sinh tại Tenerife này khởi nghiệp ở CLB nhỏ San Isidro thuộc quần đảo Canary (đồng hương với David Silva) và được xem là tài năng lớn nhất trong lịch sử đội bóng này. Tuy nhiên, đến năm 2004 thì San Isidro khủng hoảng tài chính trầm trọng và cần gấp 400.000 euro để thoát cảnh bị xóa sổ, nên họ không còn cách nào khác là bán đi viên ngọc sáng nhất cho Barca. Với khả năng của mình, Pedro chỉ mất có 3 năm để "tốt nghiệp" Juvenil A, Barca C và Barca B để hôm nay, đã là 1 trong 24 thành viên của đội A Barca.
So với Iniesta, Messi, Xavi, Puyol hay Krkic, những người gắn bó với đội bóng từ khi mới 12, 13 tuổi (Krkic là 10), "chất La Masia" trong bộ ba nói trên rõ ràng là không được đậm đặc bằng. Và nó giải thích vì sao Busquets nhất quyết không chịu ký hợp đồng mới thay cho hợp đồng trẻ sẽ hết hạn vào ngày 20/6 năm sau dù GĐTT Txiki Begiristain đã ba lần bảy lượt đề nghị. Cầu thủ cao 1m90 này cho rằng, mức lương 385.000 euro/năm (gấp 10 lần hiện tại) là không tương xứng với tài năng của cậu ta và quá bèo bọt so với những gì mà các ông lớn khác của châu Âu đang mời chào (!?). Chắc chắn, nếu Busquets là một "La Masian" đúng nghĩa, thì chuyện đã không phức tạp đến vậy...
Keirrison tiến sát Nou Camp
Trong khi Guardiola quyết tâm sử dụng những cầu thủ đã và đang chơi bóng ở La Masia, Begiristain vẫn không ngừng sục sạo thị trường Nam Mỹ để tìm kiếm những tài năng mới. Cầu thủ mới nhất lọt vào mắt xanh của ông GĐTT này là tiền đạo trẻ người Brazil Keirrison. Keirrison, 19 tuổi, hiện đang khoác áo Coritiba chơi ở giải VĐQG Brazil, là chủ nhân của 36 bàn thắng trên tất cả các mặt trận từ đầu năm 2008. Sở dĩ Barca rất tự tin sẽ sớm có được cầu thủ này là vì họ có quan hệ rất tốt với "Traffic", công ty sắp sở hữu hoàn toàn Keirrison, sau vụ mua trung vệ Henrique (đã được cho Leverkusen mượn). Nếu mua được Keirrison, Barca sẽ ngay lập tức cho Palmeiras mượn cầu thủ này để anh tích lũy kinh nghiệm.
|
Việt Cường