(TT&VH)- Ngày Pep cầm quân ở Barca 4 năm trước, ông từng nói “Hãy thắt chặt dây an toàn, vì chúng ta sắp bước vào một hành trình vĩ đại”. Hôm nay, CLB sẽ bước vào chặng đường mới, khởi đầu cùng Tito mà mục tiêu là tái hiện một vương triều Barca. Trước những khó khăn chung và riêng, Tito sẽ phải tìm ra đâu là “dây an toàn” cho đội bóng từ lúc này.
Cách mà Tito tiếp nhận Barca bây giờ không giống thời kì Pep nắm đội cách đây 4 năm. Về hoàn cảnh kinh tế vĩ mô, dù cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đang diễn ra, nhưng các chính sách về tài chính và tiền tệ chưa được chính phủ Tây Ban Nha (TBN) áp dụng như cuộc khủng hoảng Eurozone hiện tại. Đơn cử trường hợp của Martinez. Thủ tướng Mariano Rajoy vừa công bố quyết định tăng mức V.A.T từ 18 lên 21%. Vậy, để mua đứt Martinez, Barca sẽ phải trả khoản thuế là 8,4 triệu euro (thêm 40 triệu phí giải phóng hợp đồng). Martinez mới đây đã tuyên bố muốn ở lại Bilbao, nhưng đây là ví dụ cho thấy mua ai lúc này cũng phải tốn thêm tiền nộp thuế.
Việc thuế thu nhập cá nhân tăng thêm cũng là khó khăn cho những người ở lại muốn gia hạn hợp đồng hoặc CLB muốn mua người mới vì nó liên quan tới thỏa thuận lương bổng. Khủng hoảng kinh tế ở Eurozone đồng nghĩa với việc khan hiếm luồng tiền mặt. Từ góc độ chuyển nhượng trong bóng đá, khi bán cầu thủ, các CLB sẽ khó chấp nhận chuyện được trả dần hay “các” thêm người thay cho phí tổn. Việc vay tiền từ các ngân hàng hiện nay cũng là chuyện bất khả. Mà chúng ta đã biết nếu không bán ai, Barca theo dự trù chỉ còn 26 triệu euro để tăng cường nhân sự (chưa thấy BLĐ đề cập gì về việc chi tiêu khoản tiền thưởng 40,55 triệu euro ở Champions League mùa trước).
Barca cần bổ sung lực lượng ể xây dựng đế chế mới- Ảnh Getty
Tất nhiên thì CLB nào cũng phải chịu mức đánh thuế tăng lên (ở TBN tính thuế theo từng vùng) nhưng Barca đã thay HLV và đang cần bổ sung lực lượng để xây dựng đế chế mới. Đấy là chưa kể mức thuế theo vùng Catalunya mà các cầu thủ Barca đang chịu đã cao, nay còn cao hơn (hiện lên tới 56%).
Tìm “dây an toàn”
Những trở ngại ở tầm vĩ mô thì Tito chẳng thể can thiệp được gì, vấn đề là tìm cách ứng phó để đạt được các mục tiêu.
Lựa chọn hàng đầu của Tito vẫn là Martnez, giờ thì bất thành. Các phương án thay thế khả dĩ cũng chưa thấy nêu ra và xúc tiến một cách khẩn trương. Bây giờ, Tito không phải thực hiện việc tái thiết Barca như thời Pep cách đây 4 năm, nhưng ông lại gặp khó trong việc ổn định sớm đội ngũ, đặc biệt ở vị trí trung vệ.
Về mục tiêu, việc Barca của Pep đoạt 6 danh hiệu ngay mùa đầu tiên có thể xem là bất ngờ. Khi đấy, sức ép thành công và áp lực chứng tỏ bản thân so với người tiền nhiệm với Pep có thể cũng không lớn như Tito bây giờ. Với Barca hiện nay, liệu có lặp lại được chiến tích ấy, hay họ sẽ “từ bỏ” mặt trận nào?
Vậy thì đâu là dây đai an toàn cho Tito và Barca. Dù CLB vẫn rất mạnh với đội hình tinh nhuệ, có lẽ Tito vẫn sẽ tiến hành những thay đổi nằm tạo ra đột biến cao hơn trong lối chơi. Chẳng hạn những đường bóng dài, những pha phản công sẽ xuất hiện nhiều hơn. Việc sử dụng linh hoạt các sơ đồ chiến thuật khác nhau theo từng trận, thậm chí theo từng thời điểm trong trận cũng là cách mà Tito có thể hướng tới. Có lẽ Pep đã “dọn sẵn” một con đường cho người kế vị từ mùa trước, và cái giá phải trả là Barca đã mất Liga do những thử nghiệm. Đây là lúc đòi lại?
Linh hoạt trong vận hành có thể là mấu chốt giúp Barca khó bị khống chế hơn dù nếu không chiêu nạp được một gương mặt đáng tin ở trung lộ, chinh phục cả Champions League và Liga là điều cực kỳ khó khăn.
Khác với 4 năm trước, La Masia (tên cũ) bây giờ lại nổi tiếng hơn, yếu tố cho phép Tito mạnh dạn khai thác các tài năng và những tên tuổi trẻ cũng tự tin vì những tấm gương đi trước như Busquets, Pedro hay Thiago vẫn chơi bóng trước mặt họ hàng tuần.
Dù thế nào, đội quân của Tito vẫn còn nhiều người rất trẻ trung. Trong đó, ông vẫn còn một tượng đài vĩ đại Lionel Messi để dựa vào nhằm khôi phục sự toàn trị.