13/09/2023 14:09 GMT+7 | Tin tức 24h
Sáng 13/9, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam và Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số, với sự tham dự của gần 200 đại biểu.
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã, đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của ngành Báo chí. Đặc biệt, trong kỷ nguyên số, vấn đề bản quyền tác phẩm báo chí đối diện với nhiều thách thức mới. Vi phạm bản quyền nội dung số diễn ra phổ biến với tốc độ cao, tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, phạm vi ngày càng rộng. Điều này ảnh hưởng đến doanh thu, uy tín, thương hiệu của các cơ quan báo chí, cũng như công cuộc chuyển đổi số báo chí. Bảo vệ bản quyền đang là vấn đề cấp bách đối với các cơ quan báo chí, đòi hỏi các giải pháp phải được thực hiện tổng thể, đồng bộ để đạt hiệu quả cao nhất.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng nhấn mạnh: Bảo vệ được quyền tác giả sẽ thúc đẩy sự sáng tạo, tạo động lực cho nhà báo, cơ quan báo chí đầu tư vào dự án phát triển nội dung, dự án đổi mới sáng tạo báo chí. Bảo vệ bản quyền báo chí là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí, cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông hiện nay.
Tổng Biên tập báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền khẳng định, cách mạng 4.0 đã mang đến sự thay đổi lớn lao về công nghệ, thay đổi cả công nghệ làm báo và hành vi của độc giả. Trong bối cảnh đó, báo chí không có cách nào khác là phải chuyển đổi số để tồn tại, phát triển. Nhờ chuyển đổi số, nhiều cơ quan báo chí ngày càng chuyên nghiệp, nhân văn hiện đại hơn. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số báo chí cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề bản quyền trên môi trường số, đòi hỏi có giải pháp bảo vệ hiệu quả, đặc biệt là giải pháp công nghệ và hoàn thiện hành lang pháp lý.
Theo Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/4/2023 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược "Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", mục tiêu được đặt ra là toàn bộ các cơ quan báo chí đều đưa nội dung lên các nền tảng số.
Theo đó, đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.
Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền; rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật; phát triển các sản phẩm báo chí số; phát triển nền tảng số; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác, học tập kinh nghiệm của các quốc gia có nền báo chí số phát triển mạnh...
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng: Trong kỷ nguyên số, nội dung số nói chung, bản quyền tác phẩm báo chí phải đối diện với những thách thức mới, đòi hỏi môi trường pháp lý phải được định hình lại. Tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí ngày càng phổ biến, tinh vi, đặc biệt là trong môi trường số, với sự bùng nổ của mạng xã hội, trang tin tổng hợp... Không chỉ vi phạm bản quyền, những tin, bài bị "đánh cắp bản quyền" trong rất nhiều trường hợp bị cắt cúp, làm méo mó, sai lệch thông tin, gây ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị nắm bản quyền, của tác giả bài viết, gây hiệu ứng tiêu cực trong xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.
Vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí gây thất thu lớn về mặt kinh tế cho cơ quan báo chí. Thị phần quảng cáo và khai thác nội dung báo chí lẽ ra nằm tại các đơn vị nắm giữ bản quyền thì lại chảy về các trang web, trang điện tử, các tài khoản mạng xã hội, khiến nhiều cơ quan báo chí gặp khó khăn lớn về nguồn thu. Định hình lại mối quan hệ giữa báo chí và các nền tảng mạng xã hội về bảo vệ, khai thác phân phối bản quyền giữa báo chí và các nền tảng mạng xã hội.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về cơ sở pháp lý, khoa học, thực tiễn về vai trò của bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số; làm rõ thực trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí hiện nay, đặc biệt là thực trạng khai thác bản quyền số; đưa ra giải pháp hữu hiệu để bảo vệ bản quyền báo chí, đặc biệt trong môi trường số; nâng cao năng lực bảo vệ, khai thác bản quyền tác phẩm báo chí trong thời đại 4.0 cho các tòa soạn và nhà báo. Đồng thời, các đại biểu tập trung góp ý vào quá trình sửa đổi Luật báo chí, định hình mối quan hệ giữa nền các nền tảng số đa quốc gia và báo chí trong bảo vệ, phân phối bản quyền nội dung số báo chí...
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất