Xây Bảo tàng lịch sử Quốc gia: “Chỉ sợ hiện đại quá sẽ hóa xa vời”

18/09/2012 07:22 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - Về Dự án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện (nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho rằng: “Bảo tàng được đầu tư những hơn 11 nghìn tỷ đồng để xây dựng thì hẳn sẽ rất quy mô và hiện đại. Nhưng chỉ e là hiện đại quá sẽ hóa xa vời”.

Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện (nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam)

Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện cho biết: “Xây dựng bảo tàng là rất tốt bởi nó mang giá trị và ý nghĩa văn hóa rất to lớn. Bảo tàng quốc gia là nơi gìn giữ những hiện vật lịch sử quý giá của đất nước, để qua đó mọi người dân đều có thể hiểu được truyền thống lịch sử của dân tộc mình hơn. Tuy nhiên, vấn đề là khi triển khai dự án thì cần phải tính toán sao cho hợp lý, nên xây dựng vào lúc nào và như thế nào sao cho phù hợp”.

KTS Nguyễn Trực Luyện bày tỏ quan điểm: “Ai cũng biết rằng giữa thời điểm nền kinh tế đang gặp khó khăn như hiện nay, việc huy động một nguồn vốn lớn như thế là rất không phù hợp. Xây bảo tàng là cần thiết nhưng cái cần thiết hơn nữa là phải tính đến chiến lược phát triển lâu dài của kinh tế đất nước. Có lẽ không ai đi tham quan bảo tàng khi đời sống đang khó khăn phải chạy ăn từng bữa cả, đó là thực tế mà chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận”.

Về góc độ quy mô và kiến trúc của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sắp được xây dựng, KTS Nguyễn Trực Luyện cho rằng: “Nếu triển khai thì đây sẽ là công trình bảo tàng lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta. Bảo tàng được đầu tư những hơn 11 nghìn tỷ đồng để xây dựng thì hẳn sẽ rất quy mô và hiện đại rồi. Nhưng chỉ sợ hiện đại quá sẽ hóa xa vời”.

“Xa vời ở đây là với cả phía người dân lẫn tính khả thi của dự án. Thay vì cảm thấy gần gũi thân thiện, người dân lại sẽ cảm thấy bảo tàng lại như một cái gì đó lớn lao quá, hoành tráng quá, khó tiếp cận. Thực tế cho thấy để hoàn thiện xong một dự án với công trình to lớn như thế cũng không phải nói là làm xong ngay được, nó còn kéo theo nhiều bất cập khác nữa”, KTS Nguyễn Trực Luyện cho biết.

Ngoài ra, KTS Nguyễn Trực Luyện cũng bày tỏ sự lo ngại về vấn đề chất lượng của công trình sau khi hoàn thành. “Đã tốn kém hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư cho dự án xây dựng bảo tàng thì phải triển khai thực hiện sao cho tốt, tốn kém chỉ một lần thôi nhưng công trình sẽ phải dùng ngay được, phải bền vững. Không thể vừa hoàn thành và nghiệm thu xong lại tiếp đến là “giai đoạn” tu bổ, sửa chữa, khắc phục sự cố… như trường hợp của Bảo tàng Hà Nội vừa qua được. Làm như thế không hiệu quả và thiếu tính khoa học, lại còn tốn kém thêm”, KTS Nguyễn Trực Luyện nhấn mạnh.



Mô hình dự án Bảo tàng Quốc gia.

Trong khi đó, Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng cho rằng: Việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia thời điểm này có lẽ sẽ vấp phải những phản ứng từ dư luận, và thực tế là không có công trình văn hóa nào mà không tốn tiền, và không có công trình văn hóa nào trực tiếp làm ra tiền cả… Ở tất cả các nước có hệ thống bảo tàng tiên tiến khác, phải có một dây chuyền bảo tàng chuyên nghiệp rồi người ta mới tiến hành làm cái vỏ, có nghĩa là có con người, có hiện vật, có công nghệ vận hành rồi mới xây nhà bảo tàng. Còn chúng ta đang làm ngược lại. Cứ xây cái đã, trong ruột có gì tính sau.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia: “Đây là chủ trương lớn, dự án lớn đã có từ lâu và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nay triển khai thì chúng tôi có nghĩa vụ phải chấp hành và thực hiện”.

Lưu Thủy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm