Câu chuyện xúc động về “những kỷ vật kháng chiến”

12/02/2009 15:24 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sau 7 tháng phát động, đã có hơn 1.000 hiện vật được sưu tầm, hiến tặng cho cuộc Vận động sưu tầm và giới thiệu Những kỷ vật kháng chiến. Vào 20h ngày 14/2/2009, Đài truyền hình VN (VTV1) sẽ phát sóng trực tiếp chương trình Những kỷ vật kháng chiến từ Nhà hát Lớn (Hà Nội) với sự tham gia của rất nhiều nhân chứng.

Làm công việc của 10 năm

Huân chương Sao Vàng của
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Là dự án kéo dài trong 3 năm, mục đích của cuộc vận động là sưu tập được từ 15.000-20.000 hiện vật. Theo Thiếu tướng Lê Mã Lương, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự VN - đơn vị có nhiệm vụ hướng dẫn sưu tầm, lập hồ sơ khoa học, tiếp nhận và bảo quản hiện vật - thì đây là số hiện vật mà nếu để Bảo tàng LSQSVN tự sưu tầm thì phải mất khoảng 10 năm, tốn nhiều công sức, tiền của.

3 năm làm công việc của 10 năm nhưng lại là dự án khả thi bởi ý tưởng của BTC Cuộc vận động đã gặp được sự đồng cảm trong công chúng. Chỉ trong 7 tháng đã có hàng ngàn hiện vật được sưu tầm, hiến tặng, trong đó có nhiều hiện vật quý, độc bản liên quan đến các tướng lĩnh, các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.

Đơn cử như những kỷ vật về Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (khẩu súng các-bin; chiếc mũ tai bèo, địa bàn, sổ tay ghi chép nhật ký ); Những kỷ vật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong đó có tấm Huân chương Sao Vàng cao quý; Chiếc ống nhòm và giá cờ kim loại của thiếu tướng tình báo Trần Văn Danh; xe đạp và đồng hồ làm ám hiệu của Đại tá tình báo Lê Văn Trọng; đồng hồ, dao găm, túi đựng mìn của đặc công nước của nguyên Chính ủy Quân chủng Hải quân, Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình - Anh hùng đặc công nước, người đã trực tiếp cùng đồng đội đánh tàu chiến Mỹ nhiều trận tại cửa Việt - Quảng Trị năm xưa; băng nhạc đã nghe tại chiến trường miền Nam; chiếc cặp từng bí mật chuyển hàng chục triệu đô la cho chiến trường miền Nam qua con đường ngoại giao thuộc sở hữu của ngành Ngân hàng.v.v.

Cuốn sổ của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

Là những kỷ vật của một thời bom đạn nên đằng sau mỗi kỷ vật là những số phận trong những câu chuyện xúc động. Liên quan đến những kỷ vật trao tặng cho cuộc vận động, nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu đã tâm sự với những người làm Bảo tàng: “Với cương vị Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy Trung đoàn 9, trực tiếp chiến đấu và chỉ huy chiến đấu tại Trị Thiên Huế, tôi đã ghi những suy nghĩ của mình về tình hình về diễn biến tại đây trong cuốn sổ ghi chép của mình. Cuốn sổ nhỏ, tôi ghi trong đó bằng bút mực xanh, chữ nhỏ li ti, đủ cho tôi đọc được. Không chỉ ghi chép tình hình chiến sự mà còn làm thơ nữa”.
 
Hiện vật của đồng chí Lê Khả Phiêu

Rồi ông kể: “Những năm tháng chiến đấu gian khổ tại Trị Thiên Huế, tôi có rất nhiều kỷ niệm, nhưng nhớ nhất vẫn là câu chuyện về 2 chiếc bánh sắn của Thiếu tướng Hoàng Sâm. Đó là một ngày của năm 1968, đồng chí Hoàng Sâm chuẩn bị ra Bắc và tôi lên để báo cáo tình hình. Trước khi tôi ra về, đồng chí Sâm nắm chặt tay tôi, đưa cho tôi hai chiếc bánh sắn làm quà. Chiếc bánh làm từ bột sắn, hấp lên trong vắt nhưng nhạt thếch vì không có muối, vậy mà đối với tôi quý giá vô cùng. Bấy giờ, khẩu phần ăn của bộ đội chỉ có rau rừng và củ mài, muối ăn đốt từ cỏ tranh, thậm chí chúng tôi đã phải ăn đến cả ngọn cây xương rồng, sắn với chúng tôi quý hơn sơn hào hải vị. Tôi không ngờ, đó là lần cuối cùng tôi được gặp người chỉ huy dũng cảm và tài năng đó…”.

Những kỷ vật giàu ý nghĩa

Thiếu tướng Trần Văn Danh thì kể về chiếc ống nhòm đã theo ông vào sinh ra tử suốt từ năm 1967 cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ông cho biết: “Trong trận trực tiếp chỉ huy đặc công, trinh sát miền Nam đánh chiếm căn cứ truyền tin của địch ở núi Bà Đen, thuộc tỉnh Tây Ninh tháng 1 năm 1975, chiếc ống nhòm đã giúp tôi quan sát tình hình địch, các mũi tiến công của ta, chỉ huy các đơn vị hiệp đồng chiến đấu. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi tham gia chỉ huy 1 lữ đoàn, 7 trung đoàn, tiểu đoàn đặc công và 3 tiểu đoàn, 11 đại đội biệt động tham gia chiến dịch. Lúc đầu nhiệm vụ của các đơn vị đặc biệt này đánh vào các mục tiêu trọng yếu của Đại sứ quán Mỹ, đài phát thanh, đài truyền hình, Dinh Độc lập nhưng sau đó với sự phát triển thần tốc của chiến dịch, Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh quyết định thay đổi nhiệm vụ của lực lượng đặc biệt này khi giao cho nhiệm vụ phải đánh chiếm các cây cầu, chiếm giữ và bảo vệ bằng được không cho địch đánh phá, chiếm trở lại…. Còn cái giá treo cờ tôi thu được từ bộ phận ở chỉ huy của địch ở núi Bà Đen. Sau khi trút lá cờ ba que của địch, tôi thay bằng lá cờ Tổ quốc, báo hiệu cuộc chiến đấu của chúng tôi kết thúc thắng lợi trên đỉnh núi Bà Đen”.
 
Chiếc đài của Đại tướng Văn Tiến Dũng

Chiến tranh vốn khốc liệt và hiện thực bi hùng của cuộc chiến giữ nước là cái nền cho sự xuất hiện của hàng loạt những tấm gương anh dũng. Tại buổi truyền hình trực tiếp tối ngày 14/2 tới, khán giả sẽ được biết thêm những điều bất ngờ về cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm; nghe Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nói về sự hy sinh thầm lặng của Đoàn B68, tiết lộ những bí mật về chế biến ngoại tệ, đô-la phục vụ kháng chiến chống Mỹ và chiếc cặp đã vận chuyển hang triệu đô la cho kháng chiến qua con đường ngoại giao.

Khán giả cũng sẽ gặp ông Phạm Chí Thiện quê Hải Dương, người đã sưu tầm hơn 2.000 kỷ vật chiến tranh trong bảo tàng chiến tranh cá nhân của mình, trong đó có những kỷ vật của nhiều anh hùng, tướng lĩnh tên tuổi như: chiếc bút máy hiệu Pilot của ông cố vấn, thiếu tướng tính báo Vũ Ngọc Nhạ; la bàn của liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân.v.v.

“Hồi sinh” từ các kỷ vật

Bà Đặng Thị Yến, hiện là Phó BQL Khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc. Trong suốt 30 năm, bà đã đi tìm những kỷ vật của Đồng Lộc. Lặng lẽ gom nhặt từng lọn tóc, lược cài, những bức thư, tấm áo dính đạn của 10 cô gái và các đồng đội để lại trước lúc hy sinh. Cảm động nhất là lọn tóc thề của O Tần - Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần gửi người yêu trước khi ra trận hay chiếc áo đầy mảnh vá của nữ TNXP Hồ Thị Cúc mặc mỗi khi đi mở đường...

Không vô cớ khi ngày 14/2 được chọn để truyền hình trực tiếp chương trình Những kỷ vật kháng chiến. Rất nhiều chuyện tình cảm động trong chiến tranh đã lại “hồi sinh” thông qua các kỷ vật trao tặng cho Cuộc vận động này, trong đó có những nhân vật gửi từ mặt trận hàng trăm bức thư tình cho người thương ở quê nhà. “Đây là một chương trình có ý nghĩa lớn, giúp giới trẻ hiểu thêm về giá trị của chiến thắng và những hy sinh của thế hệ cha anh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ” - Thiếu tướng Lê Mã Lương khẳng định.
 
Nguyệt Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm