02/01/2019 13:42 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 10 giờ ngày 2/1, vị trí tâm bão ở vào khoảng 6,0 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh Nam Bộ khoảng 450km về phía Đông Nam, cách Côn Đảo khoảng 360km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 10 giờ ngày 3/1, vị trí tâm bão ở 6,7 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông, cách mũi Cà Mau khoảng 200km về phía Nam, cách Côn Đảo khoảng 270km về phía Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 5,0 độ Vĩ Bắc.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 04/01, vị trí tâm bão ở khoảng 8,4 độ Vĩ Bắc; 101,7 độ Kinh Đông, cách mũi Cà Mau khoảng 320km về phía Tây, cách đảo Thổ Chu (Kiên Giang) khoảng 230km về phía Tây Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 10 giờ ngày 5/1, vị trí tâm bão ở khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc; 98,5 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.
Từ hôm nay 2/1) đến hết ngày 3/1 ở vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh; vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (bao gồm cả huyện đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh; vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm huyện đảo Côn Đảo) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) tiếp tục có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Mưa lớn trên diện rộng ở Nam bộ và Trung bộ
Ngày và đêm hôm qua (01/01), ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to như: Tam Kỳ (Quảng Nam) 54mm, Qui Nhơn (Bình Định) 68mm, Tuy Hòa (Phú Yên) 89mm, Nha Trang (Khánh Hòa) 77mm...
Dự báo: Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao nên từ nay đến ngày 04/01 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm/24giờ, riêng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên có nơi trên 150mm/24giờ.
Từ ngày hôm nay (02/01) đến ngày 04/01, do ảnh hưởng của rìa phía Bắc hoàn lưu bão số 01 nên ở khu vực miền Đông Nam Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to (40-80mm/đợt); khu vực miền Tây Nam Bộ có mưa vừa, mưa to (70-150mm/đợt), riêng các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang có nơi mưa rất to (150-200mm/đợt).
Cảnh báo từ ngày hôm nay 2/1 đến ngày 4/1 ở Nam Bộ có khả năng cao xảy ra dông, lốc xoáy, gió giật mạnh.
Kiên Giang thực hiện cấm biển từ 12 giờ ngày 2/1
Kể từ 12 giờ ngày 2/1, tỉnh Kiên Giang không cho tàu thuyền ra hoạt động trên biển đến khi có tin cuối cùng về cơn bão số 1.
UBND tỉnh Kiên Giang giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, ngành chức năng hữu quan và các địa phương ven biển kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển nhanh chóng tìm nơi trú tránh an toàn, hướng dẫn cụ thể những địa điểm tránh trú bão số 1 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và bố trí sắp xếp neo đậu đảm bảo an toàn. Công tác này yêu cầu hoàn thành trước 16 giờ ngày 2/1.
UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu các huyện Phú Quốc, Kiên Hải, Kiên Lương và thành phố Hà Tiên tập trung lực lượng hỗ trợ ngư dân khẩn trương di dời các lồng bè nuôi thủy sản trên biển đến nơi an toàn, chằng chống và neo chắc chắn, tuyệt đối không để người dân ở lại các lồng bè, chòi canh thủy sản trên biển. Đồng thời, các huyện, thành phố khẩn trương triển khai các phương án chủ động ứng phó với bão nhằm hạn chế những thiệt hại có thể xảy ra do ảnh hưởng bão, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và khách du lịch.
Ninh Thuận yêu cầu chủ tàu thuyền tránh hướng di chuyển của bão
Do ảnh hưởng của bão số 1 (bão Pabuk) gần bờ, từ đêm 1/1 đến 2/1, tỉnh Ninh Thuận có mưa rất to và dông, lượng mưa từ 30-80mm/24 giờ. Riêng các huyện phía Bắc của tỉnh giáp với Khánh Hòa, lượng mưa đạt từ 80-130mm/24 giờ. Vùng biển tại Ninh Thuận có gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 3-4m, biển động rất mạnh.
UBND tỉnh yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và chính quyền địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; kiểm đếm tàu thuyền tại các cảng không cho vươn khơi trong thời điểm bão; đồng thời thông báo cho các chủ tàu thuyền đang hoạt động đánh bắt trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để tránh trú an toàn.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, các hồ chứa hiện đã tích trữ đầy nước hoặc không đảm bảo an toàn hạn chế việc xả lũ với lưu lượng lớn; trường hợp dự báo khả năng có mưa lớn phải xả lũ cần tính toán điều tiết xả với lưu lượng và thời gian phù hợp (chậm nhất 6 giờ trước khi xả), để tránh thiệt hại xảy ra.
Hiện trong số 21 hồ chứa do Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận quản lý, đến 7 giờ ngày 2/1, tổng lượng nước đã đạt 192,63/194,49 triệu m3 dung tích thiết kế. 8 hồ chứa đang phải mở cửa van từ 10-20 cm để xả lũ. các hồ chứa còn lại nước đã qua tràn tự do từ 10-30 cm.
Thảo Vy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất