03/10/2017 19:49 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Cộng đồng quốc tế đã rúng động trước vụ xả súng đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ hiện đại. Vụ xả súng này một lần nữa cho thấy tình trạng bạo lực súng đạn đang thực sự là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội Mỹ khi đã vượt ngoài tầm kiểm soát của các nhà chức trách.
Cộng đồng quốc tế kịch liệt lên án vụ xả súng tại Sòng bạc Mandalay
Vụ xả súng xảy ra đêm 1-10-2017 (theo giờ Mỹ), đầu giờ chiều 2-10 (giờ Việt Nam) ở Khách sạn và Sòng bạc Mandalay Bay tại thành phố Las Vegas, thuộc bang Nevada, Mỹ, khi có khoảng 40.000 người đang tham dự lễ hội âm nhạc đồng quê Route 91 Harvest. Thông tin từ phía cảnh sát cho biết nghi phạm là Stephen Paddock, 64 tuổi, đã tự sát trước khi cảnh sát xông vào phòng khách sạn ở tầng 32 nơi y tiến hành xả súng liên hoàn vào đám đông khán giả tham dự buổi hòa nhạc ở dưới.
Tính đến thời điểm hiện tại, vụ xả súng đã làm ít nhất 58 người thiệt mạng và 515 người bị thương. Tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng nhận là chủ mưu đứng đằng sau vụ xả súng đẫm máu ở Khách sạn và Sòng bạc Mandalay Bay, tuy nhiên không đưa ra được bằng chứng nào.
Phát biểu trên truyền hình về vụ xả súng, Tổng thống Trump lên án hành động nhẫn tâm sát hại hơn 50 người của thủ phạm là hành động "của ma quỷ". Tổng thống Mỹ cho biết sẽ tới Las Vegas vào ngày 4-10 để gặp lực lượng thực thi pháp luật, lực lượng phản ứng nhanh và gia đình các nạn nhân. Trước đó, Tổng thống Trump cũng đã gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các nạn nhân thông qua mạng xã hội Twitter.
Ngay sau khi xảy ra vụ xả súng kinh hoàng tại Las Vegas, cộng đồng quốc tế đã kịch liệt lên án và gửi lời chia buồn tới Mỹ. Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã ra tuyên bố lên án vụ thảm sát tại Las Vegas. Tuyên bố nhấn mạnh Canada sát cánh với nước Mỹ, cùng chia sẻ nỗi đau và sự kinh hoàng trước hành động bạo lực vô nghĩa và hèn nhát này. Những hành động như vậy chỉ càng làm tăng thêm quyết tâm để hai nước Canada và Mỹ sát cánh và đoàn kết với nhau. Theo thông tin mới nhất, ít nhất 2 công dân Canada đã thiệt mạng và 6 người bị thương trong vụ xả súng này.
Thủ tướng Anh Theresa May cũng đã chuyển lời chia buồn tới Tổng thống Mỹ Trump. Phát biểu trong cuộc phỏng vấn được tường thuật trên truyền hình, bà May cho biết "Đây là một vụ xả súng cá nhân ngẫu nhiên - một vụ tấn công hoàn toàn điên rồ và hèn nhát - khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương. Tôi đã đề nghị hỗ trợ tối đa phía Mỹ trong việc điều tra".
Tuyên bố của Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi lời chia buồn tới người đồng cấp Mỹ Donald Trump về vụ xả súng tại Las Vegas. Tuyên bố dẫn lời nhà lãnh đạo Nga trong bức điện gửi Tổng thống Mỹ có đoạn: "Tội ác giết hại hàng chục người dân yêu hòa bình này gây căm phẫn vì sự tàn bạo của nó".
Về nghi phạm Paddock
Theo truyền thông Mỹ, nghi phạm Paddock sống tại thành phố Mesquite, cách Las Vegas chỉ khoảng 90 phút đi xe. Y sống trong một khu cộng đồng hạng sang dành cho người nghỉ hưu cùng với bạn gái 62 tuổi Marilou Danley, người bị cảnh sát thông báo truy tìm trên truyền thông để thẩm vấn. Paddock từng làm kế toán viên cho tập đoàn vũ khí quân sự Lockheed Martin trong 3 năm vào những năm 1980. Paddock không có hồ sơ trong quân đội và nhà chức trách đang xác định tại sao hắn có thể tiếp cận với các vũ khí tự động.
Paddock sở hữu giấy phép săn bắn và nhiều súng ngắn hợp pháp, đồng thời sở hữu bằng lái máy bay tư nhân. Gia đình và người quen của nghi phạm cho biết Paddock là một người cởi mở, không có tiền sử bệnh tâm thần và không có mối liên hệ chính trị hay tôn giáo nào.
Cha của nghi phạm vụ xả súng tại Las Vegas là Benjamin Hoskins Paddock, đối tượng cướp nhiều ngân hàng và nằm trong danh sách truy nã của Cục Điều tra Liên bang (FBI) năm 1969 sau khi vượt ngục tại Texas khi đang thụ án 20 năm tù giam. FBI giữ tên này trong danh sách truy nã suốt 8 năm, song y đã bị phát hiện 1 năm sau khi được gỡ bỏ khỏi danh sách này năm 1978. FBI mô tả đối tượng này "được chuẩn đoán bị bệnh tâm thần" và khả năng "có khuynh hướng tự sát". Ngày 2-10, cảnh sát Mỹ cho biết đã phát hiện thuốc nổ và một kho đạn tại ngôi nhà thuộc sở hữu của đối tượng Stephen Paddock.
Bạo lực súng đạn - vấn đề nhức nhối ở Mỹ nhiều năm qua
Tình trạng bạo lực súng đạn đã trở thành một vấn nạn nhức nhối trong xã hội Mỹ nhiều năm nay, ước tính khiến 90 người Mỹ thiệt mạng mỗi ngày. Trong khi đó, thống kê mới đây của trang web gunviolencearchive.org cho thấy kể từ đầu năm đến nay có gần 250 vụ xả súng tại Mỹ, khiến hơn 10.000 người thiệt mạng và hơn 20.000 người bị thương. Trong số những người bị thương vong có 480 trẻ em dưới 12 tuổi.
Dân số Mỹ hiện có khoảng 315 triệu người nhưng có tới hơn 310 triệu khẩu súng đang được lưu hành trong xã hội mà chưa được kiểm soát. Hiện việc mua bán và sử dụng vũ khí tại nhiều bang ở Mỹ vẫn diễn ra mà không cần thông qua bất kể sự rà soát nào về lý lịch cũng như tiền sử tâm lý của người sở hữu súng.
Thời cựu Tổng thống Barack Obama, ông đã nhiều lần nỗ lực thúc đẩy thông qua dự luật kiểm soát súng đạn tại Mỹ, song đều bị thất bại trong bối cảnh đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế trong Quốc hội Mỹ.
Hiện có nhiều ý kiến đã lên tiếng kêu gọi giới lập pháp Mỹ phải có hành động cụ thể nhằm kiểm soát bạo lực súng đạn ở Mỹ. Ngày 2-10, hàng loạt nghị sĩ đảng Dân chủ, trong đó có thủ lĩnh phe thiểu số tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi, đã lên tiếng hối thúc chính quyền có hành động đối với nạn bạo lực súng đạn. Cùng ngày, kiểm soát súng đạn đã trở thành chủ đề "nóng" trên mạng xã hội Twitter.
Trong khi đó, phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ của Nhà Trắng, Thư ký báo chí Sarah Sanders cho biết cũng để ngỏ khả năng thảo luận về vấn đề kiểm soát súng đạn trong những ngày tới, đồng thời nhấn mạnh chính quyền Tổng thống Trump mong muốn xây dựng được các quy định có thể thực sự ngăn chặn các vụ bạo lực súng đạn. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích, đây không phải là vấn đề dễ dàng thực hiện do sự xung đột giữa các nhóm lợi ích.
Những vụ xả súng kinh hoàng nhất lịch sử nước Mỹ
1. Ngày 12-6-2016: Cảnh sát Orlando, bang Florida đã công bố danh tính tay súng gây ra vụ xả súng đẫm máu ở hộp đêm Pulse của người đồng tính nam ở trung tâm thành phố Orlando là Omar Saddiqui Mateen, 29 tuổi, sinh ra ở Mỹ và có cha mẹ là người Afghanistan. Cảnh sát cho biết anh ta nổ súng bên trong hộp đêm Pulse bằng loại súng trường tấn công tự động, có thể nhả một loạt đạn chỉ trong vòng vài giây. Sau khoảng 3 tiếng đồng hồ, cảnh sát thành phố đã hạ sát được Mateen. Vụ xả súng kinh hoàng này đã khiến 50 người thiệt mạng và 53 người khác bị thương.
2. Ngày 16-4-2007: Seung-Hui Cho, 23 tuổi, sinh viên chuyên ngành tiếng Anh, đã xả súng tại trường đại học bách khoa Virginia, thành phố Blacksburg, bang Virginia khiến 32 người thiệt mạng và 17 người khác bị thương. Cho đã tự sát sau khi thực hiện vụ xả súng.
3. Ngày 14-12-2012: Adam Lanza, 20 tuổi, đã lao vào trường tiểu học Sandy Hook tại bang Connecticut và thực hiện vụ xả súng cướp đi sinh mạng của 26 người, trong đó có 20 học sinh. Lanza sau đó đã tự sát. Trước khi thực hiện vụ xả súng, Lanza đã ra tay sát hại cả mẹ mình là bà Nancy Lanza.
4. Ngày 16-10-1991: Tay súng George Hennard, 35 tuổi, đã lái xe đâm vào nhà hàng Luby’s Cafeteria ở thành phố Killeen, bang Texas, sau đó đã bắn chết 23 người bằng một khẩu súng lục. Tên này sau đó được phát hiện đã tự sát trong nhà vệ sinh của nhà hàng.
5. Ngày 18-7-1984: James Oliver Huberty, 41 tuổi, một nhân viên an ninh thất nghiệp, đã nổ súng vào nhà hàng McDonald ở thành phố San Ysidro, bang California khiến 21 người thiệt mạng, trong đó có cả trẻ em. Tay súng này sau đó đã bị cảnh sát tiêu diệt.
6. Ngày 1-8-1966: Charles Whitman, một sinh viên 25 tuổi, đồng thời là cựu lính thủy đánh bộ Mỹ, đã trèo qua một tòa tháp và đột nhập vào Đại học Texas ở thành phố Austin, bang Texas, sau đó dùng súng lục bắn chết 14 người và làm bị thương 31 người. Hắn đã ra tay sát hại mẹ ruột và vợ trước khi thực hiện vụ xả súng tại Đại học Texas. Tên này đã bị cảnh sát tiêu diệt ngay sau đó.
7. Ngày 20-8-1986: Patrick Henry Sherrill, 44 tuổi, một nhân viên đưa thư, đã thực hiện vụ xả súng khiến 14 nhân viên bưu điện thiệt mạng và 6 người khác bị thương ở thành phố Edmund, bang Oklahoma trước khi tự kết liễu đời mình. Các nạn nhân đều là đồng nghiệp của Sherill và địa điểm xảy ra vụ xả súng cũng là nơi làm việc của tên này. Trước ngày xảy ra vụ việc, Sherrill phải đối mặt với nguy cơ bị sa thải do người giám sát đánh giá không tốt về kết quả làm việc của y.
8. Ngày 20-8-1999: Eric Harris và Dylan Klebold, 2 học sinh tại trường trung học Columbine ở thành phố Littleton, bang Colorado, đã dùng 4 khẩu súng và bom ống tấn công chính trường học của mình, khiến 13 người chết và 24 người bị thương. Cả 2 tên này sau đó đã tự sát.
9. Ngày 2-12-2015: Cặp đôi Syed Farook và Tashfeen Malik sống ở thành phố Redlands, bang California đã nổ súng tại một bữa tiệc ở Sở y tế San Bernardino, cướp đi sinh mạng của 14 người và khiến 22 người khác bị thương chỉ trong vài phút đồng hồ. Farook là người gốc Pakistan nhưng sinh ra tại Mỹ. Hắn làm việc tại Sở y tế này. Trong một chia sẻ trên mạng xã hội Facebook trước khi thực hiện vụ xả súng, vợ của hắn từng thề trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
10. Ngày 5-11-2009: Thiếu tá Nidal Malik Hasan, bác sĩ tâm thần thuộc Lực lượng lục quân Mỹ, đã bắn chết 13 người và khiến 30 người khác bị thương tại căn cứ Fort Hood gần thành phố Killeen, bang Texas. Hasan được cho là bị một giáo sĩ Hồi giáo tác động khiến hắn trở thành một phần tử cực đoan. Y đã bị kết án tử hình vào năm 2013.
11. Ngày 3-4-2009: Jiverly Wong, người Việt gốc Việt, đã nổ súng tại trung tâm di trú Hiệp hội công dân Mỹ ở Binghamton, New York khiến 13 người thiệt mạng và 4 người bị thương trước khi tự sát. Trước đó, Wong đã đăng ký lớp học tiếng Anh tại trung tâm này.
12. Ngày 16-9-2013: Aaron Alexis, 34 tuổi, cựu lính dự bị của lực lượng Hải quân Mỹ, đã xả súng tại trụ sở của Bộ chỉ huy các hệ thống hải quân của Mỹ ở Washington khiến 12 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương. Cảnh sát sau đó đã tiêu diệt tay súng này.
13. Ngày 20-7-2012: James Holmes, 24 tuổi, đã bắn chết 12 người và làm bị thương 58 người tại rạp chiếu phim ở thành phố Aurora, bang Colorado. Tên này sau đó phải chịu 12 hình phạt tù chung thân và không được giảm án.
14. Ngày 1-10-2015: Christopher Harper-Mercer, sinh viên 26 tuổi sinh ra tại Anh, đã xả súng tai một lớp học ở trường đại học Umpqua gần thành phố Roseburg, bang Oregon. Vụ xả súng đã khiến một trợ giảng và 8 sinh viên trong lớp thiệt mạng. Tên này đã tự sát sau khi đấu súng trực tiếp với cảnh sát khu vực.
15. Ngày 18-6-2015: Dylann Roof, 21 tuổi, đã nổ súng vào đám đông các tín đồ tới cầu nguyện tại nhà thờ Emanuel African Methodist Episcopal, một trong những nhà thờ của người Mỹ gốc Phi ở thành phố Charleston, bang Nam Carolina, khiến 9 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Dylann Roof bị cáo buộc 33 tội danh, trong đó có tội giết người và cố ý giết người.
Thanh Lâm (tổng hợp)/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất