'Bão học phí' và ước mơ du học

07/08/2016 06:35 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tuần qua, 2 trận bão liên hồi làm đời sống người dân xáo trộn. Và, còn một trận “bão” khác gây hoang mang của không ít người: “bão học phí”.

1. Cụ thể, theo thông tin mới công bố, trong giai đoạn 2016-2020, một số trường hệ đại học và giáo dục nghề nghiệp cùng chuyên ngành sẽ có mức thu học phí khác nhau, tiến tới năm học 2020-2021 có mức thu học phí bằng nhau.

Theo đó, 22 cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp công lập (nhấn mạnh chỉ tính riêng công lập) của Hà Nội, học phí sẽ tăng dần qua các năm để “đảm bảo phần chi thường xuyên”.

Cụ thể: có 6 trường có tỉ lệ tăng từ 100%-258%, 1 trường có tỉ lệ tăng 307%, 1 trường có tỉ lệ tăng 400%, 1 trường có tỉ lệ tăng lên tới 617%...

Lý giải cho điều này, một số chuyên gia giáo dục, giảng viên tỏ ý đồng thuận. Bởi, “Việt Nam đang dạy đại học với chi phí thấp nhất thế giới”. Bởi, “đại học không phải đơn vị phúc lợi xã hội” (nên không phải lưu tâm tới các hộ nghèo ?!). Và bởi, “đại học là một khoản đầu tư”…


Nếu tăng học phí, nhiều sinh viên sẽ khó khăn trong quá trình theo học

2. “Tị nạn giáo dục” là cụm từ khá phổ biến gần đây để nói về việc học sinh, sinh viên muốn sang nước ngoài tu nghiệp. Và, hiện tại, du  học là ước mơ của rất nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam. Ước mơ đó phổ quát tới mức, bên cạnh việc tuyên dương các học sinh đỗ đại học, một số trường cấp 3 còn tuyên dương riêng với các học sinh được đi du học (kể cả diện tự túc hay học bổng).

Và, những em học sinh có cơ hội đi du học (dù là ở Mỹ, châu Âu, Úc hay Thái Lan, Singapore) vẫn luôn là một cái kết đẹp trong bảng báo cáo thành tích của nhà trường. Suất du học cũng là “huy chương” cao quý để bái tổ báo công…

Dường như, tất cả chúng ta đều xem việc du học ở “chiếu trên” như một lẽ đương nhiên. Chúng ta coi công cuộc “phổ cập đại học” trong nước như một thành tích. Coi việc “xuất siêu hiền tài” (ở dạng “nguyên liệu thô”) như một niềm tự hào không thể chối cãi. Và, ước mơ du học là ước mơ đẹp, chính đáng của bất cứ học sinh nào.

3. Không biết các nhà giáo dục, các giảng viên đã phát ngôn quyết liệt về việc tăng học phí có chú tâm tới điều này không. Nhưng cá nhân người viết, việc học sinh chung mộng du học của người trẻ hiển hiện như một nỗi cay đắng, ngậm ngùi. Bởi, đó không phải đơn giản là khát vọng đi nước ngoài học chỉ để kiếm một đồng lương cao mà đó còn là đi du học để mở mang đầu óc, để được hưởng thụ giáo dục đúng nghĩa, nơi xứ người.

Qua rồi thời Đông Du sang Nhật hay sang Pháp, Liên Xô (cũ) học tập để giải phóng hay kiến thiết nước nhà trong điều kiện nền giáo dục còn chưa được kiện toàn. Bởi, giáo dục đã và đang được chú tâm như lĩnh vực hàng đầu của quốc gia. Nhưng, sau bao “trận đánh lớn” của các “tư lệnh ngành”, mọi chuyên vẫn lùng bùng trong mớ bong bong.

Giờ, ngành giáo dục lại chuyển hướng “tăng học phí” với mong muốn tăng chất lượng giáo dục. Một phương pháp giải quyết vấp phải đầy sự nghi hoặc và hoang mang.

Vẫn biết, tăng lương giảng viên là nguyện vọng có thể thông cảm của ngành giáo dục. Nhưng, mọi thứ cần lộ trình rõ ràng hơn (ngoài học phí còn là chất lượng giáo dục).

Đừng đánh đồng dịch vụ công (được hưởng những ưu đãi về địa điểm, về thương hiệu, được xây dựng lâu năm bằng “quốc khố” của nhân dân) với dịch vụ tư. Đừng chỉ vội chăm chăm tăng học phí (cho giống xứ người) mà không đề ra lộ trình thuyết phục để cải thiện chất lượng giáo dục (để tiệm cận “người ta”). Đừng than trách “dân mình sính ngoại” khi hàng trăm ngàn cử nhân, thạc sĩ cầm bằng trong nước rồi thất nghiệp.

Và hơn hết thảy, đừng đánh mất niềm tự tôn của nền giáo dục quốc gia khi “du học” đang là ước mơ của phần đông người trẻ.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm