27/12/2011 11:11 GMT+7
(TT&VH) - 1. Trước khi nghe tôi trình bày phương pháp chống cháy nổ xe cộ, mời quý vị cùng tôi điểm lại một vài vụ cháy xe máy, ô tô cứ như đốt đồ mã rằm tháng Bảy.
Liên tiếp trong 2 ngày 25 và 26/12 đã có thêm 2 vụ cháy xe máy nghiêm trọng tại Hà Nội và Hải Dương. Thế vẫn chưa phải là đỉnh điểm của sự tồi tệ, tiếp theo màn “hóa vàng” chiếc Mercedes tại Hà Nội, khoảng hơn 14h chiều 26/12, tại Bắc Giang lại một vụ cháy ô tô nữa xảy ra, khi chiếc xe Lacetti đang đi trên đường bỗng bốc cháy đùng đùng, kèm theo những tiếng nổ. Khi cảnh sát đến thì chiếc xế hộp chỉ còn là một đống sắt vụn.
Không chỉ ở các tỉnh miền Bắc, tại TP.HCM, các vụ cháy bất thần cũng thiêu rụi vài ba chiếc xe gắn máy ngay giữa thanh thiên bạch nhật chỉ trong mấy ngày.
Xe máy cháy rụi giữa trưa ở TP HCM - Ảnh Vnexpress
2. Kể từ vụ bỗng dưng cháy nổ xe máy đầu tiên tại Bắc Ninh hồi đầu tháng này, danh sách những chiếc xe bốc cháy ngày một dài ra. Phải cảm ơn các cơ quan chức năng đã vào cuộc rất quyết liệt để “hạ hỏa” sự cố này.
Có đơn vị quản lý chất lượng xe kê ra rất nhiều nguyên nhân: nào là cháy nổ do va chạm, đâm, đổ xe; cháy nổ do nhiên liệu bị rỏ rỉ, bị trào vào các bộ phận phát tia lửa điện do người sử dụng không thực hiện tốt việc bảo dưỡng, sửa chữa xe định kỳ; dùng xăng pha không đúng tiêu chuẩn làm hỏng ống cao su dẫn xăng; chế các thiết bị không đúng kỹ thuật… Đặc biệt đơn vị này có lẽ nghĩ rằng đường phố vẫn còn phơi lắm rơm rạ nên kê ra cả nguyên nhân cháy là do ống xả của xe tiếp xúc trực tiếp với vật liệu dễ cháy trên đường như túi ni lon, rơm rạ...
Nguyên nhân đưa ra thật là đa dạng, phong phú, toàn diện, không trật đi đâu được, giống như cháy thì tất phải do vật liệu cháy gây ra vậy.
Một đơn vị quản lý khác sau khi liệt kê ra 60 vụ cháy nổ xe cộ trong thời gian qua (tất nhiên trong đó không chỉ có các vụ bỗng dưng cháy xe giữa đường, mà bao gồm cả cháy xe do… cháy nhà). Với những vụ đã xác định được nguyên nhân, thì nguyên nhân chủ yếu là sự cố chập điện; hoặc đang để trong khu vực bị cháy nên bén lửa; một số do tai nạn giao thông… Để hạn chế thiệt hại do cháy nổ gây ra, đơn vị này đưa ra khuyến cáo là khi xe cháy phải nhanh chóng rời khỏi phương tiện đang cháy đến vị trí an toàn; dùng các phương tiện chữa cháy hiện có (bình bọt, cát, nước…) để dập lửa. Nói tóm lại giải pháp khắc phục vô cùng đơn giản, đúng trong mọi tình huống: chạy ra khỏi đám cháy và dập tắt lửa.
3. Sau khi nghe kỹ những phân tích về nguyên nhân kèm theo khuyến cáo về sự cố cháy nổ xe cộ, tôi bỗng nghĩ ra một phương pháp phòng chống hết sức đơn giản là, nếu chưa thể sản xuất xe bằng các nguyên liệu không thể cháy như két chống cháy thì mỗi người nên xịt sẵn chất chống cháy vào xe. Và để hạn chế tác hại khi cháy xe thì ngồi trong xe nên mặc sẵn bộ đồ của lính cứu hỏa.
Tất nhiên giải pháp này có vẻ chỉ phù hợp với người giàu. Còn người nghèo thì giải pháp tối ưu là sử dụng những chiếc xe không thể bị chập điện, rò rỉ nguyên liệu, hay ống bô tiếp xúc với rơm rạ. Những chiếc xe thỏa mãn các điều kiện đó rất sẵn: đó là xe đạp hoặc đi xe “căng hải” (hai cẳng).
Phòng chống cháy xe ư? Dễ ợt!
Trần Vũ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất