13/09/2022 18:30 GMT+7 | Văn hoá
Liên hoan Giai điệu mùa thu được tổ chức hai năm một lần đã trở lại với khán giả Thành phố Hồ Chí Minh.
Chương trình Liên hoan nghệ thuật giao hưởng, nhạc vũ kịch “Giai điệu mùa thu” 2022 đã trở lại vào tối 10/9 vừa qua, là chương trình hoàn toàn miễn phí dành cho khán giả. Tuy nhiên, sau các đêm diễn, có thể thấy sức hút của "Giai điệu mùa thu" tiếp tục tăng lên với sự ủng hộ nồng nhiệt của khán giả.
* "Sức hút" khi "Giai điệu mùa thu" trở lại
Giai điệu mùa thu lần này là chuỗi các chương trình nghệ thuật đặc biệt, phong phú và mới mẻ về phong cách trong hai lĩnh vực âm nhạc và múa hàn lâm gồm các thể loại: Vũ kịch, Hòa nhạc giao hưởng, Thanh xướng kịch… Đêm khai mạc với những phong cách âm nhạc khác nhau trên thế giới và những ca khúc nổi bật của Việt Nam, có sự tham gia hai nghệ sĩ opera người Nga nổi tiếng.
Dàn dựng và chỉ huy chương trình khai mạc Giai điệu mùa thu là nhạc trưởng Lê Ha My - Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM (HBSO) và nhạc trưởng Trần Nhật Minh.
Đêm diễn thứ hai diễn ra tối 11/9 giới thiệu vở thanh xướng kịch vô cùng nổi tiếng Carmina Burana (Vòng quay May mắn) của nhà soạn nhạc người Đức Carl Orff. Năm nay kỷ niệm 40 năm ngày mất của Orff, và Carmina Burana là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Đại hợp xướng Carmina Burana với âm hưởng đầy ấn tượng của hợp xướng và những soloist tài năng.
Trong đêm diễn đại hợp xướng "Carmina Burana", khán đài đã đến chật kín khán phòng Nhà hát TP.HCM. Ban tổ chức đã phải sắp xếp thêm ghế nhựa ở tầng trên cùng để phục vụ những khán giả đến sau.
Đêm bế mạc (vào ngày 17/9 tới) sẽ là đêm hòa nhạc chất lượng rất cao với sự tham gia của các nghệ sĩ khách mời tài năng: NSƯT Bùi Công Duy, Nguyễn Trinh Hương, Dmitry Feygin (Nhật Bản). Chương trình sẽ biểu diễn tác phẩm của hai nhà soạn nhạc vĩ đại L.v.Beethoven và Nikolai Rimsky-Korsakov.
Trình diễn múa "Kiều" Múa Kiều sẽ được tổ chức biểu diễn giới thiệu vào ngày 16/9. Đây là tác phẩm được HBSO dàn dựng và diểu diễn tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2020, và sau đó được biểu diễn lại ở Hà Nội và đã trở thành một trong ba tác phẩm đoạt giải cao nhất: Giải Xuất sắc tại Liên hoan Ca múa Nhạc chuyên nghiệp Toàn quốc 2022 vừa qua. Vở múa dựa trên nội dung tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã được dịch ra 20 thứ tiếng khác. Tác phẩm được biên đạo bởi thạc sĩ, biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh và và biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng, âm nhạc của Vũ Việt Anh và Chinh Ba. |
* Toạ đàm về âm nhạc và múa
Bên cạnh các hoạt động biểu diễn, Liên hoan có hai tọa đàm về âm nhạc và múa cung cấp những kiến thức, góc nhìn mới về hai loại hình nghệ thuật này tới công chúng.
Tọa đàm âm nhạc được chủ trì bởi NSƯT Thanh Thuý - Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP.HCM và Nhạc trưởng Lê Ha My - Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP. HCM, diễn ra ngày 13/9 với sự tham gia của các diễn giả nổi tiếng: nhạc sĩ Dương Thụ, NGND - PGS Hoàng Cương, NSƯT Hoàng Điệp... Toạ đàm nhằm mục đích góp phần đưa âm nhạc cổ điển đến gần công chúng hơn, giúp cho việc thưởng thức được dễ dàng và thúc đẩy sự phát triển của dòng âm nhạc có giá trị nghệ thuật cao trong nền âm nhạc Việt Nam.
Trong khi đó, tọa đàm múa được tổ chức ngày 14/9 với chủ đề “Những góc nhìn mới và sáng tạo trong vở ballet Kiều" cùng các diễn giả trực tiếp biên đạo và dàn dựng tác phẩm: Biên đạo múa Phúc Hùng, Phúc Hải và tập thể Nghệ sĩ Đoàn Vũ kịch HBSO.
Những diễn viên Ballet của HBSO sẽ biểu diễn những trích đoạn của vở và giao lưu trải nghiệm về nghề nghiệp, cuộc sống với khán giả. Ngoài ra khán giả sẽ được mời thử nghiệm những ví dụ sinh động về múa cùng những diễn viên-hướng dẫn viên, cùng tư duy nghệ thuật cũng như những trải nghiệm về không gian trên sân khấu.
Liên hoan "Giai điệu mùa thu" lần thứ 13 được tổ chức ngoài mong muốn tiếp tục đưa loại hình nghệ thuật hàn lâm trở thành hoạt động nghệ thuật tiêu biểu của TP.HCM, tiếp cận gần hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ còn tạo điều kiện cho các nghệ sĩ trong nước giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao chuyên môn với các nghệ sĩ quốc tế. Theo đó, từng bước phát triển loại hình nghệ thuật hàn lâm sánh tầm với các nước trong khu vực Châu Á cũng như các nước trên thế giới.
Mặt khác, thông qua liên hoan tạo cơ hội để quảng bá hình ảnh Thành phố Hồ Chí Minh đến bạn bè quốc tế và tăng cường giao lưu văn hóa, góp phần phát triển du lịch.
“Giai điệu mùa thu” năm 2022 được tổ chức sau một năm trì hoãn vì đại dịch Covid-19. Sự kiện do Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức định kỳ hai năm/lần. Đây là chuỗi các chương trình nghệ thuật đặc biệt, phong phú và mới mẻ về phong cách trong hai lĩnh vực âm nhạc và múa hàn lâm. Trong lần thứ 13 này, “Giai điệu mùa thu” được tổ chức theo định hướng là một trong các sự kiện nghệ thuật tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn từ năm 2020 – 2030.
Thảo Nhi. Ảnh: BTC
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất