08/04/2024 07:10 GMT+7 | Bóng đá Việt
ĐTQG Việt Nam đã vừa mới để thua Indonesia 3 trận liên tiếp ở các hạng mục giải đấu khác nhau. Từ VCK Asian Cup đến Vòng loại World Cup 2026. Nếu tính cả SEA Games 2023, thì chúng ta thua toàn tập trước nền bóng đá xứ vạn đảo.
Việt Nam đã thụt lại trước Indonesia. Trước đó, trong nhiều thập niên, chúng ta đã luôn thua thiệt Thái Lan. Vậy là chỉ tính riêng khu vực Đông Nam Á, bóng đá Việt Nam cấp các ĐTQG đã và đang thua thiệt ít nhất 2 nền bóng đá, Thái Lan và Indonesia.
Câu hỏi mà nhiều người quan tâm lúc này, là đến khi nào bóng đá Việt Nam mới có thể lấy lại ngôi vị số 1 khu vực, như thời HLV Park Hang Seo (lại là ông Park). 3 năm, 5 năm hay 10 năm?! Nó được tính bằng các thế hệ cầu thủ. Bằng các mốc thời gian ấy, chúng ta đang có những gì?!
Hệ thống đào tạo trẻ, bóng đá học đường và bóng đá cộng đồng ở Việt Nam đã nở rộ từ 15 năm qua, nhưng vẫn bị cho là khá mỏng. Nó chưa đủ để tạo một chân đế đủ rộng. Hiếm một trường phổ thông nào có sân bóng. Còn đầu vào của một lớp năng khiếu thuộc Trung tâm hay Học viện vẫn là tương đối thấp.
Và hệ thống thi đấu giải trẻ quốc gia cũng là hơi khiêm tốn. Hệ lụy là, chúng ta chưa thể xây dựng được một nền bóng đá tự cường, chưa đủ năng lực xuất khẩu cầu thủ.
Số báo trước, Thể thao & Văn hóa đã đề cập, việc tìm HLV trưởng ĐTQG lúc này không cấp thiết bằng việc nâng cấp nền bóng đá, mà đào tạo trẻ chính là khâu đầu tiên và quan trọng nhất. Cải tạo hệ thống giải quốc gia và cao hơn là nâng cấp các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
25 năm qua, kể từ ngày bóng đá Việt Nam tiến lên chuyên, gắn mác V-League, các CLB vẫn "sống trên mũi giày ngoại binh". Nguồn nội lực không thể chiếm nhiều hơn 50% sức mạnh của đội bóng. Thành bại tại... cầu thủ người nước ngoài. Chỉ tính riêng địa hạt bóng đá, dòng tiền vẫn chảy ra nước ngoài quá nhiều. Đó là một nỗi đau.
Giải đấu cao nhất Việt Nam vẫn bị ngắt quãng quá nhiều, gây hoang phí và ảnh hưởng quá lớn đến tham vọng của CLB. Nhiều lúc có cảm giác chúng ta chỉ chăm lo phần ngọn là các ĐTQG, mà thậm chí bỏ qua phần gốc (đào tạo trẻ) và phần thân là các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Trở lại với vấn đề mà chúng ta đặt ra ở đầu bài viết. Có quá ít cơ sở để chúng ta tin vào một cuộc lật đổ, khi các nền bóng đá láng giềng như Thái Lan và Indonesia đang có những đầu tư rất lớn. Về tiềm lực tài chính, rõ là chúng ta có chút thua thiệt, từ cấp CLB đến tổng thể nền bóng đá. Tất cả đều kỳ vọng sẽ vươn lên, nhưng các nền bóng đá láng giềng đâu dừng lại để đợi chúng ta.
Sẽ mất khoảng 3-4 thế hệ cầu thủ nữa, tương đương với 6-8 năm, chúng ta mới có hy vọng. Nhưng 3-4 thế hệ cầu thủ này, chúng ta chưa biết họ đang ở đâu. Tính gần nhất lứa kế thừa thế hệ 2018, đã là rất yếu rồi. Và nền bóng đá đã và đang trở nên quá thua thiệt.
Vậy thì thầy nội hay thầy ngoại trong giai đoạn này, đâu mấy quan trọng.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất