21/06/2015 15:50 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Quyết định chia tay bóng đá Thanh Hóa mới đây của bầu Đệ (Chủ tịch Nguyễn Văn Đệ) đã làm "rung rinh" không chỉ bóng đá tỉnh Thanh mà cả với làng cầu nội. Nhưng dù "chia tay" sân cỏ, nhưng ông bầu cá tính này vẫn dành cho Thể thao & Văn hóa cuộc trao đổi rất cởi mở về báo chí thể thao cũng như sự phát triển chung của bóng đá nước nhà.
Báo chí thể thao và doanh nghiệp là rất gắn bó, nhưng...
*Trong 5 năm đồng hành cùng bóng đá Thanh Hóa, gặp gỡ tiếp xúc với nhiều phóng viên, nhà báo thể thao, hẳn ông có khá nhiều ấn tượng với họ?
- Trong 5 năm được UBND tỉnh Thanh Hóa giao trọng trách vực dậy đội bóng để thỏa mãn khát khao, niềm đam mê của người hâm mộ địa phương, bản thân tôi có cách làm khá khác biệt. Tôi luôn cố gắng tạo mối quan hệ hợp tác tương hỗ, thân thiện giữa đội bóng với báo chí, với người hâm mộ để tranh thủ sự ủng hộ của giới truyền thông, cho nên tôi luôn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ anh em báo chí thể thao, trong đó có cả báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN). Cũng vì nhờ sự ủng hộ ấy, tôi đã hoàn thành tốt sứ mệnh của mình với bóng đá quê hương, để lại nhiều xúc cảm trong lòng người hâm mộ hanh Hóa.
Thành tựu hợp tác giữa báo chí với bóng đá cũng như doanh nghiệp là rất lớn với mối quan hệ khăng khít. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, bên cạnh đội ngũ phóng viên thể thao của những tờ báo uy tín, vẫn có một số ít anh em phóng viên còn mắc nhiều hạn chế trong tác nghiệp, trong cách xử lý tin bài. Đôi khi họ viết không thật sự chính xác, thiếu thận trọng trong cách hành văn hoặc lạm dụng từ ngữ để bôi nhọ cá nhân không hay lắm.
Anh em báo chí chúng ta cũng nên rút kinh nghiệm, để cho ra đời những bài báo chất lượng giúp ích cho sự phát triển của xã hội, của các doanh nghiệp Việt Nam trên hành trình vươn ra thế giới.
Bầu Đệ với cá tính của mình đã tạo nên sự khác biệt cho bóng đá xứ Thanh
*Trong thời đại bùng nổ thông tin, chắc hẳn ông sẽ chọn lọc tiếp nhận thông tin từ những tờ báo đáng tin cậy?
- Dù đây là thời đại bùng nổ thông tin, nhưng như tôi đã nói, làng báo vẫn có những phóng viên, nhà báo không chuẩn mực lắm, vì thế tôi chỉ có thể đặt niềm tin vào một số tờ báo mang tính chính thống, đáng tin cậy.
*Ông đánh giá như thế nào về báo Thể thao & Văn hóa của chúng tôi?
- Với tư cách là một doanh nhân hoạt động đa lĩnh vực trong nhiều năm qua tôi luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của báo Thể thao & Văn hóa. Tờ báo này (tôi vẫn gọi là tờ báo lớn đấy) đã tuyên truyền, phổ cập kiến thức, thông tin rất bổ ích cho cộng đồng doanh nhiệp, trong đó có bản thân tôi. Nếu chúng ta có sự hợp tác tốt, cộng đồng doanh nghiệp được hưởng lợi từ các thông tin, cơ chế, thị trường trong và ngoài nước thì tôi tin chúng ta sẽ có sự hợp tác bền vững.
Cũng nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành, lời chúc sức khỏe đến toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, công nhân viên của báo Thể thao & Văn hóa. Chúc Thể thao & Văn hóa lời chúc tốt đẹp nhất, chúc quý báo ngày càng phát triển vững mạnh.
“Tôi mong Thanh Hóa một lần vô địch V-League”
*Trở lại với bóng đá, chia tay bóng đá Thanh Hóa sau một thời gian dài dành nhiều tâm huyết cho đội bóng quê hương, ông có cảm thấy buồn và nuối tiếc?
Từ nhỏ tôi đã đam mê bóng đá, nên dù là một người không đi học chuyên sâu nhưng trong 5 năm qua tôi đã rất máu lửa, quyết tâm, sáng tạo để vực dậy bóng đá Thanh Hóa, đáp ứng lại kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh, của toàn thể nhân dân.
Tôi thuộc nhóm người máu lửa đã ra trận là phải chiến thắng, 5 năm qua tôi đã giúp bóng đá Thanh Hóa từ chỗ chỉ dám mơ trụ hạng, trở thành đội bóng có thể đua tranh thứ hạng cao, đặc biệt trong mùa giải 2013-2014, CLB Thanh Hóa lần đầu tiên đứng trong Top 3 V-League.
Hỏi có buồn hay không khi chia tay bóng đá? Tất nhiên tất cả con người khi đang say mê việc gì đó mà nghỉ, thì có một chút gì đó xao lòng, còn nghỉ để mà bất ngờ, để mà sốc thì tôi hoàn toàn không. Bởi tôi đã chuẩn bị tâm lý, trong năm thứ hai tôi đã đệ đơn xin nghỉ rồi, nhưng sang mãi đến năm thứ năm, tỉnh mới tìm được đối tác có thể thay thế xứng đáng.
Việc nghỉ, tôi không hề sốc, mà chỉ nghĩ rằng sau 5 năm làm bóng đá với những bài học kinh nghiệm đúc kết được, tôi mong những người kế nhiệm tiếp tục phát huy và làm thăng hoa nền bóng đá xứ Thanh. Hơn thế, phải phấn đấu làm thế nào có 1 năm vô địch, đánh dấu mốc son.
“Lãnh đạo VFF phải có tâm, bóng đá Việt Nam mới phát triển”
*Ông đánh giá như thế nào về thành tích giành HCĐ của U23 Việt Nam ở kỳ SEA Games 28 vừa qua?
- Tôi nghĩ rằng, bóng đá Việt Nam đạt HCĐ ở SEA Game năm nay là sự cố gắng rất lớn của các cháu. Tuy nhiên, đội bóng của chúng ta trên thực tế thì chưa phát huy được hết sức mạnh của mình. Dĩ nhiên, yếu tố may mắn là cần thiết, nhưng cách điều quân của HLV mới là quan trọng. Như Mạh Hồng Quân - Một người tôi hiểu rất rõ khi chơi ở Thanh Hóa, trận bán kết vừa qua, nếu như HLV sáng suốt thay tiền đạo này ra thì mọi chuyện có lẽ đã khác. Bởi tôi biết, Hồng Quân, em ấy cũng rất tốt nhưng một khi sút 1-2 quả không vào, sẽ bị căng thẳng, dẫn đến không hiệu quả.
Tôi ngồi xem qua TV, rất sốt ruột, đã gọi điện cho các quan chức Liên đoàn để mong đưa ra ý kiến nào đó về chiến lược trong trận đấu đó nhưng các anh ấy đều ở nước ngoài nên không liên lạc được.
*Từng là thành viên trong BCH VFF, nay đã nghỉ hưu, và cũng là người rất tâm huyết với bóng đá, ông có hiến kế gì để giúp bóng đá Việt Nam ngày càng tiến bộ?
Thứ nhất, về các đội tuyển, tôi nghĩ chúng ta nên mạnh dạn sử dụng 1-2 cầu thủ nước ngoài nhập tịch chơi trên hàng công thì đội bóng của chúng ta sẽ mạnh mẽ, không có những trận thua đau khiến người hâm mộ buồn lòng. Điểm yếu lâu nay của bóng đá Việt Nam vẫn là dứt điểm kém, nếu ta chưa thể có những con người tốt thì tại sao không tận dụng cầu thủ nhập tịch. Họ cũng mang quốc tịch Việt Nam, thậm chí có người còn lấy vợ, xây nhà cửa ở Việt Nam, chúng ta cũng nên tạo điều kiện để họ cống hiến cho Tổ quốc. Tôi nghĩ sự có mặt của họ không làm cho các đội tuyển Việt Nam mất đi tinh thần nhiệt huyết mà còn có tác dụng tạo động lực để các cầu thủ nội phấn đấu nhằm đạt được đẳng cấp như họ.
Thứ hai, với bộ máy lãnh đạo VFF, cần những người có tâm. VFF là tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện, nhưng nó tác động đáng kể đến hàng triệu người, vì người dân Việt Nam rất mê bóng đá. Vì thế những người lãnh đạo VFF không nên xem tổ chức này là chỗ để kiếm chác, chỗ để chạy chọt. Chỉ khi VFF làm được như vậy thì công tác tổ chức mới ổn định, khi đó họ mới có thể giúp ích cho bóng đá Việt Nam phát triển được.
Bộ máy VFF hiện nay đã tốt rồi, nhưng cần phải quyết liệt, sáng tạo để tốt hơn nữa.
Tuệ Chính (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất