Chúng ta cần xin lỗi các em U19 Việt Nam

24/09/2013 06:25 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Ngỡ ngàng và khó hiểu khi biết chuyện các em đội U19 Việt Nam xin lỗi người hâm mộ dù đã thi đấu rất nỗ lực và hết mình trong trận chung kết với U19 Indonesia. Khi hiểu ra nguyên nhân, chợt nhận ra rằng, chúng ta mới cần xin lỗi các em.

Kính chào độc giả báo Thể thao & Văn hóa. Tôi đã lập gia đình, đã có con và tự nhận mình là một người hâm mộ bóng đá, đặc biệt là bóng đá Việt Nam. Tôi rất quan tâm đến giải U19 Đông Nam Á vừa diễn ra, và đã cổ vũ rất nhiệt tình cho các em của đội ta. Tôi đã xem trực tiếp qua tivi trận chung kết và rất tự hào về nỗ lực và tinh thần thi đấu của các em.

Rồi tôi cảm thấy khó hiểu khi biết tin các em nói lời xin lỗi với người hâm mộ vì không giành được chức vô địch. Theo tôi, các em không cần phải xin lỗi. Người ta chỉ xin lỗi khi làm việc gì mà không nỗ lực hết mình, không cố gắng hết sức.

Nhưng những lời xin lỗi của các em U19 cứ ám ảnh tôi. Sau một hồi suy nghĩ, tôi đã hiểu.

Hóa ra, bấy lâu nay, trong suy nghĩ của các em, phải chiến thắng thì mới được thừa nhận, mới được chào đón, mới được yêu thương và cổ vũ. Còn ngược lại, khi các em thua trận, dù đã thi đấu hết mình, người hâm mộ (và có lẽ các quan chức) cảm thấy thất vọng, chẳng còn quan tâm nữa.

Hay nói cách khác, các em luôn phải thi đấu dưới áp lực thành tích, dù có nhiều em chỉ mới 16, 17 tuổi.

Tôi thừa nhận mình nằm trong số những người hâm mộ như thế, những người hễ thấy các em thắng 1 trận là kỳ vọng các em vô địch cả giải đấu. Khi cả nghìn, cả triệu người như tôi cứ kỳ vọng như thế, các em đương nhiên hứng chịu áp lực khủng khiếp. Để rồi khi thất bại, các em thấy mình có lỗi. Dù các em chẳng có lỗi gì hết.

Tôi nhớ những SEA Games trước, khi đội tuyển nữ của ta đoạt huy chương vàng, có rất nhiều anh mặc vest chen chúc chụp ảnh cùng. Nhưng đến khi đội tuyển nam thất bại, chẳng thấy bóng dáng ai cả. Đối với dân ta, đó là lẽ bình thường khi đứng cạnh người chiến thắng chứ không phải kẻ chiến bại?

Tôi nhớ mỗi lần ĐTVN thắng trận lớn, cả vạn người kéo ra đường tụ tập, hô hào. Nhưng hễ thua trận là chẳng ai quan tâm. Thậm chí, người ta còn chửi bới.

Tôi nhớ lại chuyện tay vợt Tiến Minh cách đây không lâu. Khi lập được thành tích này, thành tích nọ thì có các quan chức và đông đảo người hâm mộ ra tận sân bay đón. Lúc bị loại sớm ở một giải đấu gì đó, anh trở về trong cảnh cô đơn.

Rồi tôi nhìn vào chuyện của nhà tôi. Con tôi năm nay học lớp 2. Khi cháu được điểm 9, điểm 10 thì tôi bày tỏ niềm tự hào ra mặt. Khi con nhận điểm thấp, tôi liền bắt cháu phải học nhiều hơn, chơi ít đi. Nếu quý độc giả để ý, bây giờ các cháu học cấp 1 toàn được chấm điểm 9, điểm 10. Ngày xưa, được điểm cao như thế này hiếm lắm. Giờ thì tràn lan. Hiếm lắm mới có cháu điểm 6, 7. Có lẽ, cô thầy giáo muốn lớp mình phải nhiều học sinh giỏi.

Hóa ra, bản thân chúng ta không nhiều thì ít đã bị nhiễm bệnh thành tích. Chúng ta sai đã đành, khiến các em trẻ phải hứng chịu hậu quả thì quá tội cho các em, các cháu.

Tôi nhớ mang máng một câu nói rất triết lý. Đại loại: Quá trình quan trọng hơn kết quả. Chiếc Cúp hoàn toàn vô nghĩa. Cái quan trọng là các em đã cố gắng, nỗ lực và thi đấu hết mình. Chính điều đó làm nên nhân cách các em, chứ không phải chiếc cúp.

Mới đây, tôi đọc báo thấy các CĐV Leverkusen vẫn hát hò đầy tự hào dù đội bóng của họ thua M.U 3, 4 trái. Họ hát vang, hát to đến mức cổ động viên M.U ở Old Trafford còn phải hỗ thẹn. Tôi nghĩ, đó mới là tình yêu, là cách hâm mộ đích thực.

Tôi đã rất vui khi thấy có rất nhiều người hâm mộ đánh giá cao nỗ lực của các em, dù các em thua trận.

Nhưng dù sao, chúng ta cũng cần xin lỗi các em.

Xin lỗi các em để sau này, khi các em có thua trận thì không cần phải nói lời xin lỗi.

Nguyễn Ngọc Minh
(Lạc Long Quân, Hà Nội)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm