25/08/2021 19:57 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 24/8, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác lập quy hoạch tỉnh, chủ trì cuộc họp nghe báo cáo kết quả thực hiện công tác lập quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, Quy hoạch tỉnh được lập trong 9 tháng, do đơn vị tư vấn là Công ty TNHH McKinsey Việt Nam thực hiện, gồm 5 giai đoạn với 6 sản phẩm bàn giao. Đến nay, đơn vị tư vấn đang triển khai giai đoạn 2 của dự án, với quá trình làm việc trực tiếp, thảo luận chuyên đề với các sở, ngành và 13 địa phương để thảo luận, thống nhất định hướng chung về ý tưởng, quan điểm, mục tiêu phát triển của các ngành, lĩnh vực quan trọng.
Theo đơn vị tư vấn, định hướng tầm nhìn cho quy hoạch tổng thể tỉnh Quảng Ninh được phát triển theo 4 quan điểm, đó là: Phát triển KT-XH; tài nguyên môi trường; phát triển không gian và cơ sở hạ tầng; quốc phòng - an ninh. Mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ phấn đấu phát triển tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh công nghiệp du lịch hiện đại và bền vững, xây dựng trên nền tảng chế biến, chế tạo công nghệ cao, vận hành như một trung tâm du lịch quốc tế và ngày càng chuyển dịch sang việc sản xuất năng lượng tái tạo.
Tỉnh sẽ duy trì vị trí số 1 trong GRDP bình quân đầu người năm 2030, đạt 17.000 USD dựa trên tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 2021-2030. Quảng Ninh sẽ duy trì là một điểm sáng trong phát triển kinh tế, được công nhận là tỉnh với chất lượng sống cao nhất miền Bắc cũng như đảm bảo tốt các yêu cầu về quốc phòng - an ninh. Tới năm 2050, Quảng Ninh sẽ trở thành trung tâm chế biến, chế tạo công nghệ cao với ngành Du lịch phát triển hàng đầu, được xây dựng xung quanh những trung tâm đô thị hiện đại và giúp thúc đẩy một cuộc sống bền vững cho người dân.
Trên cơ sở ý tưởng của đơn vị tư vấn, các đại biểu dự họp đã tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ một số quan điểm; đưa ra nhiều ý kiến đề xuất đơn vị tư vấn tham khảo, bổ sung vào quy hoạch tỉnh Quảng Ninh.
Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị đơn vị tư vấn tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện quy hoạch theo hướng bám sát các mục tiêu được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Quá trình lập quy hoạch phải lưu ý đến phạm vi và thời kỳ lập quy hoạch; chú trọng hơn đến phát triển không gian biển, liên kết vùng, liên kết quốc tế; phương án quy hoạch, sử dụng đất đai trong quá trình phát triển. Đặc biệt là phương án quy hoạch không gian khi tốc độ tăng dân số ở các mức độ khác nhau. Phân tích, làm rõ hơn các phương án tăng trưởng, nhất là đối với một số lĩnh vực hiện nay đang chiếm tỷ trọng lớn. Đồng thời quy hoạch cũng phải đảm bảo tích hợp các quy hoạch chung của quốc gia đã được phê duyệt.
Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, yêu cầu đơn vị tư vấn phải nâng cao chất lượng bản quy hoạch, phải có sự tham gia của các cố vấn, chuyên gia cao cấp, các sở, ngành, địa phương của tỉnh cho bản quy hoạch, từ đó tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư khi đến Quảng Ninh. Trong đó cần cung cấp, cập nhật, chia sẻ thông tin về GRDP toàn tỉnh đến hết năm 2020; các mục tiêu phát triển theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh; hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông để hoàn thiện quy hoạch.
Quảng Ninh chọn kịch bản tăng trưởng vừa tiên tiến, vừa đột phá theo hướng phát triển nhanh, bền vững, tăng trưởng bao trùm để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 10%/năm. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy rất tâm đắc với mô hình tăng trưởng dựa trên nguồn lực bên trong là quyết định chiến lược cơ bản, lâu dài, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; tiếp tục chuyển đổi phát triển kinh tế từ "nâu" sang "xanh" theo hướng bền vững dựa vào 3 trụ cột (thiên nhiên, con người, văn hóa); thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; xu thế hội nhập, hòa bình, hợp tác và phát triển.
Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, hiện đại hóa kết hợp chặt chẽ giữa công nghiệp dịch vụ và nông nghiệp. Do đó, những năm tới, số một là phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo. Phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện với môi trường; phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng điểm là ngành Than gắn với đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia theo quy hoạch và phát triển theo chiều sâu, bền vững hơn, giảm tổn thất tài nguyên khoáng sản, thân thiện với môi trường.
Bản quy hoạch cũng cần xác định kinh tế biển phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, quan trọng cùng với Hải Phòng, đây là nội dung đã được Bộ Chính trị xác định. Tỉnh Quảng Ninh đang đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị với sự định hình chức năng đô thị biển và hình thái tổ chức không gian lãnh thổ một tâm, hai tuyến, đa chiều, 2 mũi đột phá với hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo tính liên thông, tổng thể thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, hợp tác hóa lãnh thổ, tạo nên những hành lang không gian phát triển mới để hướng đến tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng chí cũng yêu cầu đơn vị tư vấn cần làm rõ kinh tế đô thị của tỉnh Quảng Ninh khi có một đại đô thị gồm có TP Hạ Long mở rộng, TP Cẩm Phả, TP Quảng Yên, TP Uông Bí, TP Đông Triều kết nối với thành phố Thủy Nguyên (Hải Phòng) và TP Kinh Môn, TP Chí Linh (Hải Dương).
Quảng Ninh có các cặp cửa khẩu với nước bạn Trung Quốc, nhưng đơn vị tư vấn chưa luận giải rõ về kinh tế biên mậu, kinh tế biên giới. Trong khi đây được tỉnh xác định là động lực mới trong phát triển kinh tế khi mà tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thi công xong.
Về phương án cấu trúc không gian, đồng chí đánh giá rất cao phương án do đơn vị tư vấn trình bày, nhất là việc phân thành các vùng đô thị, như: Vùng đại đô thị gồm có TP Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều kết nối với Thủy Nguyên (Hải Phòng), Kinh Môn, Chí Linh (Hải Dương) sẽ là Mega City; Vân Đồn phải kết nối với Cô Tô, Tiên Yên; Móng Cái kết nối với Hải Hà. Tuy nhiên, trong mô hình này cần phải bổ sung thêm một số tuyến giao thông huyết mạch đang có để định hình không gian đô thị.
Về không gian biển, hiện Quảng Ninh có 6.000km2 mặt biển, do vậy cần phải có tổ chức không gian biển hợp lý, đơn vị tư vấn cần tiếp thu, bổ sung, trong đó cần nhấn mạnh yếu tố kết nối với Hải Phòng vì hiện nay, tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng có bản ký kết hợp tác chiến lược tầm cao.
Về quy mô dân số, đơn vị tư vấn cần có những giải pháp đảm bảo phù hợp cho sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh gắn với các ngành nghề kinh tế của tỉnh.
Thảo Nhi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất