31/05/2023 18:07 GMT+7 | Văn hóa soi đường
Top 10 chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023 (Xếp theo thứ tự abc tên tác phẩm):
1. A lô!... Cậu đấy à? (truyện dài của Trần Đức Tiến, minh họa Kim Duẩn, NXB Kim Đồng)
Đó là 23 câu chuyện nhỏ như những bông hoa tươi xinh trong mùa hoa đồng thoại thứ hai của đời văn Trần Đức Tiến.
TS Nguyễn Thanh Tâm (ĐHSP Huế) trong bài viết dành cho Thể thao và Văn hóa nhận định: "Với tác giả, để có A lô!... Cậu đấy à? sau thành công của Xóm Bờ Giậu là điều không dễ. Xóm Bờ Giậu là vùng thẩm mĩ đáng nhớ của đời văn Trần Đức Tiến không chỉ ở việc tác giả xây dựng một hệ hình mỹ học mới cho tác phẩm mà còn ở khâu phát hành và phản hồi tích cực của độc giả. A lô!... Cậu đấy à? tiếp tục lấy cảm hứng từ khoảng sân nhà "quê mùa lạc lõng nhất thành phố" của tác giả. Phôi thai từ sự giản dị, mỗi câu chuyện đều mang vẻ đẹp thường thấy của văn chương Trần Đức Tiến, an lành, thơm tho, sinh động về chữ nghĩa lẫn ý tứ.
Sự cộng hưởng của tình yêu trẻ, vốn văn hóa dày dặn và sự tinh tế của nhà văn đã tạo ra miền an trú cho độc giả. Thể loại đồng thoại thiết lập khế ước có lợi cho những sinh vật bé nhỏ như Thằn Lằn, Cóc Tía, Sóc Bông Lau, tạo ra một cộng đồng người thực thụ, sống tử tế và thiện lương trên trang văn Trần Đức Tiến".
"A lô!... Cậu đấy à? chứng kiến sự "trẻ hóa" bất ngờ của nhà văn. Khoảng cách giữa tác giả và những nhân vật nhỏ tuổi trở nên mờ nhòe khi nhà văn thì ngày càng hồn nhiên, mơ mộng, hóm hỉnh, còn nhân vật thì có xu hướng trở thành những "ông cụ non". Tác giả hiểu những trò chơi gần như đã thành hơi thở của trẻ. Hiểu cái ngúng nguẩy và những giận hờn như mưa bóng mây của chúng. Hiểu nỗi khao khát khám phá. Hiểu những vẫy gọi xa xôi… Các câu chuyện rất lỏng về chất truyện, tự nhiên duỗi mình về phía mơ mộng, nên thơ. Phần thông điệp hay bài học kín đáo nép mình trước cảnh quan sinh thái đầy sức gợi".
"Đọc truyện Trần Đức Tiến không khó để nhận ra "sự tận tâm với đời sống" của nhà văn để tìm ra vị của đời, ngay trong những cuộc đời "nhạt". Mãi cái chốn thân quen mà thành bao nhiêu chuyện kể. Mỗi truyện luôn có một sự bất ngờ đáng yêu nào đấy… Tác giả vu vơ thả ra một vài ước vọng và bẵng đi một thời gian, ước vọng ấy đường đột quay về. Những bức thư trên những chiếc lá khế vàng nhỏ nhoi mà sóc Bông Lau gửi bố trong Bố đi đâu lâu thế cứ tưởng đã chìm lấp trong vàng rực lá mùa thu lại nhận được sự hồi đáp ngọt ngào ở Mười dấu hỏi và mười dấu than. Điều đó tiếp thêm niềm tin cho người đọc, để họ an nhiên thả lòng cho gió cuốn".
"Có thể thấy, trong A lô!... Cậu đấy à?, nhà văn đã khôn ngoan sử dụng chiến lược liên văn bản" - TS Nguyễn Thanh Tâm nhấn mạnh - "Tiếng vọng của Xóm Bờ Giậu vang lên đây đó trong tác phẩm thể hiện sự kết nối giữa thế hệ hậu bối với cư dân trong xóm xưa. Việc chủ động gợi nhắc tác phẩm của chính mình cũng thể hiện sự thủy chung với hành trình nghệ thuật đã lựa chọn - hành trình nặng về thôn quê, nặng về quá khứ. Chính vì lẽ đó mà tác giả đã thể hiện ý định xây dựng bảo tàng sinh thái cho văn học, bảo tàng dành riêng cho miền thôn dã. Trong truyện Du khách đến Bụi Trúc, nhà văn biến Xóm Bờ Giậu thành di tích văn hóa. Nhân vật Bông Lau tưởng tượng về một ngày sẽ có cuốn sách viết về xóm Bụi Trúc, nơi này sẽ trở thành chứng tích đầy tự hào và thương nhớ. Đến Một ngày nắng đẹp, các nhân vật tiếp tục dệt giấc mơ "bảo tồn" con đường mòn của bà Hoa Cúc Áo, cây gậy của cụ giáo Cóc, cây đàn của nhạc sĩ Dế Lửa, ngôi nhà Bình - gốm - vỡ, bài hát của ông Thằn Lằn"…
Với sự xuất sắc của A lô!... Cậu đấy à? cùng 10 tác phẩm tiêu biểu dành cho thiếu nhi trong sự nghiệp văn chương của Trần Đức Tiến, mà trong đó nổi bật nhất và gần nhất là Xóm Bờ Giậu (2019), ông được xét Giải thưởng Lớn - Hiệp sĩ Dế Mèn.
2. Chùm tranh của họa sĩ nhí Hoàng Nhật Quang (11 tuổi, Lạng Sơn)
Chùm tranh gây ấn tượng mạnh với Ban sơ khảo và Hội đồng sơ khảo, không chỉ vì tác giả của nó mới 11 tuổi. Em sinh 2012 (người dân tộc Tày), học sinh lớp 5A1, Trường TH&THCS Lê Quý Đôn, TP Lạng Sơn, nhưng đã bắt đầu vẽ tranh thường xuyên từ năm 9 tuổi, đến nay đã vẽ được khoảng 40 tranh hoàn chỉnh, trong đó có nhiều tranh khổ lớn, phải đứng trên ghế, trèo lên thang để hoàn thành.
Hoàng Nhật Quang không có chuẩn bị ý tưởng hoặc phác thảo, có lúc đang chơi cùng bạn bè trong xóm thì chạy về vẽ hình bằng màu luôn, không cần dùng bút chì, tẩy, để phác hình. Tất cả các bức tranh của Quang được vẽ một cách tự do, bộc phát ngay tại thời điểm vẽ. Hầu như rất ít phải chỉnh sửa.
Về bố cục, Quang vẽ phóng khoáng, không theo quy củ gì cả. Vì Quang cũng chưa được học vẽ, mà chỉ cảm, nghĩ sao vẽ vậy. Cách dùng màu của Quang lúc đầu cũng theo bản năng, dùng rất nhiều màu, nhưng sau khi được góp ý về màu sắc và hướng dẫn kỹ thuật vẽ acrylic, thì biết sử dụng ít màu hơn, theo gam màu nóng lạnh rõ ràng hơn, về kỹ năng tô màu và đi nét cảm cũng hợp lý hơn.
Khi được hỏi "Quang vẽ gì trong tranh?", Quang trả lời là "con không biết, con thích thì con vẽ thôi". Nhưng khi xem tranh và quan sát hình, thấy Quang luôn muốn nhân hóa mọi thứ, muốn đưa tiếng nói vào các vật thể vô tri. Cho dù vẽ tĩnh vật hoặc những vật vô tri khác, Quang thường vẽ thêm mắt mũi, chân tay cho sinh động. Có những bức thì mắt, mũi, miệng, tai, tay, chân, thân… vẽ cho giống người, nhưng cũng có những bức thì không. So với các bức acrylic đầu tiên, các bức sau này cho thấy Hoàng Nhật Quang đã biết phân tích gam màu, chồng màu nhiều lớp, biết tạo chất, tạo nhịp điệu màu, tạo sắc độ, biết đi nét...
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét: "Tranh Nhật Quang lạ, hình họa bố cục chắc chắn. Ý tưởng sáng tác tốt. Lấy ý "vạn vật hữu linh" để có mạch sáng tác rõ ràng. Hoà sắc phối màu đều ấn tượng và tương đối tốt. Bố cục có nhiều bức chặt chẽ, còn lại thì thoải mái không thấy bị già hay "giả". Các hình tượng trong tranh cũng phong phú không gượng ép. Nhiều bức màu đẹp, sinh động, biến hóa".
Họa sĩ "Thần đồng Đất Việt" Lê Linh, thành viên Hội đồng giám khảo, thì cho rằng, tranh có nhiều ý tưởng độc đáo, đa dạng... bố cục tranh tốt, bố cục màu sinh động, hợp lý. Tông màu mạnh mẽ, ấn tượng. Tuy nhiên do bé còn nhỏ tuổi nên đôi lúc dựng hình còn rối rắm, không rõ chủ đề.
3. Khu rừng trong chai (sách tranh của Huỳnh Trọng Khang - Nguyễn Nhân, NXB Thế giới - Phương Nam Books)
Truyện không cấu trúc dựa vào tình tiết cốt truyện ly kỳ, hấp dẫn, mà lưu tâm đến những điều nhỏ bé, giàu chất thơ của thế giới trẻ con. Cậu bé An An sống ở một làng quê vùng biên. Một ngày nọ, cậu nhận được một hạt giống kỳ lạ từ một người bán kẹo kéo, và câu chuyện Khu rừng trong chai bắt đầu…
Sự xuất hiện của đường sắt và con tàu là "biến cố" khiến làng quê vùng biên lên phố, nhà cao tầng mọc lên… thay đổi cảnh quan, nhịp sống, và cả những đứa trẻ. Chi tiết sự xuất hiện của đoàn tàu làm mặt đất rung lên khiến cái chai thủy tinh của An rơi vỡ như một cảnh báo ngầm về sự rơi vỡ của một thế giới. Thế hệ những đứa trẻ sau An mê trò chơi điện tử, xa lạ với những cái cây lẫn việc tạo ra một khu rừng của riêng chúng, An cũng quên cái bình lưu giữ tuổi thơ khi cậu có cả một gia đình phải chăm nom.
Thế giới của Khu rừng trong chai được tạo dựng song song: Thế giới bên ngoài chai là sự thay đổi chóng mặt, càng ngày càng ô nhiễm do con người gây nên; thế giới trong chai là sự sống lặng lẽ, trong suốt, ngập tràn sắc xanh của cây, cũng chính là sự sống mãnh liệt, tiềm tàng của thiên nhiên.
Dễ nhận ra chất triết lý đan cài trong những câu văn thấm đẫm chất thơ của Huỳnh Trọng Khang. Tính chất triết lý lẫn vẻ đẹp mơ hồ là đặc sắc riêng của cây bút trẻ yêu thích vẻ đẹp phương Đông "thấy vũ trụ trong một hạt cát", để anh nhìn ra khu rừng trong một cái chai. Thông điệp nhân văn gửi gắm xuyên suốt và tinh kết ở cuối tác phẩm khiến người đọc phải cùng suy nghĩ, đó là "bài học về tình yêu Trái đất này, rằng cho dù có bị hủy hoại đến đâu, chỉ cần một mầm xanh còn tồn tại, thì hành tinh vẫn sẽ còn cơ hội. Những đứa trẻ sẽ học bài học kiên cường từ những hạt mầm của khu rừng trong chai kỳ lạ, dù trong môi trường khép kín vẫn giữ được màu xanh tuyệt diệu. Và đến lượt mình, các em sẽ tự cầm những hạt giống trong tay và dựng xây những khu rừng tí hon như thế".
"Tuy nhiên, mạch truyện chuyển biến khá nhanh với sự chuyển đổi của phong cách viết, khiến người xem có cảm giác như phần đầu và phần sau như hai câu chuyện khác nhau" – giám khảo Lê Linh nhận xét. Anh nói thêm rằng, điểm cộng của tác phẩm là phần tranh minh họa rất đẹp, bắt mắt, làm nên giá trị của quyển sách.
4. Nghé ọ Hai Xoáy (Truyện dài của Phạm Anh Xuân, NXB Văn học - Tân Việt Books)
Nghé ọ Hai Xoáy kể chuyển về đám trẻ mục đồng, mà nổi bật nhất là nhân vật Hùng. Vì mải mê đọc sách mà Hùng để con trâu sắp đến ngày sinh gặp nạn, trước khi chết, nó đã sinh ra chú nghé có hai xoáy trên đầu. Qua biến cố đầu đời này, cùng với những diễn biến khác qua các tình huống "Trận chiến", "Cuộc bán trâu", "Thất bại",… Hùng đã có được cho mình những bài học của sự trưởng thành. "Rồi nó nhớ lại cái buổi chiều phiêu lưu cùng con dế mèn trong cuốn truyện nhỏ. Nó đã ra sát mép sông, vặt cọng cỏ xanh vứt xuống nước và nhìn nó trôi đi mãi. Nó hiểu rằng nó cần phải học và làm chủ chuyến phiêu lưu của chính cuộc đời mình".
"Qua nhân vật Hùng, tôi muốn xây dựng một thông điệp: cần phải trả lại cho trẻ em một không gian sinh tồn và không gian tương tác đúng nghĩa của tuổi thơ. Tức là các em được tự do chơi đùa, chạy nhảy và từ đó học được những bài học.
Rộng hơn, việc để trẻ em được trải nghiệm thực tại với tất cả những va chạm, cọ xát của cuộc sống (khác với "tương tác ảo" như hiện nay) sẽ giúp các em thể hiện được sức sống nội tâm, và học được những bài học hình thành nên một phần nhân cách con người" - tác giả Phạm Anh Xuân bày tỏ.
5. Những con mèo của ông bắp cải (bản thảo truyện dài của Nguyễn Thị Cẩm Hà)
Những câu chuyện thú vị của những cô cậu mèo được xây dựng tính cách và hoàn cảnh rất riêng biệt, với lối viết hài hước, tạo nên một thế giới rất riêng của loài mèo, rất nhiều rắc rối nhưng cũng đầy tình yêu và lòng bao dung. Trong thế giới đó, sự tưởng tượng của tác giả vô cùng lý thú, ví dụ như chi tiết những con mèo dùng chiếc lá, bông hoa để làm tờ tiền mua đồ…
Câu chuyện hơi Tây với giọng văn hòa quyện giữa chất trữ tình và giễu nhại, nhưng có lẽ chúng ta không nên đòi hỏi quá "thuần Việt" khi miêu tả về thế giới của loài mèo. Và bạn sẽ không thể cầm lòng được việc nuôi một con mèo, hay chính xác hơn, cả một đàn mèo, sau khi đọc xong bản thảo này. Nhưng vì hơi tham nhân vật, nên truyện đôi khi hơi cũng hơi lan man.
6. Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ (truyện dài của Lạc An, NXB Kim Đồng)
Ông ba bị, ngáo ộp hoặc ông kẹ… là hình ảnh tưởng tượng mà người lớn sử dụng để hù, nhát trẻ em nói chung. Mỗi nơi có một hình dung và cách kể riêng. Thế nhưng, tác phẩm Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ (NXB Kim Đồng) lại là cuộc "minh oan" cho ông Ba Bị.
Tại sao gọi là ông Ba Bị? Ấy vì trước nhất ông mang ba chiếc bị, mà trong tác phẩm của Lạc An, ba chiếc bị đó là Ký ức tuổi thơ, Giấc mơ đẹp, Lãng quên. Ông Ba Bị cao lớn, râu tóc xồm xoàm, mỗi khi cười thì khiến tụi trẻ con sợ hãi… cho nên bị thiên hạ "trông mặt bắt hình dong", thành ra trong ký ức của nhiều người, Ba Bị là vị thần xấu.
Một ngày nọ, vị thần này dấn thân vào thế giới hiện đại, tiếp cận với những đứa trẻ hôm nay như Bi, Ken, Bun, Bo và cùng chúng đi vào thế giới của giấc mơ, những cuộc phiêu lưu hấp dẫn đến mức khiến tụi trẻ con quên đi đời sống hiện thực của mình.
Ba Bị của Lạc An là một vị thần mang nhiều nhân tính, khao khát được công nhận. Cuối cùng, ông Ba Bị cũng thành công giành lại thiện cảm trong mắt trẻ em khắp chốn.
Mơ mộng vừa đủ, thực tế vừa đủ, phiêu lưu vừa đủ, nên tác phẩm cũng đủ ghi được một dấu ấn trong lòng độc giả. Từ nay, bên cạnh ông Ba Bị đáng sợ mà dân gian lưu truyền, sẽ có thêm một ông Ba Bị dễ thương cho bất kỳ những đứa trẻ nào còn tin rằng bản chất của vạn vật trên đời này là thiện lương.
Truyện đã xây dựng được hình tượng đặc sắc về ông Ba Bị - từ con ngáo ộp trở thành vị thần giấc mơ, và chính ông cũng phải vật lộn với sự hiểu nhầm của loài người. Câu chuyện bay bổng ly kỳ. Các nhân vật thần kỳ đều thể hiện sự thần kỳ theo cách độc đáo bất ngờ, không giống cổ tích, cũng không giống Disney, lại có tính triết lý sâu sắc (Giấc mơ nào đẹp nhất? - Chính là mơ cùng nhau). Truyện cũng rất đậm yếu tố thời đại, khi diễn tả cơn ác mộng của đứa trẻ là giấc mơ ngập đầy bài tập. Đỉnh điểm của cuộc phiêu lưu là chuyện ông Ba Bị và các bạn giải cứu cho cậu bé suốt ngày bị bắt học khỏi căn phòng làm toàn bằng những bài tập toán. Trước khi đến được căn phòng đó, họ gặp phải "những quả núi bài tập toán" ầm ầm bay đến, may sao cuối cùng với sự giúp đỡ của ông Ba Bị chúng đã thoát được. Đây phải nói là một "đại cảnh huy hoàng" mà bất cứ đứa trẻ nào đọc sách cũng sẽ phá lên cười thích thú.
Giọng văn của Lạc An trong cuốn truyện rất hoạt, ra đúng chất giọng của trẻ con và các suy tư kiểu trẻ con. Chất hài hước và vui nhộn cũng là một điểm cộng của tác phẩm này. Các thông điệp nhân văn về tình bạn, về sắc màu tuổi thơ, về sự khô khan của thế giới người lớn hiện đại hay vấn nạn học hành khiến câu chuyện có chiều sâu, song được lồng ghép tự nhiên, dễ dàng kết nối với tâm hồn trẻ thơ. Dù phần kết hơi có một chút hẫng đáng tiếc, đây thực sự vẫn là một câu chuyện hay, đáng đọc, chắc chắn mang đến cho trẻ con những tiếng cười sảng khoái, cộng với nỗi khao khát được gặp ông Ba Bị trong mơ.
7. Ở một nơi có rất nhiều rồng (bản thảo truyện dài của Mộc An)
Truyện bắt đầu với huyền thoại về loài rồng được truyền tụng trong thế giới của loài người, để rồi chính những chú rồng nhỏ ngày nay lại được nghe về huyền thoại ấy. Vì lòng tham và cuộc chiến tranh quyền đoạt vị của loài người mà hai anh em nhà rồng rơi vào tình thế phải đối đầu nhau trong một cuộc chiến sống còn.
Mộc An đã khá thành công trong việc thiết kế nên một bối cảnh huyền thoại đầy chất thơ, với những sinh vật kỳ ảo và câu chuyện vô cùng kích thích trí tưởng tượng cũng như sự suy tư. Dường như tác giả đã tiến thêm một bước trên hành trình sáng tác của chính cô.
Từ Nếu một ngày chúng tớ biến mất (chung khảo Dế Mèn 2022) đến Ở một nơi có rất nhiều rồng (chung khảo Dế Mèn 2023), văn chương của Mộc An đã tiệm cận đến vẻ đẹp của truyện thiếu nhi trong quan điểm cá nhân của tôi: Một thông điệp nhân văn ẩn chứa trong câu chuyện đủ hấp dẫn, thoát ly chuyện kể về đời sống thường nhật; nhân vật đủ thú vị với nhiều kiểu nhân vật khác nhau (người, thú, sinh vật thần thoại,...); và toàn bộ được hiện ra trước mắt độc giả nhờ dòng ngôn từ thấm đẫm chất thơ.
8. Phù thủy sợ ma (tập thơ của Thụy Anh, minh họa Kim Duẩn, NXB Kim Đồng)
Thơ giản dị, nhuần nhuyễn, vần điệu chỉn chu. Điều này rất cần với trẻ con vì dễ đọc, dễ hiểu, giúp các em làm quen, tiếp cận với thế giới xung quanh. Hay nhất là bài Phù thủy sợ ma được lấy làm nhan đề cho cả tập thơ.
Chúng ta đều biết có câu chuyện phù thủy sợ ma trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam. Đồng thời những năm gần đây trong dịp lễ Halloween, các em nhỏ rất thích tự biến mình thành những cô cậu bé phù thủy, với những cây đũa thần có nhiều phép thần thông biến hóa. Dù là phù thủy, nhưng bên trong chúng vẫn là một đứa trẻ, vẫn luôn có rất nhiều nỗi sợ, trong đó có cả sợ ma.
"Con của tôi khi còn nhỏ, đến ngày Halloween, thường làm rất nhiều thứ đáng sợ để trang trí phòng riêng, nhưng đến tối lại xin ngủ với bố mẹ, vì tự cảm thấy sợ quá. Và khi được mẹ ôm vào lòng, được gọi mẹ ơi mẹ ơi, thì bỗng cảm thấy hết sợ" - nhà thơ Thụy Anh chia sẻ câu chuyện đằng sau "Phù thủy sợ ma" và đó cũng là nguồn cảm hứng cho bài thơ.
Nhà thơ, tiến sĩ giáo dục Thụy Anh, Chủ nhiệm CLB "Đọc sách cùng con" có các tập thơ đã xuất bản: Nhim nhỉm nhìm nhim (2014), Ngày xưa, ngày nay, ngày sau (2014), Mẹ hổ dịu dàng (2014), Vui cùng tiếng Việt (2014), Chào tiếng Việt (2022). Vừa qua, chị ra liền 2 tập thơ thiếu nhi, cùng với Phù thủy sợ ma là Mèo con đếm tuổi (NXB Trẻ). "Những bài thơ bé bỏng này, tôi ước chúng được vang lên như chuỗi cười khúc khích tự nhiên, kể cho bé về thế giới, nói với bé những lời hiền hậu, thân mến" - chị đã ước như thế và đã viết như vậy.
9. "Tôi, bố tôi, và…" và "Từ những bức thư" (chùm bản thảo của Đoàn Lữ Thụy Phương, 10 tuổi, Hà Nội)
Một truyện dài có dung lượng khá đồ sộ của cô bé 10 tuổi – Đoàn Lữ Thụy Phương – với 2 phần tương đối độc lập, nên được Ban sơ khảo gợi ý nên tách ra thành 2 chùm truyện.
Mới đọc, cảm thấy truyện mô tả hơi lan man, tự nhiên, thấy gì kể nấy, không có ý tứ rõ ràng. Nhưng đọc kỹ thấy cả 2 chùm truyện đều khá.
Chùm "Tôi, bố tôi, và..." là những mẩu chuyện về gia đình qua góc nhìn của cô bé, dù có vẻ như thấy gì kể nấy, nhưng tổng thể lại toát lên được bầu không khí của một gia đình vô cùng ấm áp. Ông bố thích "cà khịa", không biết tiếng Anh, chơi bóng bàn dở… nhưng xâu chuỗi tất cả các tình huống vào lại làm nổi bật lên hình tượng của một ông bố cực kỳ thú vị. Hay "cà khịa" làm cô bé phát bực nhưng đó cũng chính đó là một ông bố rất hay ho, rất mực tôn trọng con và chơi với con theo triết lý bình đẳng. Ở đó có mục đích giáo dục sâu xa.
Nhà thơ Đoàn Văn Mật - nguyên mẫu của ông bố cà khịa trong tác phẩm của con gái mình - chia sẻ : "Đối với tôi, không chỉ với Thụy Phương mà cả các em nhỏ xung quanh, tôi chơi đều rất bình đẳng. Tức là tôi chơi với trẻ con giống như khi tôi là trẻ con, chứ tôi không chơi áp đặt theo cách tôi là một người lớn. Bởi vì khi chơi như vậy, chúng sẽ rất dễ chia sẻ và kể những suy nghĩ của chúng cho mình. Cách nói chuyện hằng ngày giữa tôi và con gái giống như 2 người bạn, không có khoảng cách nhiều".
Anh nói thêm: "Ở thành phố, trẻ con thiệt thòi hơn rất nhiều vì các con không có không gian. Chính vì thế, tôi đã cùng con chơi những trò chơi của trẻ con, đọc những cuốn sách của trẻ con, nghe những bài hát của trẻ con, để thấy niềm vui của con cũng là niềm vui của mình...".
Sức tưởng tượng và cả ngôn ngữ văn chương của của cô bé 10 tuổi thật đáng khâm phục: Nhìn cánh chim bố vẽ, em cảm thấy nó "muốn bay lên chơi với cánh chim của tôi". Chùm truyện Từ những bức thư cũng rất kỳ lạ. Chẳng hạn, bức thư của chiếc dép bị bỏ đi. Chiếc dép kể, nó được đưa vào nhà máy tái chế, và "... một anh công nhân hỏi: "Em có muốn mất đi trí nhớ không?" Tớ biết, khi mất trí nhớ thì tớ sẽ không còn nhớ bạn nữa nên dứt khoát trả lời: "Không ạ!" Tái chế xong, tớ thành một đôi giày cao gót đen trắng cho trẻ em. Ngày mai, tớ sẽ được bày bán tại một của hàng giày dép. Hôm nay, nhớ bạn và hy vọng bạn sẽ tìm mua được tớ để chúng ta lại có thể chu du cùng nhau" (Ký tên: Đôi dép cũ của bạn).
Giám khảo Lê Linh nhận xét: "Câu chuyện Từ những bức thư có ý tưởng rất độc đáo, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc: Việc biết lắng nghe từ những vật tưởng chừng như vô tri sẽ khiến chúng ta sống tốt đẹp hơn với mọi người, mọi vật xung quanh vì ai cũng có tâm hồn. Còn lại là những câu chuyện gia đình được kể rất hồn nhiên, trong sáng với lối viết rất hóm hỉnh, đôi lúc khá lan man nhưng ta vẫn thấy trong đó ẩn chứa tình yêu thương to lớn của cô bé 10 tuổi với gia đình của mình và ngược lại".
10. Vua ngan xóm hồ (bản thảo truyện dài của Uông Triều)
Nhân vật trung tâm là Vua Ngan, được xây dựng như một bậc trượng phu, một anh hùng bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống của cư dân ở xóm hồ - khu vườn quê có những vật nuôi thân thuộc như ngan, gà, vịt, chó, mèo. Vua Ngan hội tụ đủ mọi đức tính tốt đẹp: dũng cảm, mạnh mẽ, điềm tĩnh, cẩn trọng, khiêm nhường, có tiếng nói và uy tín với cư dân xóm hồ.
Sử dụng hình thức đồng thoại, khai thác mô-típ phiêu lưu trong thế giới loài vật quen thuộc, song Vua Ngan xóm hồ có những sáng tạo mới mẻ của tác giả. Chỉ từ việc kể, tả diễn biến cuộc sống hằng ngày trong xóm hồ thông qua những mẫu thuẫn, tai họa ập đến, tác giả đã lột tả sinh động tính cách của từng nhân vật, trong đó đậm nét nhất chính là Vua Ngan.
Thông qua những nhân vật đồng thoại, ngoài việc để các em nhỏ có tình yêu với thiên nhiên, loài vật, truyện bồi đắp cho các em có một lòng nghĩa hiệp sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ người khác. Hơn thế, để các em có nhận thức đấu tranh với những cái xấu, những cái chưa tốt trong đời sống.
Không trực diện, khiên cưỡng, các bài học đạo đức được hiển lộ từ diễn biến của tình huống truyện với giọng văn hài hước, mềm mại, và dễ chịu. Trong đó, tác giả chú trọng đến yếu tố thoại, mô tả hành động thay vì suy nghĩ của nhân vật. Điều này còn cho thấy ở Uông Triều có sự thấu hiểu tâm lý trẻ em và nhạy bén nắm bắt được đặc tính của các loài vật trong tự nhiên.
Có thể thấy, cảm hứng của Uông Triều về sự anh hùng, nghĩa hiệp rất mạnh. Đó là lý do những chuỗi truyện của anh được gắn kết từ Ong Béo và Ong Gầy đến Vua Ngan xóm hồ, cũng như những tập truyện dự định viết sau này sẽ có chung một tinh thần và triết lý như vậy.
Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023 vinh dự nhận được sự đồng hành của nhà tài trợ chính: Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải. Đồng tài trợ: Tập đoàn TH (đơn vị sở hữu thương hiệu TH True Milk).
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất