06/08/2013 09:00 GMT+7 | Trong nước
Tờ "The Washington Post" đưa tin nhiều năm sau năm 1975, quân đội Mỹ vẫn tiếp tục sử dụng các máy bay từng rải chất độc diệt cỏ (Agent Orange) ở Việt Nam để vận chuyển binh lính, nhưng không thông báo cho các cựu binh Mỹ về những rủi ro bệnh tật do chất độc nguy hiểm này gây ra.
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn tin của tờ "The Washington Post" số ra ngày 4/8 cho biết khoảng 30 máy bay vận tải quân sự C-123, từng được sử dụng để rải hàng triệu lít chất độc da cam/dioxin xuống lãnh thổ Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, vẫn được quân đội Mỹ sử dụng để vận chuyển binh lính cho tới năm 1982, khi số máy bay này bị hủy bỏ.
Dưới tiêu đề "Tác nhân cam vượt ra ngoài cuộc chiến Việt Nam" (Agent Orange’s reach beyond the Vietnam War), tác giả bài báo Steve Vogel cho biết từ sau năm 1975 đến năm 1982, có khoảng 1.500 lính vệ binh không quân và dự bị của Mỹ tiếp tục được vận chuyển trên các chuyến bay C-123 và nhiều người trong số họ có thể đã bị nhiễm bệnh vì thứ chất độc chết người này vẫn còn tồn dư trên những chiếc máy bay này.
Điều đáng nói là không quân Mỹ chưa bao giờ thông báo cho các binh lính từng sử dụng các máy bay C-123 này hoặc những người từng làm việc trong khu bãi chứa máy bay tại căn cứ không quân Davis-Monthan thuộc bang Arizona về những căn bệnh nguy hiểm có thể bị nhiễm do tiếp xúc với chất độc này. Cựu thiếu tá không quân Wes Carter, người từng làm sỹ quan quân y trên các máy bay C-123 hơn 10 năm, cho rằng đã tới lúc phải thông báo cho các cựu binh Mỹ từng tiếp xúc với máy bay C-123 biết những rủi ro bệnh tật để họ có thể đòi bồi thường.
Một số nghị sỹ Mỹ đã lên tiếng yêu cầu điều tra về việc sử dụng vô trách nhiệm số máy bay này. Tuy nhiên, tác giả bài báo cho biết cái khó là cho tới nay, Bộ các vấn đề cựu binh Mỹ vẫn chưa thừa nhận có mối liên quan giữa các căn bệnh nguy hiểm với chất dioxin diệt cỏ từng được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam từ năm 1962 đến năm 1971 trong chiến dịch có mật danh "Ranch Hand".
Bài báo cho biết không quân Mỹ từng có kế hoạch bán số máy bay vận tải quân sự này, nhưng vào năm 1996 phải từ bỏ ý định và đưa số máy bay này vào một khu vực cách ly, sau khi có những bằng chứng về 18 chiếc C-123 còn tồn dư chất độc da cam/dioxin. Đến năm 2010, không quân Mỹ cho phá hủy và đốt 18 chiếc máy bay này ở nhiệt độ 1.400 độ C, sau đó đóng thành khối bán cho ngành công nghiệp chế tạo ô tô, một phần vì lo ngại trách nhiệm với chất độc da cam đã sử dụng.
Chiến dịch "Ranch Hand" của Mỹ đã gây ra nhiều di chứng và bệnh tật đối với nhiều thế hệ người Việt Nam và binh lính Mỹ. Đến nay đã có khoảng 260.000 lính Mỹ nộp đơn đòi bồi thường về những căn bệnh liên quan đến chất độc da cam và Bộ các vấn đề cựu binh Mỹ vẫn chỉ cam kết xem xét từng trường hợp.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất