Vụ bê bối FIFA và những hệ lụy: Tương lai bất định của những giải lớn

01/07/2015 19:51 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Ở thời điểm này, không ai có thể đánh giá đầy đủ và lường được những hậu quả của vụ bê bối ở FIFA và việc Chủ tịch Sepp Blatter từ chức.

Ngay trong đại hội toàn thể lần thứ 65 của FIFA ở Zurich, Thụy Sĩ, Bộ tư pháp Mỹ, thông qua thỏa thuận dẫn độ với cảnh sát Thụy Sĩ, đã bắt giữ 14 người, bao gồm 9 thành viên đương nhiệm và cựu thành viên của Ủy ban điều hành FIFA (Exco). Văn bản truy tố họ nói ở FIFA đã hình thành nên “một văn hóa tham nhũng và tham lam khiến cho sân chơi của môn thể thao lớn nhất thế giới trở nên hoàn toàn thiếu bình đẳng”.

LĐBĐ Bắc, Trung Mỹ và Caribe (CONCACAF) là bị ảnh hưởng nặng nhất trong vụ bố ráp, khi Chủ tịch của họ, cũng là Phó Chủ tịch FIFA, Jeffrey Webb cùng cựu Chủ tịch Jack Warner đều xộ khám. Kẻ khai ra các đầu mối là cựu Tổng thư ký Concacaf Chuck Blazer. Cơn cuồng phong ở FIFA lên tới đỉnh điểm vài ngày sau đó, khi Blatter tuyên bố từ chức. “Dù các thành viên FIFA đã ủy nhiệm cho tôi, sự ủy nhiệm này có vẻ không còn nhận được sự ủng hộ của tất cả mọi người trong thế giới bóng đá”, ông Blatter nói trong buổi họp báo chia tay, gần như ngay sau khi thắng cử nhiệm kỳ thứ 5.

Các giải đấu sẽ ra sao?

Gần nhất là giải Copa America kỷ niệm 100 năm, dự kiến sẽ được tổ chức ở quy mô cả châu Mỹ tại Hoa Kỳ. Ngoài hàng loạt quan chức CONCACAF bị bắt, hai nhân vật cộm cán của LĐBĐ Nam Mỹ (CONMEBOL), các cựu Chủ tịch Eugenio Figueredo và Nicholas Leoz cũng đã phải cho tay vào còng. Bản luận tội 160 trang của Bộ tư pháp Mỹ nói các khoản hối lộ liên quan tới những quyền thương mại của giải liên Mỹ vào năm 2016 lên tới 110 triệu USD.

Tiếp theo sẽ là World Cup 2018, dự kiến tổ chức ở Nga. Mỹ có vẻ làm căng ở FIFA còn vì tình hình chính trị Nga-Mỹ đang căng thẳng hơn bao giờ hết từ thời chiến tranh lạnh vì hàng loạt các sự cố, từ vụ Edward Snowden tới cuộc khủng hoảng Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin nói việc Mỹ bắt bớ ở FIFA là “một hành vi ngạo mạn của nước Mỹ nhằm vươn xa cánh tay tư pháp của họ ở các nước khác”. Trong khi đó, các thượng nghị sĩ Mỹ John McCain và Richard Durbin đã kêu gọi FIFA tước quyền đăng cai của Nga. Domenico Scala, chủ tịch ủy ban kiểm toán độc lập của FIFA, nói mọi giải đấu có dấu hiệu mua bán sẽ phải xem xét lại địa điểm đăng cai, nhưng ông Putin đã thách thức: “Nếu có bằng chứng thì cứ trưng ra, chúng tôi đã chiến thắng một cách sòng phẳng và sẽ tổ chức World Cup”.

Xa hơn nữa sẽ là World Cup 2022 ở Qatar. Là một giải đấu xa hơn và không có được sức mạnh trên trường quốc tế như Nga, Qatar đứng trước sức ép lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, cựu đại sứ Qatar ở Mỹ, Nasser bin Hamad al-Khalifa, đã cảnh báo việc tước quyền đăng cai của nước này “sẽ là hành vi chống lại hàng triệu người A-rập và hàng tỉ người Hồi giáo thể hiện định kiến thù hằn của phương tây”.

Ai thay Blatter?

Các vấn đề vướng mắc sẽ còn để ngõ cho tới khi FIFA tìm được người thay thế Blatter. Theo quy định của tổ chức này, các nước thành viên có ít nhất 4 tháng để gặp lại nhau và bầu ra một chủ tịch mới. Scala cho biết bầu cử sẽ được tổ chức ở một thời điểm trong khoảng tháng 12/2015 tới tháng 3/2016.

Những ứng viên hiện giờ cũng còn chưa lộ mặt, dù báo chí đồn đoán sẽ có hoàng tử Jordan Ali bin al-Hussein, Chủ tịch UEFA Michel Platini hay thậm chí là cựu danh thủ Luis Figo. Dù người thay thế có là ai, thách thức tiếp theo của người thắng cử với cương vị đứng đầu FIFA là rất nặng nề: Giải quyết những vấn đề đã nêu ở trên và quan trọng hơn, vãn hồi sự tin tưởng với tổ chức thể thao lớn nhất hành tinh.

18 Ngay cả khi có ra đi vào năm 2016, Blatter cũng đã có 18 năm liên tiếp làm chủ tịch FIFA.

110 Tổng số tiền hối lộ liên quan tới giải liên Mỹ dự kiến tổ chức năm 2016 ở Mỹ lên tới 110 triệu USD, theo cáo buộc của Bộ tư pháp Mỹ.

209 FIFA hiện có tất cả 209 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên. Liên Hiệp Quốc mới có 193 thành viên và 2 quan sát viên.


Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm