08/03/2016 06:35 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Giống như một lời hẹn, ca sĩ Bằng Kiều trở về Hà Nội trong mùa Xuân này với hai đêm nhạc tôn vinh phụ nữ Cơn mơ băng giá diễn ra vào 7-8/3 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô Hà Nội.
“Thường thì Hà Nội vẫn ấn tượng với mùa Thu nhưng với tôi Hà Nội còn có mùa Xuân. Năm nay, mùa Xuân ở Hà Nội lại rất đẹp, từ thiên nhiên đến con người. Tôi thích không khí đi thăm gia đình, tảo mộ trong những ngày mùa Xuân tươi mới. Và khi có những cảm xúc nhất định như vậy, tôi làm việc thấy hứng thú và có nhiều năng lượng” – ca sĩ Bằng Kiều bộc bạch về lần trở về thứ 10+ trong một live show “cháy vé” sau 1 tuần mở bán.* Mỗi khi các nghệ sĩ làm show, luôn khiến công chúng bận tâm đến yếu tố “mới”. Còn với anh, đâu mới thật sự là mới?
- Mới là một khái niệm hơi trừu tượng vì một nét nhạc mới cũng gọi là mới. Với tôi, vấn đề là cảm xúc và thời điểm. Mỗi thời điểm ca sĩ đều hát với một cảm xúc khác. Điều đó đòi hỏi người nghệ sĩ phải cập nhật xu hướng âm nhạc để hòa quyện với cảm xúc của khán giả. Nó quan trọng hơn là cố tình làm điều gì đó khác lạ rồi gọi đó là mới. Nên làm cho đúng cảm xúc của khán giả trong từng thời điểm với tôi gọi là mới.
* Anh từng chia sẻ, sự không đổi thay của mình là vì anh rất biết khán giả muốn gì ở mình?
- Nói thật là tôi đã hát hết các loại nhạc rồi. Và hầu như nhạc nào, tôi cũng đều hát như người tiên phong, từ nhạc mới, nhạc trẻ, nhạc xưa, nhạc đỏ, nhạc thính phòng...
Tôi không làm gì khác ngoài âm nhạc, không chiêu trò, kỹ xảo nên trong mỗi chương trình, tôi chọn điểm nhấn từ bản phối, cách kết nối giữa bản nhạc tinh tế.
Và để khán giả không cảm thấy nhàm chán khi mình đã hát đến lần thứ 9 – 10, tôi chọn lựa là đem lại cảm xúc quen có, lạ có và khán giả cho tới bây giờ vẫn yêu mến và ủng hộ thì có thể gọi đây là sự trùng hợp đáng quý giữa tôi và công chúng của mình.
* Hát về một nửa thế giới. Vậy trong suy nghĩ của anh, phụ nữ là gì?
- Tôi không dám thay mặt phái mạnh mà chỉ có thể đại diện cho một số người đàn ông, để phát biểu rằng: phụ nữ là đời sống của người đàn ông. Người đàn ông thành công, hạnh phúc, đau khổ, thất bại, nguyên nhân hầu như là phụ nữ.
Khi người ta nói “đằng sau thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ” thì với tôi, đằng sau sự thất bại cũng phải có bóng dáng họ.
* Nghe có vẻ như là một sự đổ lỗi ngầm về phụ nữ ấy nhỉ?
- Không đổ lỗi đâu mà đó là sự gắn bó, gắn liền giữa hai thế giới. Bởi từ khi sinh ra đến khi vào cuộc sống thì mối quan hệ này vẫn hiện hữu, từ quan hệ mẹ con, anh chị em trong gia đình. Người đàn ông dù có làm gì lớn lao đến đâu thì cũng không thể thiếu người phụ nữ nên họ chịu sự tác động từ phụ nữ là đương nhiên và rất nhiều là đằng khác.
Với tôi, hạnh phúc nhất hay đau khổ nhất cũng từ phụ nữ mà ra. Cái lỗi của người phụ nữ là làm cho người đàn ông quá hạnh phúc. Cho nên đến lúc đau khổ người ta mới cảm nhận lại được.
Nên ngay cả khi có tiền tài danh vọng nhưng không may mắn có được người phụ nữ đồng hành thì tôi vẫn thấy đau khổ. Ngược lại, khi tôi chưa thành công hay đã thành công, tôi vẫn hạnh phúc với những người phụ nữ trong cuộc đời mình.
Đó có thể là quan điểm chủ quan của tôi!
* Vậy theo anh, thế nào là một phụ nữ hạnh phúc?
- Mỗi người là một cá thể nên hạnh phúc của người này, đôi khi là đau khổ của người khác. Từ cảm nhận của riêng mình, tôi nghĩ phụ nữ hạnh phúc (hay cả đàn ông cũng vậy) là người luôn mở lòng với xung quanh. Bởi khi đó, họ sống không có sự so sánh cuộc sống của mình với người khác, ganh ghét, đố kị, làm cho mình thất vọng hay đau khổ,.
* Người phụ nữ trong cuộc sống hiện nay cần có những kỹ năng gì để bảo vệ gia đình trước sự phức tạp của xã hội, theo anh?
Quy mô quá nhỉ? Phạm trù này lớn quá, tôi nghĩ không thể nói vài câu mà xong được. Nhưng các cụ đã có câu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” nên nếu mỗi người trong gia đình quán triệt được vai trò của mình, thì việc bảo vệ gia đình sẽ có xác suất lớn hơn.
Chồng đi làm về có cơm ngon canh ngọt chắc cũng sẽ ngại đi đâu. Nhưng xã hội hiện nay đã bình đẳng nên tôi nghĩ người đàn ông cũng phải xây tổ ấm, người đàn bà cũng phải xây nhà. Mỗi người trong vai trò của mình nên cần có sự “du di”, nâng đỡ nhau cũng là bảo vệ nhau.
Tuy nhiên, một cách không kì thị nhưng theo cảm nhận của tôi, đặc trưng phụ nữ Việt Nam giữa miền Bắc và miền Nam hơi khác biệt. Những phụ nữ miền Bắc mà tôi biết hoặc chơi thân, họ là những người mà dù có là diva, bà hoàng ở xã hội thì khi về nhà, họ vẫn là những người phụ nữ “xắn quần lên đến háng” để chu toàn việc nhà. Đó là điều tôi thấy lợi thế.
* Chứ anh không cho là họ vất vả hơn?
- Tôi cho rằng đa phần là họ hạnh phúc về sự vất vả đó vì nhiều người không muốn ai chăm sóc chồng con mình ngoài tay mình. Trong khi phụ nữ miền Nam có vẻ hướng ngoại hơn. Một số người đã thành công ở ngoài xã hội thường có cách chăm sóc gia đình theo kiểu gián tiếp kiểu điều hành osin chẳng hạn.
* Vậy nếu được chọn, anh sẽ chọn “mẫu” nào?
- Tôi thích mẫu phụ nữ miền Bắc nhưng cuộc sống thực tế thì toàn gặp phụ nữ miền Nam. Có lẽ là số phận. Nhưng vì cảm xúc cá nhân là điều quyết định mình gắn bó với ai nên lúc nào tôi cũng hài lòng và hạnh phúc với người phụ nữ của mình!
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
An Yên (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất