Rubik bóng đá: Máy bay quân sự kiểu Argentina

24/06/2014 14:17 GMT+7 | Bảng F

(Thethaovanhoa.vn) - Khi nói về máy bay không người lái, người ta nghĩ đến một loại thiết bị quân sự tối tân của các nước phát triển. Nhưng đôi khi, những “máy bay không người lái” có thể được tạo ra rất đơn sơ.

1. Cách đây vài tháng, giới chức Hàn Quốc phát hiện ra một máy bay do thám không người lái rơi gần biên giới phía Bắc nước này.

Chưa thể xác định nó thuộc về tổ chức nào, nhưng điều khiến dư luận đặc biệt thú vị là cấu tạo của máy bay: nó là một chiếc máy bay điều khiển từ xa khá thô sơ, bên trong gắn một chiếc máy ảnh kỹ thuật số, loại có thể mua trên thị trường với giá khoảng 1.000 USD.

Để so sánh, bầu trời của các thành phố đăng cai World Cup 2014 được tuần tra bởi những chiếc máy bay không người lái hiệu Hermes 450, được sản xuất ở Israel với giá 2 triệu USD/chiếc. Máy bay do thám mà người Hàn Quốc bắt được có lẽ không tới 1% giá đó. Đó là chưa kể tới những loại như Predator của Mỹ, có thể lên đến 4 triệu USD/chiếc.

Nhưng rốt cục thì giữa một chiếc máy bay tối tân của Israel so với loại máy bay điều khiển từ xa gắn máy ảnh KTS thô sơ kia, có chắc rằng chúng hiệu quả hơn trong hoạt động tình báo?

Cần biết rằng trong chiếc máy ảnh rẻ tiền mà Hàn Quốc thu được, họ phát hiện thấy ảnh của Phủ tổng thống (Nhà Xanh). Trong một tình huống nào đó, liệu đó có thể là một khoảnh khắc mang thông tin tình báo quan trọng? Tại sao một máy ảnh KTS độ phân giải tốt, nếu đã xuất hiện trên bầu trời Seoul, lại không có cơ may chộp được một bí mật?

2. Đã có quá nhiều ý kiến chỉ trích Argentina phụ thuộc hoàn toàn vào Messi và 10 người còn lại trong đội hình chơi như những kẻ mất hồn. Trận thắng trước Iran một lần nữa khẳng định điều đó.

Nhưng hãy thử “vị tha” và tưởng tượng rằng Argentina là một chiếc máy bay không người lái loại thô sơ như chiếc đã rơi ở Hàn Quốc.

Đó chỉ là một bộ khung cơ bản có thể bay lên được, hình dáng quê kệch, và chức năng duy nhất của nó là mang theo một chiếc máy ảnh KTS, bộ phận quan trọng nhất của nó. Nhưng ở đây, máy ảnh của người Argentina là một chiếc siêu-máy-ảnh, có độ zoom cực cao và độ phân giải siêu nét.

Tất nhiên, với những người hâm mộ luôn kỳ vọng cao, thì chỉn chu nhất, các đội tuyển nên là những chiếc Hermes hoặc Predator, thiết kế tinh tế, tầm hoạt động rộng, trần bay cao, có thể vừa chụp ảnh do thám vừa bắn tên lửa ám sát. Một khối thống nhất và toàn vẹn.

Nhưng trong một số khoảnh khắc, như đã chỉ ra, thì một bộ khung thô sơ mang theo một thiết bị hoạt động hiệu quả, có thể làm nên chuyện.

3. Và bóng đá hay tình báo cũng vậy, rất thú vị, lại là câu chuyện của những khoảnh khắc. Có thể cả một quá trình, chiếc máy bay kiểu Argentina không chụp được nhiều ảnh như máy bay của Đức, Hà Lan, Pháp. Nhưng nếu chiếc máy ảnh Messi “chụp” được một khoảnh khắc đắt giá thì thậm chí có thể xoay chuyển cục diện của cả cuộc chiến.

Hãy tưởng tượng rằng bàn thắng của Messi vào lưới Iran giống như một chiếc máy ảnh KTS chụp được cuộc gặp bí mật cấp nguyên thủ quốc gia.

Thực tế đã chỉ ra, hơn một lần trong sự nghiệp của mình, dù là trước Iran đêm trước, hay là rất nhiều trận đấu của Barcelona, Messi là người xoay chuyển cục diện.

Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ Đức đã vào đến chung kết World Cup 2002 chỉ nhờ một cái tên: Oliver Kahn. Thời ấy, có báo vẽ biếm họa: Rudi Voller vẽ lên bảng sơ đồ xuất phát gồm 11 vị trí đều là Kahn, rồi hỏi học trò, các anh còn ý kiến gì nữa không?

World Cup, giải đấu diễn ra rất chóng vánh, khác với giải VĐQG, có thể được quyết định chỉ bằng một vài khoảnh khắc.

Hãy cứ để người Argentina hy vọng, dù hy vọng này cũng không quá lớn.

Messi chỉ cần xuất sắc trong một tích tắc

Công bằng mà nói, số 10 của tuyển Argentina chơi không tốt trước Iran. Anh không tìm được khoảng trống trên sân, anh bị cản phá rất nhiều và cố gắng chống lại một hàng thủ được tổ chức tốt. Các đồng đội của Messi thất bại trong nỗ lực hỗ trợ anh, khi cả Gonzalo Higuain và Sergio Aguero đều tấn công rất ít, thậm chí là vô hại. Tuy nhiên, Messi một lần nữa chứng minh được vì sao anh là một trong số những cầu thủ xuất sắc nhất mọi thời đại khi ghi bàn từ cú cứa lòng ở những phút bù giờ. Cả đội chơi tồi, nhưng Messi đã tạo ảnh hưởng lớn.


ĐỨC HOÀNG
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm