Philipp Lahm & 'Nghi án' đồng tính một thời

19/07/2014 07:46 GMT+7 | Thế giới Sao

(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây 3 năm, khi gõ Google Đức “Philipp Lahm”, thì dòng hiển thị đầu tiên sau tên của đội trưởng đội tuyển Đức là “Philipp Lahm schwul” (Tức là Philipp Lahm gay trong tiếng Đức).

Giới tính của Lahm được đưa vào diện nghi vấn từ khi anh xuất hiện tại World Cup 2006 diễn ra ngay trên đất Đức. Khi Lahm tiếp quản chiếc băng đội trưởng từ Michael Ballack, tin đồn này càng lan mạnh hơn đến độ mà chính hậu vệ 30 tuổi này đã phải lên tiếng.

“Tôi không phải người đồng tính”

“Tôi không phải người đồng tính. Tôi không cưới vợ mình – Claudia để che giấu điều gì về đời tư của tôi. Và tôi cũng không hề có bạn trai nào ở Cologne”, đó là những gì Lahm viết trong cuốn tự truyện của mình xuất bản năm 2011. Nhưng Lahm cũng thừa nhận rằng mình được rất nhiều các chàng Gay để ý và từng bất ngờ bị một vị khách không mời “ghé thăm” ngay trước cửa nhà để bày tỏ lòng mến mộ.

Người đàn ông đó có đôi mắt ướt, theo lời kể của Lahm, đã nói với anh rằng: “Philipp, Em yêu anh. Em có thể vào nhà của anh không?” Lahm đã phản ứng khá gay gắt và sau đó quyết định chuyển nhà. Anh cũng phản pháo lại những thông tin liên quan đến một người đàn ông bí mật được cho là bạn trai lâu năm của anh đang sống ở Cologne. “Những tin đồn ấy chẳng có nghĩa gì với tôi cả. Tôi không phản đối người đồng tính. Nhưng không có nghĩa tôi là Gay. Người ta không nên tin vào một người đàn ông đi khắp Cologne để bịa đặt rằng tôi sống với anh ta”.

Nhưng có vẻ như những lời giải thích ấy của chàng hậu vệ nhỏ con này lại phản tác dụng. Thay vì thảo luận về cuốn sách của Lahm, người ta lại tập trung vào câu chuyện giới tính của các tuyển thủ Đức. Giống như những nơi khác ở châu Âu, Đức không có những người đồng tính thừa nhận công khai về giới tính thật của mình. Vào năm 2012, cựu quản lý của cựu đội trưởng Michael Ballack đã chia sẻ vào báo chí rằng tuyển Đức là một “tập hợp bởi những chàng Gay”.

Nhà báo của tờ Spiegel, Alexander Osang còn viết: “Tất cả nhà báo thể thao đều biết hoặc đoán được những cầu thủ đồng tính trong đội hình của HLV Joachim Loew”.

“Bóng đá là pháo đài cuối cùng của phái mạnh”

Về phía Lahm, dù không phản đối nhưng anh cũng đưa ra quan điểm về việc những cầu thủ đồng tính có nên tiết lộ về giới tính của mình hay không. “Tôi sẽ không khuyên bất kỳ cầu thủ nào nói ra giới tính thật của mình. Tôi sợ rằng họ sẽ có một kết cục như Justin Fashanu, cầu thủ Anh quốc đầu tiên dũng cảm làm việc đó, nhưng cuối cùng cũng không thể chịu được búa rìu dư luận và tự tử”.

Hồi đầu năm, cựu tiền vệ đội tuyển Đức và CLB Aston Villa Thomas Hitzlsperger trở tuyển thủ Đức đầu tiên công bố mình là “Gay”. Đó là tin tức gây sốc cho cả thế giới bóng đá bởi khi còn thi đấu, Hitzlsperger khá có tên tuổi. Tuy nhiên, số đông đều ủng hộ quyết định của anh và bày tỏ lòng ngưỡng mộ trước sự dũng cảm của cầu thủ 32 tuổi này.

Nhà nhân chủng học Tatjana Eggeling, người thường xuyên viết về những vấn đề và lời khuyên cho các cầu thủ đồng tính đã nhắc đi nhắc lại rằng sẽ là không khôn ngoan nếu một cầu thủ công khai giới tính thật của mình. Theo bà thì điều này sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sự nghiệp của cầu thủ đó.

“Bóng đá là pháo đài cuối cùng để thể hiện bản lĩnh phái mạnh, nơi mà một người đàn ông có thể sụp đổ hoặc đau buồn khi đội bóng của anh ta xuống hạng. Bóng đá ngập tràn cảm xúc. Kẻ thua cuộc sẽ phải hứng chịu sự soi xét kỹ càng của đám đông, từ phông văn hóa, cho đến vùng miền và cả thể trạng cầu thủ. Rất nhiều người đã phải chấm dứt sự nghiệp khi không thể chịu được áp lực tăng gấp đôi khi họ công bố giới tính thật của mình”, bà cho biết.

Trong khi đó, các lãnh đạo liên đoàn bóng đá Đức thì cho biết họ sẵn sàng dang rộng vòng tay chào đón cũng như ủng hộ bất kỳ cầu thủ nào công khai đồng tính.

Năm 2007, có một tạp chí dành cho giới đồng tình đã có bài phỏng vấn đầu tiên dành cho một cầu thủ về vấn đề nhạy cảm này. Người đó là Lahm.

Những cầu thủ thừa nhận mình đồng tính

Ngoài Thomas Hitzlsperger, còn có khá nhiều cái tên khác trong giới bóng đá từng công nhận mình là dân đồng tính.

Đầu tiên phải kể đến Marcus Urban, một cầu thủ Đức sáng giá thập niên 80-90 thế kỷ trước. Sau khi sự nghiệp thụt lùi vì chấn thương, Marcus đã mạnh dạn chia sẻ mình là dân đồng tính. Anton Hysen là cầu thủ điển trai người Thụy Điển. Khi anh công khai về giới tính thật của mình năm 2011, các fan nữ chao đảo vì sốc. Hysen sở hữu một gương mặt và thể hình không thua kém bất kỳ siêu mẫu nào.

Vào đầu năm 2013, ngôi sao bóng đá người Mỹ Robbie Rogers tuyên bố giải nghệ sớm đồng thời công khai mình là Gay ngay trong buổi họp báo. Tuy nhiên, sau đó anh vẫn được LA Galaxy mời ký hợp đồng.

Trước đó, có cầu thủ khác là David Testo cũng dũng cảm nói lên sự thật nhưng anh không gặp may như Rogers. Sau khi công bố mình là Gay, Testo đã chôn vùi sự nghiệp của mình, thậm chí bị giải tán hợp đồng với Montreal Impact.

Cầu thủ người Na Uy Thomas Berling đã lặng lẽ giải nghệ một cách bất ngờ và không nêu rõ lý do năm 2000. Trước đó, anh công khai đồng tính và điều này được cho là nguyên nhân dẫn tới quyết định giã từ sự nghiệp của Berling. Anh bị kỳ thị và không thể tìm tiếng nói chung với các đồng nghiệp.

Nhưng câu chuyện bi thảm nhất là của Justin Fashanu, cầu thủ nổi tiếng người Anh thập kỷ 80, 90. Ông từng giành rất nhiều thành công, là cầu thủ da đen đầu tiên có mức chuyển nhượng lên đến hàng triệu bảng, thậm chí chuẩn bị được gọi vào đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, sau khi công khai mình là người đồng tính năm 1990, sự nghiệp của Fashanu lao dốc thảm hại. Ông giã từ năm 1994 và tự tử 4 năm sau đó khi dính vào nghi án xâm hại tình dục.


Yến Nhi
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm