Tranh sơn mài nhưng không…“mài”!

02/04/2009 15:36 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Triển lãm sơn mài Mùa biến thể của Võ Xuân Huy đang diễn ra tại Phòng tranh Tự Do (53 Hồ Tùng Mậu, Q.1, TP.HCM) có thể khiến cho nhiều người ngạc nhiên. Đa phần các bức tranh sơn mài được tác giả để ở dạng thô, nghĩa là không phải mài nhẵn, trong, bóng và sâu như kỹ thuật sơn mài truyền thống quy định….

Nỗ lực “biến thể” sơn mài

Nếu người xem đã quen mắt với tác phẩm sơn mài của những bậc thầy như Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Tư Nghiêm, Lê Quốc Lộc, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng... thì sẽ cho rằng Võ Xuân Huy ngày hôm nay không biết làm sơn mài, cho dù anh là giảng viên của bộ môn này tại Huế. Nhưng vì sơn mài mà “không mài” thì với nhiều người đó không phải là sơn mài.

Làm sơn mài từ 1995, Võ Xuân Huy là người khá am tường thể loại này, anh chỉ thực sự cách tân sơn mài từ năm 2007, khi đã có nhiều “va chạm” với môi trường mỹ thuật quốc tế, và biết rằng trong chất liệu này còn có nhiều tiềm lực và kỹ thuật, không chỉ có “nhẵn, trong, bóng và sâu”. Trong triển lãm lần này, như một cuộc “dung hóa” tất cả các kỹ thuật mà anh nắm bắt được, Võ Xuân Huy đã “cho cả” đất bùn, vỏ lon, sành sứ và nhiều thứ khác vào tranh. Những tác phẩm như Hóa thạch đương đại, Những con chữ, Tự sự của đất… thể hiện khá rõ sự tổng hợp chất liệu này.
 
Nghệ sĩ Võ Xuân Huy

Nếu chấp nhận với quan niệm của Võ Xuân Huy là “sơn mài có thể không mài”; và như nhận xét của nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quân: “Tôi thấy họa sĩ đã không xuất phát từ bề mặt đã hoàn thành của sơn mài để dùng nó như một ngôn ngữ có sẵn cho sự biểu hiện mà từ chính bên trong quá trình phôi thai của chất liệu. Những đặc điểm chất liệu và kỹ thuật từ rạn vỡ, nhăn co tới mài bóc, đắp phủ… được “thuần hóa” và sử dụng rất chủ động để cảm hứng sáng tác được hiện hình trực tiếp, trực diện, tức thời. Họa sĩ đã dũng cảm “can thiệp” vào ngữ pháp và từ vựng tưởng như đã định hình bất biến của chất liệu cổ truyền”. Triển lãm Mùa biến thể, qua những “biến thể” về kỹ thuật, đã phô diễn được với người xem về những “rạn nứt” trong đời sống văn hóa của xã hội hôm nay. Nó cũng nói lên được sự mong manh đến sắp vỡ của những hình ảnh cũ còn sót lại trước “cơn bão” đô thị hóa. Nó cũng chính là sự bề bộn, đổ nát, mất mát; và cũng là một cuộc hoài niệm về các chân giá trị truyền thống, về sự biến đổi.
 
Biến thể và ứng dụng

Trong Mùa biến thể, người xem cũng có thể được chiêm ngưỡng những tác phẩm sơn mài “thực thụ”, khi Võ Xuân Huy dùng sơn ta, chất liệu truyền thống từ Phú Thọ. Điều này cũng khác với nhiều họa sĩ sơn mài nổi tiếng ở Hà Nội hiện nay, họ thường dùng sơn Nhật cho thuận tiện và giản lược được một vài bước thực hiện.

Nhận định về triển lãm này, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quân viết tiếp: “… Bức tranh trở thành các tác phẩm biểu hiện trừu tượng của chủ nghĩa hiện đại. Bảng màu được mở rộng với các gam lạnh, nhẹ cùng sự thoáng qua khó nắm bắt. Võ Xuân Huy không nương nhờ vẻ đẹp vàng son, trầm ấm hay cái điệu đà, duyên dáng của sơn mài “cổ”, cũng không cầu viện nơi các mô-típ, chủ đề “dân gian, lễ hội hay tâm linh”! Những bức không hình trực chỉ từ cảm thức sáng tạo hiện đại và các đặc điểm chất liệu, kỹ thuật đã đưa sơn mài sang hẳn địa hạt của tâm tình hội họa”.

Tuy nhiên, nếu không đồng ý với khái niệm “sơn mài có thể không mài”, thì chúng ta vẫn có thể nói Võ Xuân Huy là người ứng dụng kỹ thuật sơn mài để làm nên những tác phẩm theo cách nghĩ của riêng mình. Những tác phẩm này, sẽ xác đáng hơn, nếu gọi nó là tác phẩm tổng hợp, một phong cách phổ biến trong nhiều họa sĩ đương đại hiện nay. Xem Mùa biến thể, cũng vóc, sơn, rồi các bước thực hiện y như sơn mài truyền thống, nhưng về bề mặt, họa sĩ đã “bổ túc” rất nhiều thứ mà không bao giờ nhìn thấy trong chất liệu truyền thống, và đặc biệt là sự “không mài”, chính điều này đã tạo ra sự “dị ứng” nơi người xem.
 
Tác phẩm Hóa thạch đương đại 1, 100x100cm
 
Khắt khe thì như vậy, nhưng những nỗ lực và khát khao tìm kiếm một cách thể hiện khác, một điểm nhìn khác về sơn mài là điều nên được cảm thông, và trân trọng. Bởi cũng từ chất liệu sơn ta (sơn An Nam = laqued’Annam), cũng từ các quy tắc khá rập khuôn của sơn mài mỹ nghệ mà nghệ nhân Phó Thành (tức Ðinh Văn Thành, 1898-1977) thời bấy giờ đã phát triển tại Hà Nội, thì chính họa sĩ Joseph Inguimberty (1896-1971) người Pháp, đã giúp các học trò của mình cách tân nó trong trường Mỹ thuật Đông Dương. Vì các “biến thể” của mình, Inguimberty và các họa sĩ sơn mài thời kỳ đầu, đã đưa được sơn mài từ mỹ nghệ thành tác phẩm nghệ thuật. Mà nghệ thuật thì “không ổn định”, vì nó luôn biến thiên và không thể sản xuất hàng loạt.

Võ Xuân Huy vẫn còn hơi băn khoăn giữa “khuôn thước” và “biến thể”, các tác phẩm dường như vẫn chưa “bung” hết sự cách tân và đột phá. Dường như họa sĩ vẫn muốn giữ gìn một “vệt nối” với sự chuẩn mực của sơn mài truyền thống; vẫn muốn bắt một nhịp cầu để người xem có thể hiểu được mình, hiểu được tiến trình của sơn mài. “Tác phẩm đẹp nhất, mới nhất là tác phẩm chưa sáng tác” – Võ Xuân Huy nói với tôi như vậy sau ngày khai mạc triển lãm. Hi vọng, với nỗ lực “biến thể” của bản thân, trong tương lai họa sĩ này sẽ còn đi xa hơn nữa.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm