05/08/2024 05:30 GMT+7 | Thể thao
Dù chưa mang về huy chương Olympic nhưng Trịnh Thu Vinh đã tạo ra cú hích cho bắn súng Việt Nam, gợi mở hướng đầu tư, đào tạo và đặt niềm tin vào VĐV trẻ.
Không giành được huy chương nhưng việc vào chung kết cả 2 nội dung ngay lần đầu góp mặt ở Thế vận hội có thể xem là sự khích lệ đối với xạ thủ Trịnh Thu Vinh. Trước khi đoàn TTVN lên đường dự Olympic Paris, giới chuyên môn và các nhà quản lý đều đã đưa ra nhận định, bắn súng là một trong những môn có thể tranh huy chương. Từ thành tích của Trịnh Thu Vinh cho thấy, đó là những đánh giá có cơ sở. Bởi lẽ, nhìn lại quá trình đầu tư cho các môn thể thao trọng điểm, bắn súng là môn có nhiều tiềm năng.
Trường hợp Trịnh Thu Vinh còn mở ra hướng đầu tư trong thời gian tới của TTVN cho đấu trường Olympic. Ngay sau khi giành vé dự Olympic Paris, Trịnh Thu Vinh đã được Cục Thể dục thể thao, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam cùng đơn vị chủ quản là Trung tâm HL&TĐ TDTT CAND tạo điều kiện tối đa để đi tập huấn, thi đấu dài ngày ở nước ngoài. Các chuyến tập huấn này đều diễn ra tại các quốc gia đang sở hữu nhiều xạ thủ hàng đầu thế giới, có VĐV từng nhiều lần giành chức vô địch Olympic như Hàn Quốc, Hungary.
Thành tích có được và phong thái tự tin của Thu Vinh trong lần đầu tiên bước ra đấu trường danh giá như Olympic là thành quả của những lần du đấu và tập huấn đan xen liên tiếp trước thềm giải đấu. Những chuyến tập huấn với trường bắn hiện đại và sự góp sức của chuyên gia nước ngoài. Muốn các VĐV vượt ngưỡng và vươn tầm cần phải có sự đầu tư tương xứng bởi kết quả cao sẽ khó lòng được tạo nên chỉ bằng khát vọng và quyết tâm đơn thuần.
Sau 8 năm, kể từ Olympic 2016, bắn súng Việt Nam mới lại có một xạ thủ tiệm cận và có khả năng cạnh tranh huy chương Thế vận hội. Qua đây cũng cho thấy, việc xác định môn thể thao cần đầu tư trọng điểm là hướng đi hợp lý của ngành thể thao. Kể từ "cột mốc" lịch sử của Hoàng Xuân Vinh năm 2016, bắn súng Việt Nam được biết đến nhiều hơn. Cũng từ đây, vấn đề đầu tư cho bắn súng cũng được đặt mục tiêu trọng tâm. Sau SEA Games 31, đội tuyển bắn súng cũng được thừa hưởng cơ sở vật chất hiện đại với trường bắn tại Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội.
Giới chuyên môn đánh giá cao sự bình tĩnh của Thu Vinh, đặc biệt ở những serie 10 điểm trong cuộc đua đầy áp lực ở nội dung 10m súng ngắn hơi và 25m súng ngắn thể thao. Điều đó cho thấy tố chất tâm lý của một xạ thủ tài năng. Rõ ràng, việc tìm kiếm và đào tạo được những VĐV trẻ có tố chất, tiềm năng phù hợp luôn là thách thức rất lớn. Song, hy vọng cạnh tranh huy chương ở bộ môn bắn súng cũng gợi mở những hướng phát triển mới, khi bộ môn này không đòi hỏi những tố chất khác biệt về thể lực hay tầm vóc.
Lấy một ví dụ với Hàn Quốc - một trong những cường quốc đứng đầu môn thể thao này. Hàn Quốc đã giành 3 HCV bắn súng ở các nội dung cá nhân nữ gồm súng ngắn hơi 10m, súng trường hơi 10m và súng ngắn thể thao 25m với 3 xạ thủ khác nhau, mà người trẻ nhất sinh năm 2007, còn lại là sinh năm 2005 và 2003. Bên cạnh công tác đào tạo đỉnh cao, Hàn Quốc thực sự có một nền bắn súng hùng mạnh từ cấp độ phong trào, thu hút sự quan tâm và tham gia tập luyện của nhiều VĐV trẻ. Điều này biến bắn súng cùng với bắn cung trở thành một môn thể thao rất được yêu thích tại Hàn Quốc.
Còn với Thu Vinh, những gì cô gái sinh năm 2000 đã thể hiện ở Olympic Paris nhen nhóm hy vọng về một tương lai đầy triển vọng cho bắn súng Việt Nam.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất