19/09/2017 19:33 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Trong bối cảnh Mỹ nổi cơn thịnh nộ phản đối Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga, và một số nhà quan sát Moskva lo ngại thương vụ này sẽ dẫn tới nguy cơ công nghệ phòng không mới nhất của nước này sẽ rơi vào tay NATO, nhà phân tích quân sự Andrei Stanavov đã chỉ ra một số lý do vì sao các chuyên gia vũ trang đừng nên quá lo lắng.
Tuần trước, chính quyền Ankara đã trả khoản chi phí đầu tiên trong thương vụ Nga chuyển giao hệ thống tên lửa đất đối không S-400 tới Thổ Nhĩ Kỳ. Hợp đồng này đã khiến Washington tức giận, buộc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lên tiếng đáp trả nước họ hoàn toàn có quyền tự do quyết định độc lập về công tác đảm bảo an ninh quốc gia. Thượng nghị sĩ Mỹ Ben Cardin thậm chí còn đề xuất các “lệnh trừng phạt tự động” phản đối thương vụ này của Ankara.
Trong khi đó, một số nhà quan sát quân sự Mỹ và Nga nhận định rằng kế hoạch bán hệ thống vũ khí tối tân Nga cho một quốc gia NATO sẽ cho phép tổ chức này có cơ hội tiếp cận với năng lực tác chiến của hệ thống, đồng thời phát hiện ra các yếu điểm, giúp họ ngăn chặn được hệ thống.
Tuy nhiên, trong một bài viết cho hãng tin RIA Novosti, nhà quan sát quân sự Andrei Stanavov lên tiếng trấn an các nhà quan sát Nga nên nghỉ ngơi, và đừng lo lắng về bí mật S-400 sẽ rơi vào tay NATO.
Có thể hạ gục hiệu quả bất kỳ phương tiện vũ khí tấn công nào từ trên không, bao gồm các vật thể bay đạt vận tốc 5km/s, S-400 Triumf là niềm tự hào của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Việc bán S-400 cho một quốc gia NATO khiến cho giới phân tích lo lắng cũng là một điều bình thường. Song nói chuyện với Stanavov, ông Viktor Murakshovsky – đại tá quân đội đã về hưu đồng thời là Tổng biên tập Tạp chí “Kho vũ khí Tổ quốc”, giải thích các tính năng chiến đấu của mẫu S-400 xuất khẩu trên thực tế không hiện đại bằng mẫu S-400 có trong kho vũ khí của Nga, và không được lắp đặt công nghệ kỹ thuật mới nhất – được Bộ Quốc phòng liệt kê vào danh sách “bí mật quốc gia”.
Đơn xin xuất vũ khí bán sang một nước khác sẽ do Tập đoàn Dịch vụ Kỹ thuật quân sự Liên bang gửi tới cho Bộ Quốc phòng. Nếu như không có sự đồng ý từ Bộ Quốc phòng, không có một loại vũ khí nào được chuyển ra nước ngoài trong cấu hình có thể gây ra mối đe dọa với nền an ninh quốc gia Nga. Quy định tương tự cũng được áp dụng cho S-400, vị quan chức quân sự nhấn mạnh.
Với kỹ thuật hiện đại hiệu quả, S-400 của Nga đang nhận ào ạt các đơn hàng, lôi cuốn sự hứng thú từ những quốc gia khác. Sau Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến bắt đầu từ cuối năm nay, Trung Quốc cũng sẽ nhận được hệ thống S-400 của Nga, trong hợp đồng mua tổng cộng 48 bệ phóng. Trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa Ấn Độ và Nga vẫn đang xúc tiến. Chính quyền Delhi ngỏ ý muốn mua 80 bệ phóng và hai quốc gia vẫn đang bàn thảo chi tiết hợp đồng.
Mikhail Khodarenko – một nhà quan sát quân sự kỳ cựu kiêm Tổng biên tập Tạp chí Phòng không – nhận định thậm chí ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ giao S-400 cho Mỹ, điều đó cũng chẳng giúp ích gì trong việc phá vỡ bí mật quốc phòng Nga.
“Tất cả những nỗi lo lắng về việc rò rỉ công nghệ đang bị thổi phồng quá mức, đặc biệt là đối với tên lửa phòng không. Thậm chí nếu như họ có tháo dỡ toàn bộ hệ thống nhằm tìm ra bí mật quân sự, họ sẽ chẳng thu được điều gì. Bên cạnh đó, hệ thống này cũng sẽ được chuyển cho Trung Quốc, và chúng tôi có thể chắc chắn họ sẽ tháo tung nó ra”.
Tuy nhiên, nhà phân tích này cũng nhấn mạnh mặc dù không trang bị đầy đủ tất cả tính năng, song mẫu S-400 xuất khẩu vẫn duy trì phần lớn năng lực tác chiến. Điều này đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp nhận một trong những hệ thống phòng thủ hiện đại nhất trên thế giới, có khả năng bảo vệ vùng không phận quốc gia bằng một lá chắn phòng thủ đáng tin cậy.
Theo Hồng Hạnh/Báo Tin Tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất