17/06/2020 09:26 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Mấy ngày vừa qua dư luận được phen xôn xao về thông tin VPF có thể thu về được tới 70 tỷ đồng nhờ bán bản quyền truyền hình.
Theo đó, dựa theo việc trung bình mỗi trận đấu ở V-League, VPF có 9 phút quảng cáo, tương đương 18 TVC, mà mỗi TVC trị giá 20 triệu đồng, và nhân theo số lượng 3.276 TVC, tương đương với 182 trận đấu trong một mùa giải thì VPF có khả năng sẽ thu về khoản tiền lên tới gần 70 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chỉ cần theo dõi các trận đấu được truyền hình trực tiếp của LS V-League 2020 là có thể thấy phần lớn thời gian của 9 phút quảng cáo mà VPF nhận được ở mỗi trận đều được dùng để trả quyền lợi cho các nhà tài trợ của giải đấu, và thời lượng còn lại để VPF sử dụng là không nhiều.
Thực tế này đã diễn ra từ nhiều mùa bóng trước đó chứ không phải tới bây giờ mới có tình trạng như vậy, và xét về bản chất thì VPF gần như không thu được tiền tươi từ việc bán bản quyền phát sóng trực tiếp V-League mà chỉ có thể trao đổi bản quyền của giải đấu để đổi lấy thời gian quảng cáo trước, trong và sau các trận đấu, nhằm thanh toán quyền lợi cho nhà tài trợ mà thôi.
Thế nên kịch bản VPF có thể thu được tới 70 tỷ từ việc bán quảng cáo trên truyền hình chẳng khác nào chuyện “đếm cua trong lỗ”, vì nhìn cảnh VPF phải chật vật tìm kiếm nhà tài trợ giải đấu qua từng mùa thì làm sao có thể nghĩ tới việc họ có thể kiếm bộn từ bán quảng cáo từ các trận đấu của V-League?
Việc nâng cao thu nhập từ bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của VPF, nhưng đấy không phải là một mục tiêu có thể hoàn thành ở thì tương lai gần, vì bản quyền truyền hình đến bây giờ vẫn chưa phải là nguồn thu đáng kể của các CLB chuyên nghiệp.
Có một thực tế là bản quyền bóng đá Việt Nam hầu như chỉ được quan tâm ở những giải đấu quốc tế có sự tham dự của các ĐTQG Việt Nam, nhưng điều đáng nói là ở những cuộc chơi như thế này, phía hưởng lợi lại thường là các Công ty nước ngoài nắm giữ bản quyền truyền hình nhờ khai thác rất tốt sự cạnh tranh giữa các đơn vị truyền hình trong nước theo kiểu “gà nhà đá nhau”, còn với V-League hiện tại, việc phát sóng trực tiếp 100% số trận đấu ở mỗi vòng đấu đã được coi là nỗ lực rất lớn của VPF, còn để nghĩ tới chuyện gặt hái lợi nhuận từ bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thì vẫn là chuyện “nho còn xanh lắm”.
Ở 2 vòng đấu gần nhất của LS V-League 2020 là vòng 3 và vòng 4, số lượng khán giả tới sân lần lượt là 50.500 người, trung bình 7.214 người/trận (vòng 3) và 56.700 người, trung bình 8.100 người/trận (vòng 4), mà trong số này riêng sân Hàng Đẫy (trận Hà Nội-HAGL, 12.000 CĐV) và sân Thiên Trường (trận Nam Định-Viettel, 15.000 CĐV) đã đóng góp phân nửa tổng số khán giả tới sân ở vòng 3, còn tới vòng 4, riêng sân Hà Tĩnh đã đóng góp 22.000 khán giả do sự cố “vỡ sân”, còn 6 sân khác không nơi nào vượt quá 10.000 khán giả/trận.
Từ số lượng khán giả tới sân như vậy có thể suy ra được số lượng khán giả theo dõi V-League qua truyền hình hẳn cũng còn khiêm tốn, nên nếu bảo VPF có thể thu được 70 tỷ nhờ bán quảng cáo trên sóng trực tiếp V-League thì quả thật có vẻ hơi khôi hài.
Huy Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất