Đi hội Pháo hoa Đà Nẵng và những cái “đừng”

30/03/2012 06:36 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH Cuối tuần) - Từ 2008, lễ hội Pháo hoa Quốc tế được tổ chức thường niên tại Đà Nẵng như một đặc sản du lịch của thành phố sạch nhất Việt Nam này. Năm nay lễ hội Pháo hoa quốc tế có 2 điều khác với 4 lần tổ chức trước: Một là không có thi thố, chỉ có màn trình diễn giữa các đội đã thắng giải qua các  lần thi trước là Canada (vô địch 2008), Trung Quốc (2009), Pháp (2010), Italia (2011) và đội chủ nhà với màn bắn pháo hoa mang chủ đề Sắc màu Đà Nẵng. Hai là cuộc trình diễn sẽ được tổ chức trong hai đêm 29 và 30/4, thay vì thường tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng Đà Nẵng 29/3 như trước đó. Nếu định đến Đà Nẵng tham dự lễ hội này, bạn hãy tham khảo lời khuyên của một tín đồ pháo hoa đã có mặt tại cả 4 mùa lễ hội trước.

Đừng chọn khách sạn gần

Bình thường, phòng khách sạn, nhà nghỉ ở Đà Nẵng không đắt lắm, tất nhiên là trừ những resort 5 sao như Furama... Tuy nhiên Đà Nẵng luôn “cháy phòng” khi vào mùa Lễ hội pháo hoa. Những khách sạn nằm gần khu vực bắn pháo hoa ở đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Đống Đa, 3 tháng 2… luôn hết chỗ và đội giá. Nếu túi tiền không rủng rỉnh, bạn đừng tìm cách ở những khách sạn gần khu vực bắn pháo hoa làm gì. Đó là chưa kể, không phải khách sạn nào gần điểm bắn pháo hoa cũng có “view” (góc nhìn) hướng về nơi diễn ra lễ hội. Suy nghĩ ở khu vực gần nơi bắn pháo hoa để tiện đi lại ngắm nghía lắm khi là một sai lầm bởi nơi bạn lưu trú sẽ ngập giữa biển người từ khắp nơi đổ về liên tục từ chiều cho đến đêm. Nếu chọn khách sạn dọc hai bên bờ sông Hàn, gần địa điểm bắn, bạn buộc phải cắm chốt tại khách sạn từ chiều vì nếu đi chơi về muộn,  bạn sẽ phải đợi đến lúc các màn trình diễn pháo hoa kết thúc, biển người giải tán bớt thì mới có thể về được khách sạn. Nên tìm những khách sạn xa xa bờ sông, nói là xa nhưng cũng chỉ cách đó khoảng 4-6km, giá  thuê phòng những nơi này vào mùa pháo hoa cũng rẻ, dao động trên dưới 500.000 đồng/ phòng /giường đôi.


Đừng lo thiếu chỗ xem

Địa hình của Đà Nẵng khá thuận lợi cho việc xem pháo hoa. Thành phố có nhà cao cửa rộng nhưng không dày đặc như ở Hà Nội hay TP.HCM và cũng không có cảnh người xe ngộp trong bê tông tầm cao. Các tòa cao ốc nằm rải rác gần hai bên bờ sông chỉ có nhiệm vụ tô điểm cho thành phố trẻ này thêm năng động và… gia tăng thêm lượng góc nhìn để ta có thể ngắm pháo hoa. Địa điểm bắn lại sát bờ sông, gần bờ biển, kề núi non, khung cảnh rất hữu tình và người dân ở đây chỉ cần leo lên sân thượng lầu 2, lầu 3 là có thể nhìn thấy pháo hoa rồi.

Cảnh bắn pháo hoa đẹp thật, nhưng sẽ khiến không ít người càu nhàu sao xem trong hình thấy pháo hoa nở thành từng chùm nhiều quá chừng mà coi ở ngoài “hổng thấy zậy”, dù vẫn đẹp. Tin tôi đi, tất tần tật đều là ảnh ghép của các nghệ sĩ nhiếp ảnh cho đến thợ chụp hình. Nếu muốn, bạn cũng có thể có tấm hình ghép mình lung linh đầy ánh sáng pháo hoa phía sau.

Quán cà phê  Memory cạnh cầu sông Hàn, cao ốc Green View  trên đường Bạch Đằng - nơi ngắm pháo hoa trên độ cao hơn 20 tầng - là những  điểm thường được quảng cáo rầm rộ trước mỗi mùa pháo hoa. Nếu chọn những nơi này, bạn cần 300.000 - 400.000 đồng cho một chỗ ngồi có kèm thức uống. Tuy thế những nơi này luôn mau hết chỗ. Thương thì du khách hay chọn chỗ ngồi ở các khán đài với giá vé từ 200.000 đến 300.000 đồng/vé/ đêm. Có 25.000 chỗ ngồi trên khán đài để cho  khách xem nhưng phân nửa là vé mời nên lượng vé còn lại cũng không đáp ứng đủ nhu cầu. Cái lợi nhất khi bạn xem bắn pháo hoa ở khu vực khán đài là được nghe nhạc nền phụ trợ, tăng hiệu quả cho các màn trình diễn của mỗi đội, nhất là với những màn biểu diễn có các loại pháo bay là đà trên mặt nước để tạo hình nghệ thuật. Tuy nhiên với lượng người dồn về trong những ngày này, ai cũng muốn chọn cách ngắm pháo hoa sao cho ổn nhất, nếu bạn không tìm ra được chỗ ngồi trên khán đài cheo leo giàn sắt kia thì cũng đừng lo. Bạn hãy tự cho mình là... dân địa phương, họ chẳng cần mất tiền mua vé mà vẫn có những địa điểm rất ổn để xem pháo hoa. Công nhận có âm nhạc đệm vào thì pháo hoa hấp dẫn hơn thật, nhưng không nghe được nhạc cũng… không sao. Ở Sài Gòn hay Hà Nội mỗi dịp lễ Tết chúng ta đều xem bắn pháo hoa không âm nhạc mà vẫn thấy hay như thường đấy thôi.

Đừng phí dịp đổi "view"

Xem pháo hoa ở Đà Nẵng, bạn đừng chỉ đứng một chỗ, hãy thay đổi địa điểm để khám phá những cảnh quan mới được tạo bởi pháo hoa và cảnh vật theo từng góc nhìn. Có khá nhiều cây cầu bắc qua sông Hàn, và chúng đều trở thành địa điểm quan sát đắc địa. Cầu sông Hàn và cầu Thuận Phước là hai điểm được ưa chuộng nhất. Từ cầu sông Hàn, bạn sẽ nhìn thấy pháo hoa “gối” trên phông nền là cửa biển lờ mờ với cầu Thuận Phước rực rỡ các loại đèn chiếu sáng. Khi đứng ở cầu Thuận Phước, cây cầu nơi sông Hàn đổ ra biển vịnh Đà Nẵng, có chiều cao hơn cầu sông Hàn, bạn sẽ thấy pháo hoa bay nở trên vùng trời thành phố lấp lánh nhập nhòe ánh điện. Xa hơn một chút, nếu đứng ở câu Nguyễn Văn Trỗi, cách cầu sông Hàn chừng 2km, bạn sẽ thấy cả cầu sông Hàn gối lên nền pháo hoa.

Cầu Thuận Phước và thành phố Đà Nẵng nhìn từ bán đảo Sơn Trà

Nếu bạn muốn nhìn pháo hoa như bay lên từ mặt nước, cách tốt nhất là trực chiến ở sát mé sông. Hơi vất vả vì phải đi sớm mới mong có chỗ và còn phải “ngồi đồng” mấy tiếng đồng hồ để  giữ vị trí. Ở những chỗ này, chỉ cần 15.000 – 20.000 đồng là bạn có thể thuê ghế nhựa để ngồi.

Lãng mạn hơn, bạn có thể lênh đênh trên dòng Hàn giang trong đêm mà ngắm pháo hoa. Có một số tàu du lịch nhận đặt chỗ nhưng lưu ý là số lượng tàu ngày thường  vốn không nhiều, chỉ vài chiếc nên khả năng hết chỗ cũng rất sớm. Chưa kể  là chất lượng dịch vụ cũng trồi sụt theo kiểu hên xui. Giá xê dịch cũng trong khoảng từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng/ người. Tuy nhiên, không phải lo lắng lắm về chuyện hết chỗ xem trên sông. Chỉ cần trước buổi lễ, chạy dọc xuống con đường Trần Hưng Đạo, hỏi thăm mấy khu dân làng chài vốn đang rất sẵn thuyền đậu kín ven bờ, thế nào cũng có người chỉ cho bạn chỗ thuê thuyền. Nơi con đường chạy dọc bờ đông sông Hàn này, vốn là những khu dân chài trước kia, dịp bắn pháo hoa cũng là dịp nhiều chiếc thuyền tranh thủ cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, đừng đòi hỏi phải có đầy đủ áo phao khi bước xuống các thuyền dịch vụ tự phát này.

Nếu sợ nguy hiểm, ghét chen lấn xô bồ thì lên núi, vừa đỡ phải lo giành chỗ, lại không sợ móc túi. Một nhóm bạn của tôi đã rủ nhau đem đồ ăn thức uống và dăm lon bia để phóng xe máy lên hướng núi Sơn Trà ngay cạnh thành phố để vừa dùng bữa tối lai rai vừa ngắm pháo hoa từ xa xa. Đây là con đường du lịch mới được mở rộng (trước kia vốn là đường nội bộ quân sự) chạy vòng quanh ôm hết bán đảo Sơn Trà. Bạn có thể chạy xe rà rà lên dốc núi tìm nơi lý tưởng để xem. Ở đây quán cà phê Đà Nẵng View có chỗ ngắm xuống thành phố khá đẹp. Dĩ nhiên, “view” này phù hợp với những ai không đặt nặng vấn đề phải thấy rõ pháo hoa trong cự ly gần và thích được nhìn bao quát toàn cảnh Đà thành lung linh ánh điện và pháo hoa từ trên cao...

Với 15 phút giải lao giữa mỗi lượt bắn có thể chỉ cho phép bạn di chuyển gần và đổi hướng xem được một chút, nhưng nếu tham dự cả 2 đêm, tôi khuyên bạn nên đổi 2 "view” khác nhau kẻo uổng.

Cầu sông Hàn và bến thuyền rồng

Và những cái đừng nho nhỏ

Đừng đi vào trung tâm thành phố gần giờ bắn pháo hoa. Thường thì 20h, 20h30 mới tới giờ khai màn nhưng từ 17h đã khó gọi taxi, xe ôm vì ai cũng ngại kẹt xe nên không chở khách. Các bác tài không quen ứng phó với chuyện kẹt xe như cơm bữa như các đồng nghiệp ở Sài Gòn, Hà Nội bởi Đà Nẵng rất hiếm khi kẹt xe nếu không phải vào dịp lễ hội. Lễ hội pháo hoa  lại không chỉ thu hút khách du lịch, mà ngay với người dân địa phương, đây là dịp vui cộng cộng khiến dân tình đổ ra đường nhiều nhất trong năm.

Đừng uống nước nhiều kẻo nhu cầu bài tiết có nguy làm cơ hỏng cuộc vui của bạn vì ở đây có rất ít nhà vệ sinh công cộng, các nhà vệ sinh lại chỉ nằm ở khu vực khán đài, phải có vé mới vào được.

Đừng mang theo nhiều tiền và những đồ vật quý bởi nguy cơ bị móc túi rất cao.

Có 5 địa điểm bán vé ở Đà Nẵng: Sở VHTTDL, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiến Dĩnh, nhà hát Trưng Vương, Trung tâm Xúc tiến Du lịch, công ty CP Nghệ thuật Việt. Đầu tháng 4, vé xem pháo hoa mới được bán nhưng BTC đã nhận đặt vé từ trước đó nửa tháng. Lưu lý là vé khán đài A, B không bán, chỉ toàn vé mời, nhưng bạn vẫn thừa khả năng sở hữu vì chuyện vé mời được đem bán rất phổ biến. Thậm chí ngay trước buổi biểu diễn, trên lối vào khán đài, không ít người vẫn đi rao bán vé mời với giá ngang bằng thập chí còn rẻ hơn giá vé của BTC!

Đừng đi chơi xa trong ngày diễn ra pháo hoa. Hội An, biển Lăng Cô,  bán đảo Sơn Trà, cụm núi Ngũ Hành Sơn, Bà Nà… là những điểm thường được du khách chọn để đi chơi ban ngày, trước giờ xem pháo hoa. Những nơi này tuy chỉ cách Đà Nẵng từ 7 - 30km, bạn có thể gói ghém đi về trong ngày nhưng hãy cảnh giác với nạn kẹt xe. Đặc biệt, nếu đi Bà Nà bạn hãy tính toán thời gian thật kỹ vì tình trạng kẹt cáp treo thường xuyên xảy ra vào mùa du lịch.

Và cuối cùng, đừng lo hết vé máy bay vì hầu hết các hãng hàng không ở Việt Nam đều có đường bay đến Đà Nẵng, nhiều nhất là Vietnam Airlines với trung bình 6 chuyến ngày và sẽ tăng chuyến những dịp lễ Tết, Jestar một ngày có 3 chuyến, Mekong Air ngày 2 chuyến, Vietjetair sẽ khai trương đường bay TP.HCM – Đà Nẵng cuối tháng Tư này. Nếu dư dả thời gian, bạn có thể đi tàu đến Đà Nẵng, từ TP.HCM hoặc Hà Nội đến Đà Nẵng cũng chỉ mất 15 tiếng.

Sơn Trà

Chọn tour

Xem bắn pháo hoa quốc tế là một trong những tour được các công ty lữ hành chào bán từ khi Lễ hội Pháo hoa Quốc tế được tổ chức thành lệ hàng năm. Thông thường các tour xem pháo hoa được kết hợp với việc tham quan các thắng cảnh nổi tiếng ở gần Đà Nẵng như Huế, Hội An, Bà Nà... Ngoài ra, các công ty du lịch còn nhận đặt phòng khách sạn, mua vé máy bay, vé xem pháo hoa cho nhu khách có nhu cầu đi theo hình thức free & easy. Bạn có thể tham khảo một số tour sau đây:


Đà Nẵng nhìn từ cầu Nguyễn Văn Trỗi

- HUẾ - ĐÀ NẴNG – BÀ NÀ – HỘI AN, 3 ngày, 7.590.000 đồng, khởi hành: 29/4
- ĐÀ NẴNG – BÀ NÀ – HỘI AN, 4 ngày, 8.990.000 đồng, khởi hành: 28/4
- ĐÀ NẴNG – BÀ NÀ – CÙ LAO CHÀM – HỘI AN, 3 ngày, 8.990.000 đồng, khởi hành: 28, 29/4
- HUẾ - PHONG NHA – ĐÀ NẴNG – HỘI AN, 4 ngày, 9.590.000 đồng, khởi hành: 28/4
- ĐÀ NẴNG – HUẾ - ĐỘNG THIÊN ĐƯỜNG – BÀ NÀ – HỘI An, 5 ngày, 10.290.000 đồng, khởi hành: 27/4


Liên hệ:
Vietravel (08. 3822 8898 – Ext: 233, 228, www.travel.com.vn)
TST Tourist (tsttourist.com)
Saigontourist (saigontourist.com)

Thông tin du lịch

Vietravel mở bán tour xem Euro 2012

Lễ hội bóng đá lớn nhất Châu Âu EURO 2012 sẽ diễn ra từ ngày 8/6 – 1/7 tại hai quốc gia Ba Lan và Ukraina. Vietravel tung ra chương trình tour “Pháp – Ba Lan” kết hợp du lịch và chứng kiến trận so tài giữa 2 đội bóng Tây Ban Nha và Ý tại EURO 2012. Với tour này, du khách sẽ bay đến Paris, thủ đô nước Pháp và tham quan những điểm du lịch hấp dẫn nhất của thành phố này như tháp Eiffel, nhà thờ Đức Bà, bảo tàng Louvre… Sau đó sẽ là đất nước Ba Lan xinh đẹp và thưởng thức trận đấu vòng loại đầu tiên của bảng C giữa Tây Ban Nha và Ý diễn ra vào ngày 10/6/2012 tại sân vận động Municipal, thuộc thành phố cảng Gdansk, Ba Lan. Giá tour: 95.000.000 đồng/khách (chưa bao gồm vé xem bóng đá).

Carnaval Hạ Long

Liên hệ:
Công ty Du lịch Vietravel
190 Pasteur, P.6, Q.3, TP.HCM
Tel: (08) 3822 8898
Các trung tâm, chi nhánh, phòng đăng ký du lịch Vietravel trên toàn quốc
Hoặc mạng bán tour trực tuyến: www.travel.com.vn

Tấp nập festival

Mùa du lịch đã đến gần, các lễ hội cũng tưng bừng khai mạc. Sớm nhất, Festival Dừa Bến Tre 2012 sẽ bắt đầu từ 4/4, kết thúc vào 10/4. Đến với xứ dừa vào dịp này, ngoài việc vãn cảnh sông nước, chứng kiến đời sống, sinh hoạt, văn hoá của người dân và thưởng thức các đặc sản nổi tiếng làm từ dừa, du khách còn có cơ hội tham gia các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội như Hội chợ triển lãm các sản phẩm dừa và hội chợ thương mại 2012; triển lãm nghệ thuật sắp đặt Con đường dừa hay Liên hoan Ẩm thực xứ dừa lần thứ I.

Festival Huế 2012 được tổ chức từ 7-15/4. Năm nay, festival Huế thu hút sự tham gia của 23 nhóm nghệ thuật thuộc 12 quốc gia ở các châu lục trong sự kiện giao lưu văn hoá Đông Á- Mỹ Latin. Ngoài ra, những hoạt động được coi là đặc sản như Lễ tế giao, Lễ tế đàn Xã tắc, Đêm hoàng cung, Huyền thoại sông Hương sẽ được điều chỉnh để tăng sự hấp dẫn với du khách. Lễ hội áo dài, Đêm phương Đông, Lễ hội đường phố Mỹ Latin, lễ hội trống và các nhạc cụ gõ… cũng là nhưng hoạt động đáng quan tâm nếu đến dự festival này.

Tuần lễ Carnaval Hạ Long 2012 sẽ mở màn vào 28/4 và kéo dài hết 2/5 với nhiều hoạt động sôi nổi như lễ hội hoá trang với sự tham gia biểu diễn của gần 3.000 diễn viên trong nước và nước ngoài, cuộc thi Người đẹp Hạ Long, giải Bóng chuyền bãi biển nữ châu Á 2012 diễn ra tại khu du lịch Tuần Châu quy tụ khoảng 20 đội đến từ nhiều quốc gia trên thế giới…

A.T


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm