Bản hùng ca về người thợ mỏ diễn trên 'đất mỏ'

03/11/2015 11:53 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vẫn biết NSND - đạo diễn Lê Hùng và NSƯT - biên kịch Bùi Vũ Minh là những “cao thủ” trong làng sân khấu. Nhưng lần này tôi vẫn bị bất ngờ khi xem vở diễn Người tù trao áo (hay Khát vọng của những linh hồn) của các anh trên sân khấu Cung Văn hóa lao động Việt- Nhật (Quảng Ninh).

Câu chuyện kịch xoay quanh cuộc đời hoạt động và sự hy sinh cao cả của Bí thư Đặc khu ủy mỏ đầu tiên: đồng chí Vũ Văn Hiếu và nhiều các thế hệ lãnh đạo cách mạng Việt Nam khác. Những tưởng là tác phẩm “cúng cụ” sẽ rất “cứng”, rất “gắt”, khó đi vào tâm trí người xem...

Nhưng tác giả Bùi Vũ Minh đã không khai thác nhiều mảng đấu tranh, hoạt động, bị mật thám theo dõi, tra tấn, tù đày của các chiến sỹ cách mạng... Tác giả đã khéo chạm tới sợi tơ lòng cuối cùng trong các cung bậc tình cảm của mỗi con người, đó là Tình yêu. Ở Vũ Văn Hiếu, ở Võ Thị Sáu và những chiến sỹ cộng sản đều có tình yêu tha thiết với quê hương.


Cảnh trong vở “Người tù trao áo” của Đoàn Kịch Công an Nhân dân

Vũ Văn Hiếu yêu tha thiết quê hương Nam Định nơi có con sông Ninh Cơ hiền hòa, nơi có những người nông dân chân thật, nghèo khó... và nơi đó có cả Lựu của anh... Võ Thị Sáu yêu cháy bỏng quê hương đất đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu), nơi đó có hoa lêkima, có bà mẹ đau buồn thắp nén nhang cho con... Đó chính là những biểu hiện cụ thể của tinh thần yêu nước, không mơ hồ, viển vông; cách lý giải, cắt nghĩa tình yêu quê hương đất nước của Bùi Vũ Minh thật cụ thể, rõ ràng, khúc chiết.

Cùng mạch cảm xúc đó, tác giả còn xây dựng hình tượng những chiến sỹ cách mạng rất “người”, không khô khan, cứng nhắc, những Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng... sống với nhau chân thành, mộc mạc...

Tác giả còn khéo léo cài chi tiết bà Phi Yến và Hoàng tử Cải, hiện thân của đại đoàn kết toàn dân tộc, đại diện cho hồn thiêng sông núi cũng đã hóa thân thành một lực lượng siêu nhiên ủng hộ cách mạng, kháng chiến cứu nước...

Mặc dù những nhân vật xuất hiện trên sân khấu ở nhiều thời kỳ khác nhau của lịch sử, nhưng sự xuất hiện của họ không hề bị “vênh” vì được tác giả tạo ra hoàn cảnh xuất hiện trong môi trường âm - dương giao hòa, hư hư thực thực.

Vở diễn đã được bàn tay của đạo diễn Lê Hùng sáng tạo và gia công kỹ lưỡng. Ở ngay cảnh khai từ, Lê Hùng đã “thôi miên” khán giả, anh cho những linh hồn chứng kiến sự hy sinh của Võ Thị Sáu; đó cũng là mở đầu cho sự giao thoa, đối thoại, chia sẻ, hỗ trợ và chứng kiến sự hy sinh của các thế hệ chiến sỹ cách mạng trong một khung cảnh cụ thể là địa ngục trần gian Côn Đảo.

Vở diễn sẽ hoàn thiện hơn nếu như các tác giả gia công kỹ hơn, hợp lý hơn một chút trong một số lớp diễn, về đài từ, ngôn ngữ, phương ngữ, một chút về âm thanh, ánh sáng, đặc biệt là những cảnh “phục hiện”, những lớp giao tiếp giữa “ma” và “người”, giữa “hư” và “thực”. Các nghệ sỹ cũng sẽ “trau chuốt” thêm các vai diễn của mình sao cho vở diễn thực sự là một kênh thông tin chở thông điệp của cuộc sống, thực sự là bản hùng ca bi tráng.

Phạm Hồng Cẩm
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm