Cần linh hoạt trong chuyện chỗ ngồi của ông đồ

24/01/2014 07:39 GMT+7 | Văn hoá



(Thethaovanhoa.vn) - Năm nào cũng vậy, ông Nguyễn Khắc Thái lại bê đủ thứ bút, nghiên, giấy… ra góc tường Văn Miếu để vui vầy với đám bạn già.

Là người Hà Nội gốc, sinh ra trong gia đình truyền thống, cái mà ông biết không chỉ là chữ, là nghĩa mà còn là cả lịch sử. Ông thừa nhận chuyện xin chữ không thể là cứ ra đường là xin được. Nhưng những biến chuyển về cả không gian lẫn thời gian đã đưa chuyện xin chữ ra đường, thế là thành phổ cập, thành đại chúng.

“Hãy khoan nói về thế nào là chữ đẹp, chữ hay, chữ chuẩn. Bởi, mỗi người có một cách tiếp cận chữ riêng, có thầy dạy riêng và đặc biệt là sự từng trải để thấm từng chữ cho. Có thể việc các cụ đồ ra đường có gì đó hơi xã hội, hơi kinh doanh. Nhưng thái độ cho chữ của người có tâm và không có tâm sẽ hoàn toàn khác. Người kinh doanh đơn thuần thường chỉ viết theo đặt và nhận tiền theo giá định trước. Người có tâm thì tuỳ người mà cho chữ. Có những cụ phải trò chuyện, phải tâm sự, thậm chí kích thích người xin chữ thể hiện đúng tính cách, tâm hồn của mình. Từ đó mà luận ra chữ nào đáng cho”, ông Thái chia sẻ.

Dù có lệnh cấm, nhiều thầy đồ vẫn xuống đường vẽ thư pháp (Ảnh chụp chiều 22/1)

Câu chuyện ông đồ ngồi vỉa hè đối với ông Thái cũng không quá quan trọng. Ở độ tuổi này, đối với những người như ông được gặp bạn bè, được chia sẻ sở thích đã là quá đủ. “Tôi và những người bạn già đều đồng tình với việc có quy hoạch, quản lý việc cho chữ. Âu cũng là cách để mọi thứ đi vào quy củ. Nhưng phải nói thật, tôi hi vọng có sự sắp xếp tốt hơn, thông thoáng hơn. Ở bất cứ điểm công cộng đông người nào, người ta cũng bố trí đường ra đường vào tách nhau để tránh ùn tắc. Còn ở chỗ mới này, giả sử có quá đông người đến, chen nhau là điều khó tránh khỏi vì ra vào lẫn lộn, bên trong lại là đường cụt”.

Ông Thái chốt lại câu chuyện: “Hãy đừng nặng nề quá câu chuyện cho chữ ở đâu. Hãy chỉ nghĩ đơn giản rằng, đó một thú vui, là một chút gì đó nét văn hoá. Hay nói hiện đại hơn một chút, đó là một cách để con người giải toả những mệt mỏi, căng thẳng mà thành phố nhộn nhịp này gây ra. Cuối năm như vậy sẽ thật là nhẹ nhàng”.

Cao Mạnh Tuấn (lược ghi)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm