17/10/2019 21:35 GMT+7 | Bạn cần biết
(Thethaovanhoa.vn) - Thời điểm đầu tháng 10, kiến ba khoang bắt đầu xuất hiện ồ ạt. Vì vậy, số lượng bệnh nhân nhập viện do trúng độc của loài côn trùng này tăng lên nhanh chóng.
Kiến ba khoang là loài côn trùng có thân mình thon dài, hai màu đỏ và đen tạo thành các khoang đen, vàng cam xen kẽ. Kiến ba khoang còn có rất nhiều tên gọi khác nhau như kiến lác, kiến gạo, kiến nhốt, cằm cặp, kiến cong đít.
Hiện đang là mùa cao điểm kiến ba khoang hoành hành, với những yếu tố thuận lợi như thời tiết, thức ăn để kiến ba khoang phát triển. Đặc biệt là đối với các khu dân cư sống cạnh cánh đồng, ao hồ, nơi có nhiều thực vật là nguồn thức ăn cho kiến. Kiến ba khoang không đốt người mà trong cơ thể chúng có độc tố, khi dùng tay đập, giết kiến nọc độc này dính vào da gây tổn thương.
Tổn thương khi dính độc kiến ba khoang
- Tổn thương cơ bản có dạng dát đỏ, thành đám, thành vệt, theo chiều tay quệt, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục.
- Viêm da thường xuất hiện ở vùng hở trên cơ thể như: mặt, cổ, ngực, gáy, vai, tay.
- Thương tổn tiếp tục xuất hiện dù không còn sự hiện diện của kiến ba khoang nếu ngứa gãi quệt ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp.
- Bệnh nhân có cảm giác rát bỏng tại chỗ, thương tổn trên diện rộng trẻ có thể sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.
Biểu hiện của bệnh sau khi dính độc kiến ba khoang từng giai đoạn
- Sau khi bị kiến ba khoang cắn, người bệnh cảm giác râm ran.
- Sau 6 đến 8 giờ sau xuất hiện ban đỏ, dát đỏ.
- Sau 12-24 giờ tiếp theo xuất hiện thương tổn điển hình.
- Sau 3 ngày thương tổn bắt đầu đỡ rát bỏng, bong vảy.
- Sau 5-7 ngày vảy bong hết nhưng để lại dát thâm lâu mất.
Chất độc kiến ba khoang nguy hiểm hơn lọc rắn hổ mang
Kiến ba khoang xuất hiện nhiều vào đầu mùa mưa và rất thích ánh sáng đèn ban đêm. Sau những cơn mưa, nước ngập không còn nơi cư trú, chúng bay vào trong nhà theo ánh đèn.
Dính độc kiến ba khoang có thể để lại hậu quả nghiêm trọng trên da, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Độc kiến ba khoang gây phồng rộp khó chịu, nặng hơn có thể máu mủ, loét, phù nề, gây sốt, thậm chí hoại tử.
Nhiều người chưa hiểu biết về loài kiến này, thường lỡ tay đập chết, chà xát con kiến nên bị trúng phải chất độc. Cơ thể kiến ba khoang có chứa pederin, độc tính gấp 12-15 lần nọc rắn hổ mang. Tuy độc tính cao, nhưng với lượng tiếp xúc nhỏ và ngoài da nên không đủ để gây chết người như nọc rắn.
Cách xử trí khi bị kiến ba khoang cắn hoặc dính độc tố kiến ba khoang
Nếu phát hiện bị dính chất độc kiến ba khoang, cần hành động ngay:
- Trức hết loại bỏ chúng ra, không dùng tay trần để bắt, miết, giết.
- Rửa vùng tiếp xúc bằng nước sạch và xà phòng, sau đó dùng thuốc sát trùng nhẹ và đến gặp bác sỹ để chữa trị.
Khi thương tổn đã phỏng rộp, tùy vào mức độ tổn thương mà bác sĩ chỉ định thuốc phù hợp. Trường hợp nhẹ chỉ cần sát trùng, bệnh tự giới hạn. Nếu tình trạng trung bình và nặng thì phải bôi thuốc dịu da, corticosteroid bôi, uống kháng histamin, uống kháng sinh khi có dấu hiệu bội nhiễm.
Tránh cào gãi mạnh làm cho chất độc lây lan khắp cơ thể.
Kiến ba khoang thường sống ở đâu?
Kiến ba khoang thường sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng... Chúng xuất hiện nhiều vào đầu mùa mưa và ưa thích ánh sáng đèn ban đêm. Sau những cơn mưa, nước ngập chúng không còn nơi cư trú, nên bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn.
Kiến ba khoang thường tiết ra chất dịch có thể làm tổn thương da người nếu tiếp xúc với dịch này.
Cách phòng để không bị kiến ba khoang đốt
- Đề phòng côn trùng bay vào nhà bằng cách hạn chế mở cửa nhiều, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng...
- Tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang rất hay xuất hiện ở nơi có đèn sáng.
- Không dùng tay trần để bắt, giết, miết kiến ba khoang.
- Giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dung.
Thảo Nhi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất