Deltacron và Omicron tàng hình, những biến thể gây lo ngại

20/03/2022 13:07 GMT+7 | Bạn cần biết

(Thethaovanhoa.vn) - "Deltacron" và "Omicron tàng hình" là 2 biến thể phụ mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đang nổi lên và gây nhiều lo ngại.

Giải mã nguyên nhân biến thể 'Omicron tàng hình' lây lan mạnh

Giải mã nguyên nhân biến thể 'Omicron tàng hình' lây lan mạnh

Khả năng lây lan nhanh hơn của biến thể Omicron dường như đã dẫn đến sự lưu hành rộng rãi của dòng phụ biến thể này, còn gọi là “Omicron tàng hình”.

Liệu đây có là dấu hiệu cho một giai đoạn mới của cuộc chiến chống dịch bệnh đã kéo dài sang năm thứ 3 trên toàn cầu? Tờ Independent (Anh) ngày 19/3 đã so sánh về 2 loại biến thể phụ này và sự hiện diện của chúng ở thời điểm hiện tại.

Theo Independent, những hy vọng rằng đại dịch COVID-19 đang đến hồi kết đã bị dội một gáo nước lạnh với những thống kê mới nhất. Số ca mắc mới tại Anh tiếp tục tăng. Trung Quốc đại lục phải chứng kiến làn sóng dịch mới nghiêm trọng. Hàn Quốc ghi nhận số ca mới cao kỷ lục. Châu Phi có số ca mới tăng tới 14%. Những biến thể phụ mới xuất hiện như Omicron tàng hình bị cho là yếu tố thúc đẩy tình trạng trên.

* Deltacron là gì?

Như tên gọi, đây là một biến thể kết hợp những yếu tố của cả biến thể Delta lẫn biến thể Omicron. Nó được cho là hình thành từ một bệnh nhân nhiễm cả 2 biến thể Delta lẫn Omicron cùng một lúc. Biến thể "lai" này được phát hiện tại một số vùng của Pháp và dường như bắt đầu lây nhiễm rộng hơn từ đầu tháng 1. Khoảng 30 ca nhiễm Deltacron được phát hiện ở Anh.

Chú thích ảnh
Biến thể lai Deltacron rất hiếm gặp

Biến thể này được chính thức ghi nhận như một biến thể mới sau khi kết quả giải trình tự gene đầy đủ của nó được Viện Pasteur ở Paris gửi tới GISAID, bản đồ cập nhật kết quả giải trình tự gene SARS-CoV-2, được các nhà khoa học trên toàn cầu cập nhật liên tục. Bản đồ này được các nhà khoa học tại các quốc gia cùng tham khảo, theo sát sự biến đổi của SARS-CoV-2.

Mức độ nguy hiểm của biến thể này vẫn đang được nghiên cứu, đánh giá. Các nhà phân tích cho rằng về cơ bản nó giống như Delta nhưng có protein gai của Omicron, bộ phận mà virus bám vào tế bào con người.

Có những lo ngại lớn về Deltacron nếu nó kết hợp giữa độc lực cao của Delta với khả năng lây nhiễm nhanh của Omicron. Tuy nhiên, do hệ miễn dịch con người đang ngày càng tăng đối với cả 2 loại biến thể này, giới khoa học sơ bộ đánh giá cho đến giờ Deltacron chưa phải là mối đe dọa nghiêm trọng như vậy.

* Omicron tàng hình là gì?

So với Deltacron, Omicron tàng hình nổi bật hơn vào lúc này. Đây là một biến thể phụ của Omicron còn được biết đến là BA.2 (Omicron là BA.1) và lần đầu được phát hiện ở Anh hồi tháng 12 năm ngoái. Giới nghiên cứu đang cho rằng đây là dòng virus corona lây lan nhất từ trước đến nay.

Giáo sư Adrian Esterman, một cựu chuyên gia dịch tễ học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhận định: "Chỉ số lây nhiễm cơ bản với BA.2 là khoảng 12. Nó tương đương với sởi, bệnh lây nhiễm nhất mà chúng ta từng biết". Cho đến giờ, Omicron tàng hình được cho là chiếm tới hơn 1/2 tổng số ca mới tại vùng England trong khi cũng đã xuất hiện ở Đức, Trung Quốc và Ấn Độ. Tại Đan Mạch, nó đã gây ra làn sóng lây nhiễm mạnh trong tháng 2 vừa qua.

Chú thích ảnh
Omicron tàng hình

Tuy nhiên, cũng có tín hiệu lạc quan như ở Đan Mạch, số ca mới tăng vọt và hiện đang giảm dần. Trong khi dữ liệu ban đầu cho thấy rằng độc lực của Omicron tàng hình không mạnh hơn Omicron và cũng nhạy cảm với vaccine.

* Quy mô lây nhiễm

 Con số toàn cầu về Deltacron vẫn chưa được làm rõ. Bước đầu mới xác định khoảng 30 ca tại Anh, khoảng 20 ca tại Mỹ, một số ca tại Pháp (nơi lần đầu phát hiện biến thể phụ này) cũng như tại Hà Lan và Đan Mạch.

Với Omicron tàng hình, con số rõ ràng hơn. Tại Anh, biến thể phụ này chiếm tới 57% trong 27.000 ca mới ghi nhận ở tuần cuối của tháng 2. Tại Mỹ, Omicron tàng hình chiếm khoảng 23,1% tổng số ca. Làn sóng dịch tại Trung Quốc đại lục, Hong Kong (Trung Quốc) và Hàn Quốc được cho là do cả Omicron lẫn Omicron tàng hình.

Trung Sơn/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm