Bản án lương tâm của Pistorius

25/10/2014 13:44 GMT+7 | Thế giới Sao

(Thethaovanhoa.vn)- Anh từng được gọi là "người đàn ông không chân nhanh nhất" và câu chuyện vượt lên tật nguyền của anh đã làm lay động cả thế giới tại Olympic London 2012. Còn bây giờ, khi những ống kính chĩa về phía Oscar Pistorius, anh đã bị coi là thủ phạm của vụ án tình xảy ra vào rạng sáng ngày lễ Tình yêu của năm 2013.

Khi tờ báo này lên khuôn, VĐV chạy nước rút Olympic và Paralympic 27 tuổi người Nam Phi đã bị tuyên án sau khi anh bị cáo buộc ngộ sát bạn gái Reeva Steenkamp vào ngày 14/2/2013. Pistorius thì khẳng định anh đã bắn nhầm Steenkamp vì lầm tưởng cô là kẻ trộm và nhờ vậy, anh đã thoát tội cố ý giết người, nhưng vẫn bị Tòa án Pretoria (Nam Phi) kết án 5 năm tù. Ngoài ra, tòa cũng đã tuyên án 3 năm tù treo cho Oscar Pistorius vì tội tàng trữ vũ khí trái phép.

Một vài tình tiết về những gì đã xảy ra tại căn nhà của Pistorius tại Pretoria vào lúc 4 giờ sáng xuất hiện sau đó, khiến người hâm mộ choáng vàng và không thể giải thích được tại sao thần tượng của họ sa ngã tới mức đó và nhanh đến vậy.

Sinh ra với khiếm khuyết bẩm sinh, Pistorius đã mất cả hai chi dưới đầu gối trước sinh nhật đầu tiên của minh. Mặc dù vậy, anh vẫn quyết tâm vươn lên để trở thành một VĐV hàng đầu thế giới. Năm 2012, Pistorius trở thành VĐV mất hai chân đầu tiên tranh tài cùng với những VĐV bình thường tại Olympic London. Nhờ vậy mà anh càng trở nên nổi tiếng hơn cùng với biệt danh “Blade Runner”, một biệt danh gắn liền cùng đôi chân giả được làm từ sợi carbon của anh.


Oscar Pistorius tại tòa

Dĩ nhiên là Pistorius không giành được huy chương nào ở London nhưng sự xuất hiện của anh trên đường chạy đã được ca ngợi như là một chiến thắng trước nghịch cảnh, đồng thời dập tắt những chỉ trích cho rằng, đôi chân thép đã mang lại cho anh một lợi thế nhất định.

Đâu là con người thật của Pistorius?

Chính vì quá nổi tiếng nên ngay sau khi bị bắt, hình ảnh Pistorius có mặt khắp nơi. Các nhà tài trợ tạm dừng hợp đồng, trong khi người hâm mộ tự hỏi liệu có phải thành công trên đường chạy của Pistorius đã che giấu một tính cách phức tạp trong con người VĐV này.

Pistorius là kẻ bạo lực? Một người có vấn đề về tâm lý? Trong câu chuyện có tựa đề “Cuộc đời nhanh của Oscar Pistorius” trên tờ New York Times, tác giả Michael Sokolove viết: “Ngoài những gì chúng ta thấy, Pistorius có tính cách không bình thường, một tính cách dữ dội, thậm chí điên cuồng trên đường chạy”.

Liệu sự không bình thường này có phải là lý do người phát ngôn của cảnh sát cho biết đã có “những xô xát” tại nhà Pistorius trước khi vụ xả súng xảy ra hay việc chánh án kết tội anh tàng trữ vũ khí có liên quan đến một vụ bắn nhau ở một nhà hàng?

Một điều chắc chắn là Pistorius sở hữu nhiều loại súng và một trong số đó đã được dùng để bắn Reeva. Cũng như anh là một người có tính cách mạnh mẽ và có phần điên cuồng như đã nói ở trên. Nếu không, Pistorius không thích bắn súng đến vậy và không mạo hiểm với rất nhiều môn thể thao từ lướt ván, lặn và xe đạp địa hình.


Oscar Pistorius trên đường chạy

Theo Pistorius thì từ trẻ, anh luôn có ước muốn phải trở thành người giỏi nhất ở các môn thể thao. “Tôi học không giỏi, vì thế, tôi phải tìm được thứ gì mà tôi hứng thú. Tôi bắt đầu chơi thể thao và lúc còn trẻ, mẹ tôi có nói với chúng tôi rằng, “thể thao không phải để trở thành người giỏi nhất nhưng thể thao sẽ mang lại cho con những điều tốt đẹp nhất” - Pistorius từng nói.

Vì vậy mà khi còn nhỏ, Pistorius còn chơi cả bóng nước, cricket, tennis, ba môn phối hợp, vật và quyền Anh, trước khi anh chấn thương đầu gối trong lúc chơi bóng bầu dục ở tuổi 16. Trong quá trình phục hồi, Pistorius chuyển sang chạy và trong vòng một năm, anh đạt thành tích ở nội dung 100m nhanh hơn kỷ lục thế giới của Paralympic.

Đến năm 2004, Pistorius giành huy chương vàng ở Paralympic Athens và một năm sau, lần đầu tiên anh thi đấu với những VĐV bình thường tại giải điền kinh Nam Phi.

Sau tai nạn bị chấn thương ở đầu vào năm 2009 và phải mất 8 tuần phục hồi, Pistorius tham dự Olympic, rồi Paralympic London. Ở nội dung 200m, anh thất bại một cách bất ngờ bởi trong 9 năm trước đó, chưa bao giờ anh thua ở nội dung này.

Tuy vậy thì ở đường chạy 499m T44, Pistorius đã lập kỷ lục Paralympic với thời gian 46,68 giây và giành huy chương vàng. Trên website của mình, VĐV người Nam Phi sau đó mô tả chiếc huy chương vàng này giống như “một giấc mơ thành hiện thực”.

Họ nói gì về Pistorius?

Pistorius ngộ sát hay giết người có chủ ý, có lẽ chỉ có lương tâm cựu VĐV khuyết tật này mới trả lời được. Dĩ nhiên thì gia đình anh vẫn luôn đứng về anh, động viên anh trong hơn một năm qua, trong khi người đại diện Peet Van Zyl thì khẳng định anh là “người bạn và là VĐV chuyên nghiệp vĩ đại” của mình. Van Zyl cũng tiết lộ hàng nghìn người đã gửi lời chia sẻ, động viên Pistorius sau cái chết của Reeva.


Oscar Pistorius và bạn gái Reeva Steenkamp khi còn “tay trong tay”

Về phía nhà Steenkamp, họ vẫn hoài nghi về người đã bắn chết con gái họ. Trên tờ Beeld, ông Barry Steenkamp, cha của Reeva, nói: “Dù nó giàu đến mức nào và luật sư của nó của giỏi thế nào, nó cũng cần phải sống với bản thân mình nếu nó để các luật sư nói dối thay nó”.

“Nhưng nếu nó nói đúng sự thật, một ngày nào đó tôi có thể tha thứ cho nó” - ông Barry nói tiếp - “Nhưng nếu không đúng, nó phải bị trừng phạt”.

Vậy mà chỉ vài ngày trước khi bi kịch xảy ra, một người hàng xóm cho biết anh ta có trông thấy Pistorius và Steenkamp: “Tay trong tay và trông rất hạnh phúc”.

Một người khác thì tiết lộ Pistorius “rất hào phóng”. “Anh ấy thường cho chúng tôi mỗi lần 10 USD. Tôi chưa bao giờ phải lên giường với cái bụng đói là nhờ Oscar Pistorius”.

“Người đàn ông của tương lai"

Thành công trong Hè năm 2012 đã làm thay đổi cuộc đời của Pistorius. Trên tạp chí dành cho đàn ông GQ Style, anh xuất hiện dưới dòng tít “Người đàn ông của tương lai”. Trong khi đó, trên tờ People, anh có tên trong danh sách “Người đàn ông hấp dẫn nhất đang sống” năm 2012. Ngoài ra, Pistorius còn là đại sứ của Quỹ Mineseeker Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận liên quan đến việc rà phá bom mìn trên khắp thế giới. Còn trên Twitter, anh có hơn 300.000 người dõi theo, trong đó có hàng chục nghìn người được bổ sung sau ngày anh bị bắt vào năm ngoái. Tài khoản của Pistorius bị treo trong một năm trời cho đến ngày kỷ niệm cái chết của Reeva hồi tháng 2 vừa qua, khi anh đăng một đường link về “một vài lời từ trái tim của tôi” từ website của anh. Thông điệp này được viết: “Không lời nào có thể diễn tả được cảm xúc của tôi về tai nạn thương tâm đã gây đau khổ cho những ai yêu và tiếp tục yêu quý Reeva. Nỗi đau và sự buồn chán, đặc biệt với cha mẹ, gia đình và bạn bè của Reeva đã khiến tôi tan nát cõi lòng. Cái chết của Reeva và nỗi đau của ngày hôm đó, tôi sẽ mang theo suốt cuộc đời”.


Phạm Hưng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm