Bundesliga không ngừng vươn lên: Người Đức chậm mà chắc

24/03/2013 14:03 GMT+7 | Bóng đá Đức

(Thethaovanhoa.vn) - Schalke đã không tận dụng được chút lợi thế sau trận lượt đi, hòa 1-1 trên sân Galatasaray, để cùng Dortmund và Bayern góp mặt ở vòng tứ kết Champions League. Nhưng điều đó cũng không ảnh hưởng hưởng quá nhiều đến một thực tế là Bundesliga của người Đức đang không ngừng vươn lên trên bình diện châu Âu và thế giới.

Khi mùa giải 2011-2012 còn chưa khép lại, tin vui đã đến: Bundesliga chính thức vượt mặt Serie A để giành vị trí thứ ba trên bảng xếp hạng năm năm của UEFA. Điều đó đồng nghĩa với việc sau gần một thập kỷ, Bundesliga mới lại có bốn đại điện cùng xuất phát ở Champions League. Số lượng quan trọng, nhưng chất lượng còn quan trọng hơn, và sức mạnh của Dortmund cũng như Bayern đang củng cố niềm tin về sự thăng tiến của bóng đá Đức trong cuộc cạnh tranh với Tây Ban Nha và Anh, sau khi đã bỏ lại Italia và Pháp.

Vậy những yếu tố nào đã làm nên thành công cho Bundesliga?     



Khán giả là vua

Ở Bundesliga, khán giả thực sự là “thượng đế”. Bundesliga có giả vé rẻ nhất, đồng thời thu hút lượng khán giả đông nhất trong số năm giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu. Sân nhà của Dortmund có một khán đài rất nổi tiếng, nằm ở phía Nam và tường được gọi là “bức tường màu vàng”, cực kỳ sôi động với sức chứa 26.000 chỗ đứng và giá vé được khống chế dưới 15 Euro. Các đội bóng ở Bundesliga đều hạn chế lượng vé của mùa (mua vé một lần, xem tất cả các trận sân nhà trong cả mùa giải) nhằm tạo điều kiện cho mọi cổ động viên đều có cơ hội được đến sân thưởng thức trận đấu.

Với tấm vé xem bóng đá trong tay, cổ động viên được miễn phí đi lại bằng phương tiện công cộng trong ngày diễn ra trận đấu. Họ đến sân trong bầu không khí cực kỳ thoải mái, có thể hát hò, uống bia và ăn xúc xích - những thứ gắn liền với đặc trưng ẩm thực của nước Đức. Nhìn chung, ở Bundesliga khán giả được đối xử như “thượng đế”, điều mà cổ động viên ở Anh chỉ có thể mơ mà thôi. Ngoại trừ một vài đội bóng như Chelsea, người hâm mộ Anh luôn phải chịu cảnh tăng giá vé, vốn đã ở mức “cắt cổ”, qua mỗi mùa giải.

Thành công của Bundesliga xuất phát từ việc các câu lạc bộ biết tôn trọng giá trị cốt lõi của mình, đó là đặt cổ động viên lên vị trí đầu tiên trong mọi ưu tiên. Ở mỗi trận đấu, các cổ động viên đội khách được dành 10% số vé vào sân, và trên thực tế, số lượng này vẫn ít hơn rất nhiều so với nhu cầu. Các câu lạc bộ không đòi hỏi thêm nhiều tiền từ cổ động viên, đó không phải là văn hóa phổ biến tại các đội bóng Đức. Họ luôn biết cách đặt lợi ích của người hâm mộ lên hàng đầu.

Bundesliga có lẽ là giải vô địch quốc gia thực sự đúng nghĩa duy nhất ở châu Âu mà ở đó, tất cả các câu lạc bộ góp mặt đều có lợi nhuận, dù một thực tế khá cay đắng là suốt chín năm qua, chưa một đội bóng Đức nào giành được Champions League. Đại diện ưu tú nhất của Bundesliga, Bayern, chỉ mới vào chơi hai trận chung kết trong ba mùa gần đây. Mùa này, với việc cả Bayern lẫn Dortmund đều gây ấn tượng mạnh, Bundesliga có hy vọng giải cơn khát vinh quang ở đấu trường danh giá bậc nhất châu lục.

“Bundesliga là một thương hiệu, một giải đấu tốt về nhiều mặt, hấp dẫn về thể thao và ổn định về doanh thu dựa trên ba nguồn cơ bản: Từ ngày diễn ra trận đấu, các hợp đồng tài trợ và bản quyền truyền hình”, ông Christian Seifer - Giám đốc điều hành của Bundesliga - chia sẻ trên tờ Observer Sport. Những nguồn thu này không ngừng tăng lên trong các mùa giải gần đây, giúp các câu lạc bộ có nguồn tài chính vững mạnh hơn, thông qua một cơ chế phân phối hợp lý về bản quyền truyền hình.

Trong khi các câu lạc bộ ở Tây Ban Nha, Anh, Italia hay Pháp nợ lên đến hàng tỷ Euro thì ở Bundesliga, số nợ của các đội bóng là không đáng kể. Schalke hiện được xem là “Chúa chổm” ở Bundesliga cũng chỉ nợ không quá 100 triệu Euro. Việc kiểm soát tốt tài chính của các đội bóng, như cách mà UEFA đang làm với Luật công bằng tài chính áp dụng cho các câu lạc bộ tham dự đấu trường châu Âu, đã giúp Bundesliga không bị ngập chìm trong những món nợ khổng lồ.

Chất lượng cầu thủ    



Một yếu tố khác dẫn đến thành công của Bundesliga là chất lượng cầu thủ khá đồng đều ở các câu lạc bộ. Cuối những năm 1990, Liên đoàn bóng đá Đức đã thúc đẩy quá trình đào tạo trẻ bằng cách đưa ra yêu cầu rằng một đội bóng muốn dự giải chuyên nghiệp thì phải có học việc bóng đá, nơi sẽ sản sinh ra các tài năng sân cỏ. Mỗi năm 36 câu lạc bộ ở Bundesliga và giải hạng Nhì sử dụng gần 100 triệu Euro cho các “vườn ươm” và trên thực tế, khoản đầu tư này đã mang lại lợi nhuận lớn.

Có khoảng hơn năm nghìn cầu thủ trẻ từ 12 đến 18 tuổi được đào tạo thông qua hệ thống này, giúp tỷ lệ cầu thủ dưới 23 tuổi ở Bundesliga hiện nay lên tới gần 20%, so với chỉ 6% như một thập kỷ trước. Điều này giúp các câu lạc bộ có lực lượng khá dồi dào, và chỉ dồn tiền để mua những ngôi sao thực sự, thay vì tốn chi phí không cần thiết cho những cầu thủ chất lượng ở mức trung bình.

Để giữ được sự ổn định, các đội bóng Đức buộc phải tuân thủ quy tắc 50+1, quy định các thành viên đội bóng phải sở hữu ít nhất 51% câu lạc bộ. Điều này giúp các câu lạc bộ không bị rơi vào tầm kiểm soát của một cá nhân nào đó, điều đang xảy ra ồ ạt tại Premier League, La Liga và Serie A. Một số ít đội bóng, như Hannover của Chủ tịch Martin Kind, muốn hủy bỏ quy tắc 50+1 nói trên, như một cách cởi nút thắt giúp Bundesliga có sự phát triển đột phá như các đội bóng Anh. Nhưng phần lớn vẫn cho rằng, quy tắc này không phải là một cái vòng kim cô, mà ngược lại là một sự bảo vệ cần thiết để tránh nguy cơ đổ vỡ hệ thống.

Cách tân về chiến thuật

Kể từ sau EURO 2004, mà đội tuyển Đức bị loại ngay từ vòng bảng, bóng đá Đức đã chứng kiến một cuộc cách mạng về chiến thuật và lối chơi, với những người tiên phong là bộ đôi huấn luyện viên Juergen Klinsmann và trợ lý Joachim Loew ở “Die Mannschaft”. Cùng với những thành quả bước đầu của chiến lược đào tạo trẻ, đội tuyển Đức có cơ hội làm mới chính mình bằng những tài năng đầy triển vọng. Và cũng chính những thành công bước đầu của đội tuyển Đức đã cổ vũ cho các câu lạc bộ kiên trì với con đường mới, mà giờ đây đã có thể khẳng định đó là sự lựa chọn đúng đắn.

Dựa trên những nguyên liệu mới, người Đức đã tạo ra những lối chơi mới, vừa đảm bảo khả năng giành chiến thắng - điều rất quan trọng trong bóng đá, nhưng đồng thời cũng rất cuốn hút - yếu tố giúp một đội bóng, hay cả giải đấu được hâm mộ rộng rãi trên bình diện châu lục và thế giới. Hầu như tất cả đều bị bất ngờ và thuyết phục bởi màn trình diễn của Dortmund, đội đương kim vô địch Bundesliga, ở vòng bảng trước những đối thủ mạnh như Real Madrid hay Man City. Thầy trò ông Juergen Klopp đã chiến thắng bằng sức trẻ và khả năng duy trì áp lực tấn công trên toàn mặt sân suốt 90 phút.

Để có được những cầu thủ chuyền bóng như đặt, quay lưng cũng biết đồng đội đứng ở đâu, Dortmund đã triệt để áp dụng khoa học kỹ thuật vào huấn luyện. Footbonaut, hệ thống huấn luyện rất khoa học và cực kỳ hiện đại của Dortmund, giúp cầu thủ phát triển kỹ năng một cách toàn diện. Việc phân tích chiến thuật thông qua hình ảnh đồ họa 3D, hay theo dõi sức khỏe cầu thủ bằng vi mạch điện tử, đã là chuyện rất bình thường ở Đức, đất nước có nền kinh tế hùng mạnh dựa trên nền tảng khoa học phát triển.

Mọi thứ ở đây, không riêng gì bóng đá, luôn được nghiên cứu và tính toán một cách kỹ lưỡng nhất, để đảm bảo sự phát triển bền vững, có thể chậm nhưng chắc. Sau rất nhiều năm chờ đợi, cuối cùng thì người Đức cũng đang đứng trước cơ hội được nở mày, nở mặt, khi mà vị thế trên đấu trường châu Âu, đặc biệt ở Champions Legaue, của Bundesliga đã được cải thiện đáng kể, trong sự xuống cấp của Premier League - Giải đấu vẫn được xem là hấp dẫn nhất thế giới.


Quy tắc 50+1

Các đội bóng Đức buộc phải tuân thủ quy tắc 50+1, quy định các thành viên đội bóng phải sở hữu ít nhất 51% câu lạc bộ. Điều này giúp các câu lạc bộ không bị rơi vào tầm kiểm soát của một cá nhân nào đó, điều đang xảy ra ồ ạt tại Premier League, La Liga và Serie A.

Đông Hà 
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần 


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm